Bệnh có khả năng "xóa trí nhớ miễn dịch"
Theo Bộ Y tế, 7/63 tỉnh, thành có nguy cơ rất cao về dịch sởi, trong đó có TP.HCM. Ngoài TP.HCM, nhiều địa phương tỷ lệ trẻ tiêm chủng vắc xin sởi cũng chưa bao phủ hết, có nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp dẫn đến bệnh gia tăng. Trong khi đó, bệnh sởi (do vi rút sởi Polinosa morbillarum) gây nên, có tính lây truyền cao nhất. Chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Sởi dễ bùng phát dịch do rất dễ lây qua đường hô hấp (dịch tiết mũi họng của người bệnh theo không khí thoát ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện).
Một chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) lưu ý: Sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính, mà còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể. Tổn thương lên các cơ quan có thể kéo dài, thậm chí có trường hợp kéo dài vĩnh viễn như mù lòa…
Số ca sởi ở TP.HCM tăng hơn 100 lần so với cùng kỳ 2023
Đã có nghiên cứu cảnh báo bệnh sởi nguy hiểm bởi khả năng "xóa trí nhớ miễn dịch", có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể người. Khi mắc sởi, hệ thống miễn dịch bị tấn công, khiến người bệnh trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây bệnh, dù là các bệnh đã từng mắc trước đây, người bệnh dễ bội nhiễm các loại vi khuẩn khác và diễn biến nặng, chuyên gia này cho hay.
"Người lớn mắc sởi do chưa tiêm phòng hoặc chưa nhiễm vi rút sởi khi còn bé. "Chỉ trẻ em mới mắc sởi" là quan niệm khiến nhiều người lớn chủ quan, lơ là phòng bệnh, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh, biến chứng, lây lan bệnh trong cộng đồng", chuyên gia khuyến cáo.
Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sởi
Theo Bộ Y tế, bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém. Các cơ sở y tế từng ghi nhận người lớn mắc bệnh sởi do miễn dịch giảm dần, sau thời gian tiêm chủng.
Bệnh sởi nguy hiểm bởi khả năng "xóa trí nhớ miễn dịch", có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể người.
Sởi hiện không có điều trị đặc hiệu với vi rút gây bệnh. Bệnh nhân sởi cần được tăng cường dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng. Bệnh có thể gây tử vong do biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh nhân sởi được điều trị triệu chứng (hạ nhiệt, giảm ho) và điều trị các biến chứng (nếu có bội nhiễm viêm phổi, viêm tai dùng kháng sinh thích hợp).
Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, bệnh nhân sởi được dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt; cần được chú trọng chăm sóc vệ sinh răng miệng, da, mắt; nên được vệ sinh cơ thể bằng nước ấm, kín gió, tuyệt đối không tắm lâu, không để lạnh, không được chà xát mạnh; cần đảm bảo dinh dưỡng, chú trọng thực phẩm giàu vitamin A.
Phòng bệnh
Bộ Y tế hướng dẫn, để phòng bệnh sởi, trẻ nhỏ cần được tiêm chủng đầy đủ theo tư vấn của nhân viên y tế. Vắc xin sởi được tiêm miễn phí trong tiêm chủng mở rộng và trong chiến dịch tiêm chủng do Bộ Y tế tổ chức. Tiêm vắc xin phòng sởi, vắc xin có thành phần sởi cho nhóm tuổi khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Bình luận (0)