Sáng 9.9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh”, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh cụ Phan Châu Trinh (9.9.1872 - 9.9.2022).
Một nhân cách yêu nước vĩ đại
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trong lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Nam được biết đến là vùng đất mở, nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa lớn, cũng là vùng đất từng chịu biết bao thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và chiến tranh… Để từ đó, sản sinh ra các nhà duy tân với tư duy sáng tạo, đổi mới.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo |
mạnh cường |
Trong số đó, tiêu biểu là nhà yêu nước Phan Châu Trinh - người khởi xướng, vận động và lãnh đạo phong trào Duy Tân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào đầu thế kỷ 20.
Theo ông Thanh, sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, tuổi thơ của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đã trải qua nhiều gian nan cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực của nhân dân, cứu nước trước hết phải cứu dân. Từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Sinh thời, Phan Châu Trinh đã nhận ra và chỉ rõ nguyên nhân khiến dân tộc ta mất nước và đã bao lần quật khởi vẫn chưa giành lại được độc lập, chủ quyền. Đó chính là do trình độ quốc dân.
Để có thể ngang bằng với các dân tộc khác trên thế giới, chí sĩ Phan Châu Trinh cho rằng phải khắc phục sự tụt hậu về trình độ. Bởi vậy, ông đã khởi xướng cuộc cách mạng xã hội rộng lớn, sôi nổi ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, nhằm giải phóng dân tộc.
Chủ trì hội thảo |
mạnh CườnG |
Cũng theo ông Thanh, nhà yêu nước Phan Châu Trinh không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc với những tác phẩm nổi tiếng. Với trí tuệ thông minh và học vấn uyên thâm, Phan Châu Trinh dùng ngòi bút của mình để chuyển tải tư tưởng yêu nước thương dân, đấu tranh lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân, phong kiến. Các tác phẩm của Phan Châu Trinh đều thể hiện sự thiết tha của một tấm lòng, một nhân cách yêu nước vĩ đại.
“Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn đời mình cho nhân dân, cho dân tộc. Từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng trong lòng vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cống hiến của Phan Châu Trinh là vô cùng to lớn
Tại hội thảo các tham luận, các ý kiến của nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung vào những nội dung chính như: Bối cảnh lịch sử tác động đến việc hình thành tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; Sự ảnh hưởng của Phong trào Duy Tân và tư tưởng canh tân đối với xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20; Phát huy giá trị tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh trong giai đoạn hiện nay…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu và đại biểu cũng đã có những ý kiến đóng góp, đưa ra những nhận định, tư liệu để làm sáng tỏ thêm về tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nhất là việc vận dụng tư tưởng canh tân của bộ ba “Tam kiệt Quảng Nam” (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) mà trong đó nhà yêu nước Phan Châu Trinh đóng vai trò khởi xướng vào công cuộc đổi mới.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam dâng hương tại Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh vào sáng 9.9 |
mạnh cường |
Trình bày tham luận tại hội nghị, PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định học thuyết dân chủ của Phan Châu Trinh là một sáng tạo trong hệ tư tưởng Việt Nam. Tư tưởng canh tân của Phan Châu Trinh bắt nguồn từ tư tưởng dân chủ, dân quyền.
Học thuyết dân chủ của Phan Châu Trinh là một sáng tạo đúng hoàn cảnh đất nước, nhưng do phong trào đã làm dấy lên các cuộc biểu tình dân quyền quá sớm mang màu sắc chính trị, trong khi kẻ thù đang rất mạnh nên cuối phong trào bị đàn áp, các lãnh tụ bị bắt, giết, tù đày.
Theo PGS-TS Đỗ Bang, phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20 tuy thất bại nhưng cống hiến của Phan Châu Trinh là vô cùng to lớn. Qua phong trào này đã chấn hưng được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, nghĩa đồng bào và căm thù giặc Pháp; phát triển được nhiều ngành nghề mới, xây dựng nền giáo dục và văn hóa mới.
“Đặc biệt là tại Việt Nam lần đầu tiên hàng ngàn người xuống đường đấu tranh chống áp bức, bóc lột, phát triển văn hóa và dân sinh mang yếu tố chính trị. Tuy không thành công nhưng sự nghiệp của Phan Châu Trinh và sự kiện 'Trung kỳ dân biến' là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tư tưởng và phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20”, PGS-TS Đỗ Bang nhấn mạnh.
Nhà yêu nước Phan Châu Trinh hiệu Tây Hồ, sinh ngày 9.9.1872 tại làng Tây Lộc, H.Hà Đông (nay thuộc thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, H.Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Năm 1900, Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân, một năm sau đỗ Phó bảng nhưng phải trở về quê lo đám tang anh ruột và ở lại quê nhà dạy học.
Năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ nhiệm Thừa biện Bộ lễ. Năm 1904 ông đã từ quan trở về quê, tại làng Thạnh Bình (H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) gặp Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu để bàn việc cứu nước.
Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ…
Bình luận (0)