Từ mức 6,881 CNY đổi 1 USD lên 6,95 CNY đổi 1 USD, mức giảm tương ứng 0,7%.
Doanh nghiệp lo bị ép giá
Chưa kịp mừng vì nghe giá cá tra nguyên liệu tăng lên vài ngàn đồng, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX, lo lắng khi hay tin CNY giảm giá mạnh. Ông Kịch cho hay: “Tình hình này, không biết có giữ được giá cá hay không. Một quốc gia nhập khẩu mà đồng tiền mất giá thì khả năng doanh nghiệp (DN) bán hàng giữ giá như cũ là khó”.
VN nhập siêu hàng của TQ, DN trong nước nhập khẩu hàng TQ có lợi với hàng giá rẻ, điều này có thể giết chết thị trường nội địa có hàng hóa tương đồng
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX
|
Theo phân tích của ông Kịch, CNY giảm so với USD, trong khi VND đứng thì có nghĩa CNY cũng giảm so với VND. Như vậy hàng hóa của DN xuất đi sẽ gặp khó khăn, có thể sẽ phải giảm giá bởi trong quan hệ mua bán, người mua luôn “cầm cán”. Người bán chỉ “cầm cán” khi cung thấp hơn cầu. Do đó nếu thị trường xuất khẩu có nhu cầu cao, trong khi nguồn cung không dư thừa thì DN Việt vẫn có thể giữ được giá bán thủy sản xuất đi. Nhưng các DN trong nước phải đồng lòng giữ giá mới được, chỉ một vài DN hạ giá thì hàng loạt DN xuất khẩu khác sẽ phải hạ để đẩy hàng đi. Điều này có khả năng xảy ra cao vì DN Việt có đồng vốn yếu, ít tiền, không bán thì không quay tiền kịp trả nợ ngân hàng thì chết, phải trả lãi nhiều hơn.
“Càng nghĩ càng thấy khó, không biết diễn biến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc (TQ) đến đâu, nhưng giá CNY hay USD biến động mạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu nhiều như VN. VN nhập siêu hàng của TQ, DN trong nước nhập khẩu hàng TQ có lợi với hàng giá rẻ, điều này có thể giết chết thị trường nội địa có hàng hóa tương đồng”, ông Kịch lo lắng.
CNY giảm giá, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt trong thời gian qua. Giá trị xuất tôm từ VN sang TQ giảm gần 5% trong 6 tháng đầu năm, chỉ đạt hơn 233 triệu USD. Tôm của VN xuất sang TQ có giá bán cao hơn từ Ấn Độ, Ecuador nên cạnh tranh càng khó. Không những vậy, theo VASEP, TQ ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Có khả năng, từ ngày 1.10, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào TQ đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa công bố, TQ là một trong 4 thị trường xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chính của VN trong 6 tháng đầu năm, chiếm 20,8% thị phần nhưng giá trị giảm mạnh 10,3%. TQ cũng là một trong 4 thị trường lớn tiêu thụ thủy sản của VN.
Còn theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, với kim ngạch 35,7 tỉ USD, VN tiếp tục nhập khẩu nhiều nhất từ TQ, tăng 6,1 tỉ USD so với kim ngạch 5 tháng trước, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2018. Do đó, CNY giảm giá mạnh sẽ hỗ trợ cho hàng TQ xuất vào VN gia tăng, trong khi chiều ngược lại có thể sẽ càng khó khăn hơn.
Thận trọng dòng vốn dịch chuyển
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, chia sẻ rằng cuối tuần qua, ông đi tham quan một hội chợ tại Q.7 (TP.HCM), tại đây có một gian hàng của DN TQ bán 14 mô tơ quạt máy với giá chưa đến 200.000 đồng/cái, rất rẻ. Ông Hải lo ngại trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ - TQ trở nên căng thẳng gần đây, nước này đang tìm kiếm, đa dạng các thị trường xuất khẩu hàng hóa, trong đó có VN. Từ nhiều năm nay VN nhập siêu hàng từ TQ, hàng giá rẻ của nước này đẩy mạnh hơn nữa vào nội địa sẽ gây khó cho các DN.
Tuy vậy, theo ông Hải, đây là cơ hội để VN đẩy mạnh xuất khẩu sang TQ, phần nào lập lại cán cân thương mại giữa hai nước. Đồng thời, VN cũng cần có hàng rào kỹ thuật như xuất xứ, chuyển giao công nghệ, bảo hành... để những hàng hóa có chất lượng vào VN, chứ không phải hàng nhái, hàng giả, hàng chất lượng kém.
Có góc nhìn lạc quan hơn, TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo BIDV, cho hay thị trường tài chính, tiền tệ VN chịu ảnh hưởng ở mức thấp hơn các thị trường khác tại châu Á sau tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa TQ của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó lường, đã có những ảnh hưởng trong thời gian qua. Chẳng hạn như thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 7,5% so với mức tăng 16,5% năm 2018.
Cuộc chiến càng căng thẳng, hoạt động xuất khẩu còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, đầu tư và thị trường bất động sản hưởng lợi vì sự dịch chuyển vốn đầu tư từ các DN TQ, các DN nước ngoài từ TQ. Tất nhiên, lợi thế này có được tận dụng hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực hấp thụ và sàng lọc đầu tư của VN, chưa kể rủi ro “đội lốt”, gian lận thương mại đã và đang diễn ra.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, phân tích: Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trup đánh thuế 10% trên 300 tỉ USD hàng hóa TQ, làm cho CNY trên thị trường mất giá mạnh cuối tuần qua, bù đắp phần nào cho hàng của TQ vào Mỹ nhưng điều này sẽ ảnh hưởng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào nước này.
Các nhà đầu tư nước ngoài tại TQ sẽ bị ảnh hưởng lớn khi tính toán lại tài sản, lợi nhuận chuyển về nước. Để ngăn chặn tình trạng này, TQ chắc chắn sẽ rất cân nhắc khi dùng biện pháp giảm tỷ giá để tăng lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, dùng tỷ giá để chống lại mức thuế áp đặt cao là điều khó thành công. Do đó, để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, TQ có thể tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác bù đắp.
|
Bình luận (0)