Nhà văn 'ngõ nghèo' Nguyễn Xuân Khánh qua đời

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/06/2021 07:10 GMT+7

Những tháng ngày viết văn thời bao cấp của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là ngày nuôi lợn, may thuê, đêm lên gác xép ngồi cùng giấy bút.

Vậy mà ông có trong tay những tác phẩm “khác thường”. Ông vừa qua đời vào ngày 12.6 tại Hà Nội, thọ 89 tuổi.

Xuất sắc nhất khi viết về... lợn

Khi Chuyện ngõ nghèo được xuất bản năm 2016, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021) đã là người có trong tay rất nhiều giải thưởng. Ông có Hồ Quý Ly nhận giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn VN 1998 - 2000, giải thưởng Thăng Long của UBND TP.Hà Nội 2002, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001. Ông cũng có Mẫu thượng ngàn nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006. Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đã giành vị trí cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn 2011. Nhưng trên bìa 4 cuốn sách có ý kiến đánh giá: “Chuyện ngõ nghèo không ngạc nhiên nếu được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông học ĐH Y Hà Nội, sau đó nhập ngũ, công tác tại Trường sĩ quan Lục quân. Bộ ba tiểu thuyết: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa (ảnh) của ông đã được trao 5 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và UBND TP.Hà Nội. Trước đó, 2 tiểu thuyết Miền hoang tưởng và Trư cuồng của ông đã gây sóng gió cho ông cả về văn lẫn đời. Ông Nguyễn Xuân Khánh cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn Chuông nguyện hồn ai.
Chuyện ngõ nghèo, theo ông Khánh chia sẻ lúc sinh thời, là tự truyện của chính ông. Ở đó, có một thế giới nghèo đến mức, khốn khó đến mức việc nuôi lợn trở thành một phần đời sống cả vật chất lẫn tinh thần. Những cuộc va chạm người - lợn nhiều lúc tưởng như hoang đường và ông viết lại những va chạm như thế.
Khi Chuyện ngõ nghèo được in, ông Khánh chia sẻ về lịch viết văn xen lẫn nuôi lợn bận rộn: “Tôi nhận việc viết văn theo bạn bè. Lúc đó nhà tôi nghèo, quá nghèo, nghèo lắm. Thành ra tôi phải đi học nghề thợ may. Tôi làm thợ may độ 8 năm. Làm may đo ngay ở nhà. Ban ngày thì nuôi lợn và làm thợ may, ban đêm chui lên gác xép. Thời gian vô cùng eo hẹp nhưng nó cũng kích thích chứ. Nó tạo ra cái gì khác thường”, ông Khánh nói.
Theo thứ tự sáng tác mà ông Khánh từng chia sẻ, Chuyện ngõ nghèo là giai đoạn thứ hai trong đời viết của ông. Giai đoạn đầu tiên, ông Khánh viết truyện ngắn. Sau đó, ông viết Hoang tưởng trắng và Chuyện ngõ nghèo. “Giai đoạn thứ ba là giai đoạn viết về lịch sử và văn hóa như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Chuyện ngõ nghèo hầu như là tự truyện. Câu chuyện xảy ra ở đúng cái làng Thanh Nhàn này đây”, ông Khánh nói vào thời điểm 2016. Cũng ở thời điểm đó, việc xuất bản các tác phẩm của ông đã hoàn thành. Người đọc có thể hình dung ra cả cuộc đời với bao chặng đường viết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Đặc biệt, người ta không thể không nghĩ tới việc vì sao tác phẩm viết sớm hơn của ông lại được in trễ tràng đến vậy. Năm 2018, Chuyện ngõ nghèo nhận giải thưởng Sách hay ở hạng mục Tác phẩm văn học.

Thăng trầm và trở lại

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã từng mất tích trên văn đàn gần 30 năm, sau một biến cố. Trong suốt những năm đó, ông Khánh sống chật vật vì không được viết, không được in và không có thu nhập. Ông chỉ có một khe cửa hẹp là dịch Anh - Việt cho Viện Thông tin. Một người bạn là ông Phạm Toàn mang bản tiếng Anh tới, ông cùng nhà thơ Trần Dần và dịch giả Dương Tường xoay trần ra dịch. Đó là những bản dịch khó vì đòi hỏi cả ngoại ngữ lẫn chuyên môn sâu, những chuyên môn không phải y và toán như ông đã từng được học.
Sau những năm thèm viết mà không được viết, ông Khánh dần trở lại. Hồ Quý Ly khiến công chúng chia làm hai phe tranh cãi kịch liệt. Làm sao có thể dễ dàng chấp nhận được những bênh vực Hồ Quý Ly - phía mà vẫn bị coi là ngụy triều. Tới Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa, ông Khánh đã cho thấy một bút lực sung mãn giấu dưới những dòng văn chảy từ từ chầm chậm. Ở đó, có tinh thần văn hóa dày dặn của những ngôi làng Bắc bộ, có cả sự biến ảo trong thần tích, cũng như cái nhìn trầm tĩnh của người đã sống qua nhiều thăng trầm. Ông Khánh từng chia sẻ, điều quan trọng khi viết của ông là tìm thấy cái nhìn hiện đại về dân tộc, về lối sống.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Xuân Thạch (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng cốt lõi các tác phẩm của ông Khánh luôn có “xung đột giữa những lời giải cho một câu hỏi: điều gì là tốt cho dân tộc Việt”. Nói cách khác, ông Khánh trong những trang viết của mình là một người có tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Có lẽ chính vì thế, ông Khánh đã từ trung tâm bị văng ra ngoại biên rồi lại từng bước được tái khẳng định trong văn học trung tâm. Sự tái khẳng định của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội. Nhưng có lẽ, điều lớn nhất ông nhận được, chính là sự đón đọc của rất nhiều thế hệ độc giả. Họ tìm đọc ông, kể cả khi tác phẩm của ông chưa được xuất bản và phải đọc qua những bản không chính thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.