Nhà xuất bản sách ‘Lạc đà là một loài chim': Chúng tôi nhầm lẫn!
09/04/2016 19:53 GMT+7
Đã có 1.668 cuốn sách ‘Một vạn câu hỏi vì sao?’ do NXB Hồng Đức phát hành bị thu hồi để sửa định nghĩa về loài chim lớn nhất thế giới, sau khi bị người đọc phát hiện lỗi sai ngớ ngẩn.
Tự động phát
Đã có 1.668 cuốn sách ‘Một vạn câu hỏi vì sao?’ do NXB Hồng Đức phát hành bị thu hồi để sửa định nghĩa về loài chim lớn nhất thế giới, sau khi bị người đọc phát hiện lỗi sai ngớ ngẩn.
Ảnh chụp trang sách có định nghĩa lạc đà là một loài chim - Ảnh: Facebook H.M.U |
Định nghĩa về lạc đà khiến dân mạng bất bình
Gần đây, người dùng facebook có tên H.M.U đã chia sẻ hình chụp về trang sách có nội dung kỳ lạ, thu hút lượng lớn sự quan tâm của dân mạng. Theo đó, người viết sách khẳng định: “Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà. Lạc đà không chỉ có hình dáng to lớn mà tốc độ chạy cũng rất nhanh. Nó đã là chim, vậy tại sao lại chạy nhanh mà không phải là bay? Đó là vì lạc đà không thể bay do thân thể nó quá nặng, cánh cũng bị thóa hóa rồi”.
Tiếp theo, tác giả đi vào mô tả tỉ mỉ về chiều cao, cân nặng cũng như màu lông của “lạc đà châu Phi” khiến người đọc hốt hoảng:
“Trong các loài lạc đà, lạc đà châu Phi là nổi tiếng nhất, hơn cả lạc đà châu Mỹ và lạc đà châu Úc. Lạc đà châu Phi có thân thể cao lớn, giỏi chạy, thích hợp sống ở sa mạc và các vùng hoang dã, trong đó lạc đà đực lớn nhất cao tới 2,75 mét, dài khoảng 2 mét, nặng 160 cân. Lông cánh và lông đuôi của lạc đà châu Phi đều màu trắng…”.
Ảnh chụp trang sách có định nghĩa lạc đà là một loài chim - Ảnh: Facebook H.M.U
|
Sau khi trang sách được đăng tải lên Facebook đã vấp phải phản ứng từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng định nghĩa “Lạc đà là một loài chim” xuất phát từ sự cẩu thả của người viết sách, khi không ghi chú rõ “con lạc đà” hay “chim lạc đà”, khiến người đọc nhầm lẫn.
Lập luận của thành viên Hoàng An thuyết phục nhiều người: “Đà điểu châu Phi (danh pháp khoa học: Struthio camelus) là một loài chim chạy, có nguồn gốc từ châu Phi. Nó là loài còn sinh tồn duy nhất của họ Struthionidae, và chi Struthio. Chúng rất khác biệt về hình thể với cổ, chân dài và có thể chạy với tốc độ lên đến 65 km/giờ (40 dặm/giờ)".
"Đà điểu được xem là loài chim còn sống lớn nhất và được chăn nuôi trên khắp thế giới. Tên khoa học của nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là 'chim lạc đà'. Tôi hiểu ý của tác giả là 'chim lạc đà' nhưng vì không chịu chú thích nên mới gây ra chuyện dở khóc dở cười này”, Hoàng An dẫn giải thêm.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến lên án cách làm sách thiếu trách nhiệm từ khâu viết, biên tập đến kiểm duyệt và phát hành.
“Lạc đà và đà điểu là hai con vật có những đặc điểm rất riêng. Con nít mầm non nhìn hình cũng có thể chỉ ra được ngay, có con lạc đà nào có thể bay và có lông cánh, lông đuôi đâu chứ? Tôi không hiểu NXB và khâu kiểm duyệt sách đã ở đâu trong khi những trang giấy như thế này ung dung lên kệ, đến tay người mua?”, Hương Nhi bức xúc.
"Chúng tôi có nhầm lẫn khái niệm"
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang sách này nằm trong cuốn “Mười vạn câu hỏi vì sao” của tác giả Đức Thành, do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành quý IV năm 2015. Biên tập cuốn sách là Nguyễn Khắc Oánh, còn người chịu trách nhiệm xuất bản là Giám đốc Bùi Việt Bắc.
Ảnh chụp màn hình bìa cuốn sách “Mười vạn câu hỏi vì sao?” trên một trang bán sách trên mạng
|
Trao đổi với Thanh Niên chiều ngày 9.4, ông Việt Bắc nhận trách nhiệm: “Đúng là chúng tôi đã có nhầm lẫn giữa khái niệm “lạc đà” và “đà điểu” trong loạt sách trên. Hiện nay, chúng tôi đã có biện pháp thu hồi 1.668 cuốn sách để sửa lại nội dung cho phù hợp. Về cách xử lý những người có liên quan đến chất lượng cuốn sách, nhà xuất bản Hồng Đức sẽ họp bàn và đưa ra quyết định trong thời gian tới”.
Ngoài những sai sót đã được tìm thấy, trang sách do tác giả Đức Thành thực hiện lại có nội dung giống hệt đoạn viết về “Thế giới động vật - gia tộc phi cầm đa dạng và phong phú” trên trang Bách khoa tri thức, mục Bách khoa toàn thư thiếu nhi, thậm chí không sai đến một dấu chấm dấu phẩy, chỉ khác rằng nội dung trên web viết đúng, còn tác giả thì sai. Trả lời vấn đề này, vị Giám đốc NXB Hồng Đức cho biết ông chưa nắm được thông tin trên.
Trang sách có nội dung giống hệt bài viết trên một trang mạng, nhưng trang mạng đúng còn tác giả viết sách sai - Ảnh chụp màn hình BKTT
|
Đây không phải lần đầu tiên NXB Hồng Đức gặp rắc rối vì những lỗi sai như trên. Năm 2014, cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất do nhà xuất bản này phát hành cũng bị Cục Xuất bản, In và Phát hành xử phạt, vì những điểm sai sót trong nội dung cuốn sách.
Bình luận (0)