“Tôi sống/như hạt bụi đi lạc”, có một bài thơ tôi đã viết như vậy. Sự cô đơn nằm trong bản thể của tôi, bản thể của một con người. Giấc ngủ là nỗi cô đơn hằng đêm, và những giấc mơ là thế giới kỳ lạ của cô đơn, nó chợt đến chợt đi nhưng bao giờ cũng tồn tại. Người ta đã cố gắng cắt nghĩa những giấc mơ, nhưng dường như không thể kết nối nó vào hệ thống công nghệ của con người. Nó vẫn lạc lõng đâu đó, bên ngoài những ý muốn, những ý chí, những áp đặt. Nó giải tỏa những ẩn ức của chúng ta, nhưng không làm chúng ta phải quá thất vọng. Nó không hứa hẹn, nhưng cũng không chối bỏ. Có thể nói, bắt chước như Descartes đã nói: “Tôi mơ, vậy tôi tồn tại”.
Vậy thì lo gì công nghệ cao, hay AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ can thiệp vào nội tâm chúng ta, cắt đứt nỗi cô đơn ngọt ngào của mỗi chúng ta. Cũng không cần phải đi tới Nam cực mới tìm được sự cô đơn. Tôi cô đơn ngay khi ở nhà mình, ngay khi làm những công việc bình thường nhất, cô đơn ngay cả khi viết về những đề tài không hề cô đơn, ngay khi mong muốn những kết nối. Bởi vì, ngay trong kết nối, tôi vẫn cảm nhận được sự cô đơn. Nó không làm chúng ta phải sống khác đi, sống như một người trầm cảm, chẳng hạn. Ta vẫn vui đùa vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị, nhưng cùng lúc, vẫn cảm thấy có chút gì đó của cô đơn.
Có thể với tôi, nỗi cô đơn chính là tuổi thơ của mình. Mà tuổi thơ của một con người, thì không thể mất. Nó có thể lặn sâu đâu đó trong tiềm thức, trong vô thức, nhưng không mất. Nó làm nên vốn sống của một con người. Vậy thì, có thể chăng, lại bắt chước như Descartes mà nói thêm câu này “Tôi cô đơn, tôi tồn tại”. Nhưng tôi tồn tại với ai? Câu trả lời thật nhanh, thật đơn giản: “Tôi tồn tại với những người tôi yêu thương, tồn tại với tất cả mọi người”.
Và như thế, nếu ta chỉ cảm nhận nỗi cô đơn của cá nhân mình, thì ta sẽ vô tình bỏ qua đời sống. Mà đời sống thì được làm nên bởi những con người. Dù ta dành riêng một góc nhỏ cô đơn nào đó trong đời sống của cá nhân mình, thì cái góc bé nhỏ ấy không thể che lấp phần lớn lao nhất của đời ta, là sống với “người đời”, sống với mọi người.
Có hai câu thơ của Xuân Diệu mà tôi nhớ tới bây giờ:
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu” (Những đêm hành quân)
Khi đã chọn cho đời mình lý tưởng sống như thế, nỗi cô đơn chỉ còn là phần riêng tư ở mỗi con người. Và nó không đối lập, không lấn át, không làm mờ đi khát vọng đoàn kết ở chúng ta.
Văn hào Pháp Albert Camus đã từng chơi chữ “solitaire” (một mình, ẩn dật) đối với “solidaire” (đoàn kết), hai từ gần như đồng âm, nhưng khác nghĩa. Có điều, sự khác nghĩa ấy không nhằm phủ định, mà hướng tới sự kết nối. Một mình hay ẩn dật vẫn có thể kết nối với đoàn kết. Và câu chuyện đó đã diễn ra trước mắt chúng ta trong thời kỳ dịch Covid-19. Đã xuất hiện ở khắp những nơi dịch bệnh đang hoành hành những người tình nguyện, những đoàn tình nguyện, những tổ chức tình nguyện cứu giúp người bị dịch bệnh, người nghèo khổ, người già yếu. Những người tình nguyện chính là những người đã kết nối hai từ “solitaire” (đơn độc) và “solidaire” (đoàn kết) lại với nhau. Cách đây hai phần ba thế kỷ, khi viết tiểu thuyết Dịch hạch, Albert Camus đã kết nối hai từ này như một tiên báo. Chống dịch bệnh là chống lại một tai họa chụp xuống đầu cộng đồng, chống lại cái ác vô hình mà hiện hữu tàn hại nhân dân. Chống tai họa chính là đưa cô đơn nhập vào đoàn kết.
Bình luận (0)