Nhạc sĩ Vinh Sử: 'Hoài Linh thì biết gì về nhạc mà làm giám khảo'

07/07/2017 13:06 GMT+7

Được mệnh danh là 'vua nhạc sến', nhạc sĩ Vinh Sử cho rằng các chương trình bolero hiện nay như nồi lẩu và việc những nghệ sĩ không chuyên làm giám khảo các chương trình này khiến ông cảm thấy... rất kỳ cục.

Các chương trình bolero không hề chuyên nghiệp

* Khi bolero trở lại mạnh mẽ, các chương trình về bolero cũng xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình. Thời gian qua, ông có theo dõi không và cảm thấy như thế nào?

-  Nhạc sĩ Vinh Sử: Tôi thấy bây giờ mọi thứ làm quá lên nên đã thành "cái lẩu", không còn là bolero nữa. Tôi nói cụ thể chuyện đi chấm thi. Hoài Linh làm giám khảo thì biết gì về nhạc, về bolero mà chấm trong khi Linh ca cũng bình thường thôi. Thậm chí nghệ sĩ Ngọc Giàu vốn xuất thân từ bên cải lương thì chấm bolero có kỳ không? Đó là chưa kể các ca sĩ hát pop, rock cũng được mời làm giám khảo. Một ca sĩ tên tuổi nhưng không qua trường lớp, nhờ giọng hát lạ lạ mà nổi tiếng, vậy cũng được lên chấm thi những người khác.

Chấm theo kiểu nói tới nói lui, nói xuôi nói ngược, không mích lòng ai thì chấm làm gì?
Nhạc sĩ Vinh Sử

Điều đó khiến tôi thấy các chương trình bolero không hề chuyên nghiệp. Muốn chấm bolero là phải biết nhịp phách thế nào và góp ý đúng chuyên môn. Xem các chương trình hiện nay, tôi thấy giám khảo chỉ khen đại khái như: "Em hát được đó", "Chúc mừng em đã hoàn thành xong bài thi"...

* Vậy theo ông, ai là người xứng tầm làm giám khảo những chương trình về bolero?

- Đó là những nhạc sĩ, nhạc công, những người hiểu rõ về bolero, nhịp phách mới có thể đánh giá được thí sinh hát bolero đúng chuẩn hay không. Còn người ca vọng cổ đi chấm bolero thì sao mà chấm? Bởi vậy, tôi thấy nhiều cái kỳ quá. Có những người mới đoạt giải quán quân là được mời lên chấm thi rồi, chỉ thấy tội nghiệp những thí sinh đi thi!

* Có phải vì thế mà chưa bao giờ thấy ông tham gia những chương trình này?

- Có chương trình đề nghị nhưng tôi thấy mình không đủ khả năng nên không nhận vì chấm bolero đâu phải đơn giản. Chấm theo kiểu nói tới nói lui, nói xuôi nói ngược, không mích lòng ai thì chấm làm gì?

Hoài Linh được mời làm giám khảo một số chương trình về âm nhạc Ảnh: T.L

* Tuy nhiên, việc bolero được ưa chuộng trở lại, đó có phải là tín hiệu đáng mừng cho "vua nhạc sến" như ông?

- Tôi thấy bài nhạc hay thì sẽ trường tồn chứ không có gì mừng hết. Loại nhạc nào cũng vậy, có lúc thịnh hành, có lúc bão hòa. Có giai đoạn gần 10 năm, người ta không để ý tới bolero nữa nhưng những năm gần đây, nó được yêu mến trở lại, đó cũng là quy luật chung thôi. Như tôi đã nói, nhạc hay thì không bao giờ "chết".

* Trong gia tài âm nhạc của ông, những ca khúc nào được trả tiền tác quyền nhiều nhất?

- Khá đều nhau nhưng nhiều nhất là những bài như Gõ cửa trái tim, Làm dâu xứ lạ, Gái nhà nghèo... Tôi ủy quyền hết cho bên bảo hộ tác quyền thu giúp. Mười phần thì tôi được 7 phần, họ 3 phần.

* Có phải nhờ bolero mà thời gian sau này, ông sửa sang nhà cửa và còn mua thêm một căn nhà ở quận 7 (TP.HCM)?

- Chuyện mua nhà cũng nhờ tôi đi dạy và làm nhiều thứ khác chứ không phải chỉ riêng bolero. Tôi lao động quen rồi, dù rằng tiền tác quyền đủ sống nhưng tôi vẫn thích đi làm, thích sáng tác... thành ra kinh tế cũng ổn định.

* Hiện nay, thu nhập hằng tháng của ông vào khoảng bao nhiêu?

- Nếu mà nói ít quá thì kỳ mà nói nhiều quá thì người ta không thích, cô cứ ghi là đều đặn, đủ sống thôi. Nếu mà nói mỗi tháng được 50 - 70 triệu thì người ta lại nói tôi "lối", sinh những chuyện khó chịu lắm. Thực tế, cuộc sống của tôi cũng đơn giản, cơm ngày 2 bữa là đủ rồi. Tôi cũng chẳng ước mơ gì lớn. Bây giờ nhiều tiền quá, chết không mang theo được mà ít tiền thì không đủ sống, cứ vừa vừa cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay là tôi mãn nguyện.

Sáng tác còn không nhớ, huống chi là người tình!

* Ngày xưa, nhạc của ông toàn đau khổ, thất tình. Còn bây thì sao?

- Bây giờ thì tôi vẫn "làm mặt buồn" để viết nhạc, nghĩa là tưởng tượng mình đang thất tình hoặc nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa rồi viết. Đau khổ thì ai cũng giống ai thôi, cũng nhăn nhó, buồn khổ, mất người yêu... 

Với tôi, mỗi bài nhạc là một người tình. Có người làm tôi thất vọng, buồn bã, khiến tôi yêu đơn phương rồi viết thành một bài nhạc nhưng cũng có những người gặp nhau vui vẻ, rồi đường ai nấy đi, tôi cũng sáng tác được nhạc. Như lần này, tôi gặp một cô gái làm công nhân. Qua những lời tâm sự của "nàng", tôi biết "nàng" rất muốn về quê ăn tết. Vậy là sáng tác ra bài hát Tết tết tết.

* Từng có một ca sĩ trẻ nói rằng nếu sa đà vào bolero sẽ là bước thụt lùi của âm nhạc, ông nghĩ gì về những phát ngôn như thế này?

- Tôi cho đó là những người không ý thức, phát biểu bậy bạ. Không có bolero hay điệu nhạc nào lại làm văn hóa đi xuống cả, chỉ có con người tự làm cho mình đi xuống thôi. Có những bài nhạc bolero rất hay và nổi tiếng, cũng có những bài nhạc chìm nghỉm. Cũng như có những người ca 6 câu vọng cổ khiến người nghe xúc động nhưng cũng có những người ca 6 câu tương tự nhưng không tạo được hiệu ứng. Đó là do người viết, người ca còn điệu nhạc không có lỗi.

Dù tuổi đã cao lại mang bệnh nhưng nhạc sĩ Vinh Sử vẫn sáng tác đều đặn Ảnh: Phan Giang

* Nổi tiếng đào hoa nhưng ở tuổi xế chiều, ông lại lủi thủi một mình?

- Tự nhiên tới tuổi này, tôi khoái sống một mình. Vẫn có những người tôi gọi là "bạn đời", hay ghé thăm, mà tôi hay nói vui là ghé coi tôi chết chưa. Họ sợ tôi sống một mình rồi chết lúc nào không hay. Thời trẻ, tôi dữ dội lắm, giờ già nhưng tôi vẫn yêu đời, vẫn vui vẻ. Già thì già, trái tim vẫn "nhúc nhích" thì vẫn còn có thể yêu. Gặp người đẹp vẫn thích ngắm mà (Cười).

 Bao nhiêu bài nhạc buồn là bấy nhiêu người tình đã đi qua đời tôi

Nhạc sĩ Vinh Sử

* Thế còn mối tình nào khiến ông khắc cốt ghi tâm?

- Sáng tác tôi viết ra mà tôi còn không nhớ nổi, huống chi là người tình. Tình yêu đến rồi đi bất chợt, có người tôi gọi là vợ, có người chỉ gặp vài 3 lần và trở thành bạn. Không thể nói ai sâu đậm nhất được, còn nói bao nhiêu cô thì tôi không có thời gian để nhớ và đếm. Bao nhiêu bài nhạc buồn là bấy nhiêu người tình đã đi qua đời tôi. Nhưng tôi mau quên lắm. Tôi xa người đó khoảng 1 tháng là quên rồi. Chỉ có cha mẹ thì tôi ghi sâu thôi chứ người tình thì không.

* Theo ông, những cô gái đó yêu ông vì điều gì?

- Đa số là vì những bài hát của tôi. Thành ra có những mối tình khi qua rồi, xét cho kỹ lại, người ta mê nhạc mình sáng tác hơn là bản thân mình. Có người quen vài ba tháng thì lật đật bỏ đi. Tôi hỏi thì người ta bảo: "Tôi khoái nhạc ông sáng tác. Còn gần nhau, thấy không có gì để khoái nhau". Tôi hỏi có phải do tôi xấu trai, người ta nói không phải, chỉ là... không khoái nữa.  

Mỗi tháng, ông thu được vài chục triệu tiền tác quyền từ các ca khúc bolero Ảnh: Phan Giang

* Từng có thời ăn chơi trác táng, ném tiền qua cửa sổ, giờ đây khi tiền bạc dư dả trở lại, ông có còn tiêu hoang như trước?

- Cũng vậy thôi. Có tiền thì mình cứ xài thôi, chết rồi có mang theo được đâu. Nhưng khác là ngày xưa mình quăng tiền qua cửa sổ còn bây giờ mình rộng rãi theo kiểu ngồi ngoài đường, thấy người bán vé số thì mua giùm, không trúng vẫn mua vì giúp được bao nhiêu thì giúp. Đó là cái kiểu phóng túng giúp người nghèo. 

* Ông không định tích góp phòng thân hay sao?

- Dư giả quá, phòng thân cái gì? Bây giờ tôi muốn ăn cái gì là ăn cái đó, muốn đi nước ngoài thì đi giờ nào cũng được hết.

* Được biết từng có người đề nghị tặng nhà lầu, xe hơi cho ông nhưng vì sao ông vẫn chọn cuộc sống bình dân này?

- Đơn giản vì tôi không thích, tôi khoái sống như vậy nè. Ở đâu quen đó rồi. Nếu tôi thay đổi, đời sống có thể thoải mái, sung sướng nhưng tôi sẽ mất đi những người bạn nghèo, những người quen thuộc ở đây. Ra đường cũng vậy, tôi không khoái vô nhà hàng sang trọng vì vừa mất tự do, vừa tốn tiền, vào phòng VIP lại không được hút thuốc. Tôi khoái ngồi lề đường, trò chuyện với những người nghèo, vừa ăn vừa uống, vừa có thể nhìn ngắm những người đi qua đi lại và có thể viết được nhạc.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ Vinh Sử!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.