Nhàn đàm: Buổi sáng và hương trà hoa cúc

02/01/2022 09:00 GMT+7

.

Anh bạn vong niên của tôi cùng người vợ Ý qua Milano vào những ngày đầu đại dịch Covid-19 rồi mắc kẹt ở đó đã sắp hai mùa tết, kể cho tôi rằng, mùa đông năm nay tuyết thật dày. Anh chụp cho tôi xem ngoài cửa sổ. Tôi nhìn kỹ bức ảnh, thấy những gờ cửa đọng tuyết trắng, những ụ tuyết không đều nhau trên lối đi, những hàng cây xa xa lá trĩu xuống vì tuyết phủ... Một vài mái nhà thưa vắng cho thấy thành phố - hay ít ra, khu phố của anh khá yên tĩnh, vắng lặng. Hẳn rồi. Cái vắng của ngày thường, của mùa Covid, của những cách chia.

Tôi nhìn những mái nhà, hình dung dưới đó là những gia đình, hay đôi khi, một người độc thân, đang ngồi bên lò sưởi. Mùi bánh mì và một thức uống nóng đang bay lên tỏa hương. Có lẽ là cà phê chăng? Tôi biết người Ý có văn hóa cà phê. Có lần, cậu bạn con gái tôi từ Ý về Việt Nam chơi, đã cùng sở thích với tôi khi uống cà phê đen nóng ít đường của hè phố Sài Gòn. Cậu bảo ngon tuyệt, và tôi rất hài lòng vì mình có một anh bạn trẻ cùng gu, đẹp trai và thân thiện đến thế.

Tôi thường thích hình dung những gì đẹp đẽ và ấm cúng. Có khi, trong tưởng tượng của mình, tôi lắp ghép kiến thức vui vui bằng cách gán những bình trà màu trắng cổ điển của Anh mà tôi thấy trong một quán sang trọng ở Sài Gòn vào căn bếp có ánh đèn vàng dịu của ngôi nhà ở Milano ấy. Rồi ghép một mùi nước hoa Nga nhẹ nhàng sâu lắng mà tôi đọc trong Bình minh mưa của K.Pautopxki vào hình ảnh một người thiếu phụ nào đó đang pha tách cà phê giống hương vị tôi đang uống, trong căn phòng có ô cửa sổ viền đăng ten tuyết ở Ý!

Tôi cũng nhớ chiếc bàn ăn sơn trắng trong nhà người bạn tôi ở Đức. Trên đó, mỗi buổi sáng anh bày ra hai chiếc đĩa, phần tôi và anh, cùng với phô mai, xúc xích, món gà hay món cá mà anh làm theo công thức giống nhau là đem luộc tất cả chấm nước tương vắt chanh! Anh dịu dàng bảo tôi: “Em ăn nhiều nhé!”, vì muốn tôi thưởng thức nguyên bản hương vị thực phẩm phương tây. Xong anh đi đun nước, một chiếc bình đun nước màu vàng tròn ủng như quả bí ngô (anh bảo thấy hay hay nên giữ dùng mãi dù nó đã cũ). Anh pha cho tôi và anh hai cốc trà hoa cúc. Mùi hương hoa cúc đồng nội vây bủa hai chúng tôi, âm ấm thơm thơm trên môi và luôn khiến tôi mỉm cười.

Cứ thế, tôi nhìn bức ảnh tuyết của người bạn ở Ý mà nghĩ lan man, nhưng dù cố gắng thế nào, tôi cũng không xua đuổi được ý nghĩ về đại dịch. Chuyện Covid-19 lại dẫn đến chuyện về chứng trầm cảm của rất nhiều người, từ Mỹ sang châu Âu, khiến câu chuyện của chúng tôi trầm lắng đi.

Cuối cùng thì anh bạn nói: May còn có văn chương để anh không cảm thấy đơn độc, vì cô đơn cần cho sáng tạo. Anh khoe đã viết được khá nhiều, đã làm được vài thành quả ý nghĩa, ra mắt mấy cuốn sách ở Việt Nam... Có lẽ rằng mỗi người, trong đại dịch, đều cần tìm cho mình một ý nghĩa nào đó từ những việc mình làm, khi chờ đợi thế giới trở về bình an, những chuyến bay nối những vòng tay…

Tôi và anh chúc nhau buổi sáng an lành. Tôi có cảm giác như đang tạm biệt anh trước cửa ngôi nhà tuyết vậy! Tạm biệt nhưng rất gần.

Tôi nghĩ đến mùi hương trà hoa cúc, buổi sáng mùa đông trên những phần bán cầu khác nhau lạnh lẽo tuyết rơi nhưng luôn ấm áp bởi những kết nối lặng thầm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.