Nhận biết triệu chứng u quái buồng trứng

05/09/2023 07:20 GMT+7

U quái buồng trứng thường là lành tính nhưng vì cấu tạo rất phức tạp, phát triển từ mô thượng bì trong phôi thai, nên nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Vừa qua, các bác sĩ Khoa Ngoại gan mật - tiêu hóa và ung bướu, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) phẫu thuật nội soi cắt u quái buồng trứng cho bệnh nhân (BN) nữ 37 tuổi ở Thái Nguyên. BN có con lớn 10 tuổi và dự định có con thứ 2 (làm IVF, đang lưu phôi chờ cấy nhưng do khối u to chèn ép nên được chỉ định phẫu thuật cắt u trước khi cấy phôi vào tử cung).

TS Nguyễn Minh Trọng, Trưởng khoa Ngoại gan mật - tiêu hóa và ung thư, cho biết BN được lấy u qua đường trắng trên dưới rốn đảm bảo tối đa tránh viêm dính vùng tiểu khung, giúp BN thuận lợi cho việc cấy phôi thai vào tử cung sau mổ (trong khi thông thường sẽ lấy u qua đường ngang trên xương mu để đảm bảo thẩm mỹ).

TS Trọng thông tin thêm: U quái buồng trứng (u tế bào mầm - germ cell tumors) hay còn gọi là u bì buồng trứng, u nang bì buồng trứng hay teratoma buồng trứng, có nguồn gốc phát triển từ tế bào mầm nguyên thủy của buồng trứng. Chúng có thể lành tính (ví dụ: u quái trưởng thành) hoặc ác tính (ví dụ: u quái chưa trưởng thành, u tế bào mầm, khối u túi noãn hoàng, u tế bào mầm phối hợp). Dễ mắc phải u quái buồng trứng là phụ nữ trong độ tuổi khoảng 20 - 30. Phần lớn các trường hợp mắc căn bệnh này được phát hiện bằng chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ...) hoặc khi mổ lấy thai.

U quái buồng trứng thường là lành tính nhưng vì cấu tạo rất phức tạp, phát triển từ mô thượng bì trong phôi thai, nên nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng. Việc hiểu rõ bản chất của khối u giúp các phẫu thuật viên lựa chọn phương pháp phẫu thuật, đặc biệt tránh làm vỡ u trong ổ bụng và tốt nhất là lấy trọn vẹn u.

Một bác sĩ sản khoa của BV đa khoa Tâm Anh lưu ý thêm, đa số u quái buồng trứng là nang chứa dịch, nằm một bên buồng trứng và lành tính. Mô bên trong khối u có nguồn gốc từ tế bào mầm biệt hóa chứa da đầu, tóc, tuyến bã, chất bã, răng, xương…

Các triệu chứng có thể thấy khi u đã lớn: đau ở vùng chậu, vùng thắt lưng (đây là triệu chứng phổ biến nhất, người bệnh gặp những cơn đau âm ỉ quanh vùng bụng dưới, vùng thắt lưng do các khối u chèn ép các cơ quan hoặc dây thần kinh chạy dọc ở vùng sau xương chậu); u gây cảm giác khó chịu do khối u to chèn ép các cơ quan lân cận gây tiểu khó, táo bón, bụng chướng. BN có thể bị đau khi quan hệ tình dục (khi giao hợp, nếu cảm thấy đau ở một bên so với bên còn lại, có thể đây là triệu chứng của u buồng trứng). Một số trường hợp khối u phát triển lớn dần, nằm ngay vị trí gần cổ tử cung gây đau khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu liên quan đến bệnh lý phụ khoa, trong đó có u buồng trứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.