Nhân duyên chữ nghĩa của bà Nguyệt

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/03/2023 09:42 GMT+7

Ít ai có nhân duyên chữ nghĩa bền lâu như bà Nguyệt, từ khi là một người cán bộ kỹ thuật nhà máy chuyển sang viết báo, từ viết báo lại sáng tác truyện, rồi tới cuốn sách ra đời lúc 80 tuổi.

Người Jane Fonda nhớ mãi

Khi cô phóng viên Tô Minh Nguyệt của Báo Phụ nữ Việt Nam đến gặp Jane Fonda ở khách sạn Thống Nhất, bài báo tòa soạn đặt Jane viết vẫn chưa hoàn thành vì Jane gặp báo động liên tục. Năm 1972 của cuộc chiến B52 mà. Jane đọc bài để ghi âm cho báo còn dịch kịp. Nữ nghệ sĩ cũng hỏi chuyện Minh Nguyệt về gia đình còn cô kể từ chuyện làng quê ngoại ô, lẫn việc mình từng là cán bộ kỹ thuật Nhà máy ô tô Hòa Bình. "Nhà máy ô tô Hòa Bình? Nhà máy diêm Thống Nhất, đường Nam Bộ, Dệt 8.3?", Jane hỏi lại.

Nhân duyên chữ nghĩa của bà Nguyệt  - Ảnh 1.

Tác giả Tô Minh Nguyệt

ICON-T

"Phải! Đấy là tên, là ước mơ của phụ nữ", bà Tô Minh Nguyệt sau này nhớ lại. Nhưng đó không phải lần đầu những câu chuyện của Minh Nguyệt làm lay động Jane Fonda. Họ đã gặp nhau lần đầu khi Jane tới Hà Nội tháng 7.1972 và muốn gặp một phóng viên trẻ hay đi vùng chiến sự. Bà Nguyệt, khi đó vừa đi Hàm Rồng về, kể cho Jane nghe về bé gái chết vì bom bi khi vừa chăn trâu vừa bới khoai, trước khi chết còn nhờ bà con giúp cha em vì em mồ côi mẹ. Bà cũng kể về cô giáo dạy vỡ lòng đang soạn bài thì bị bom phạt mất tay phải… Những câu chuyện đó sau này cũng đi vào bài báo của bà.

"Không ngờ những chuyện tôi kể làm Jane xúc động. Chị khóc. Chị chạy lại ôm chặt tôi như một người có tôi. Chị nói: Tôi sẽ kể lại cho các phi công. Họ chỉ biết bấm nút. Họ không biết mục tiêu mà họ ném bom", sau này bà Nguyệt có lần kể lại trong một bài viết. Còn Jane cũng tặng bà một bức hình của mình với dòng viết tay: "Những mẩu chuyện bạn kể đã chạm đến trái tim tôi. Tôi luôn luôn nhớ bạn và hy vọng gặp lại nhau trong hòa bình". Họ còn gặp nhau khoảng 6 - 7 lần trước khi Jane về Mỹ.

Nhân duyên chữ nghĩa của bà Nguyệt  - Ảnh 2.

Bà Tô Minh Nguyệt cùng các nhà văn tại khu kinh tế mới 1971

ICON-T

Chạm đến trái tim Jane, có lẽ vì bà Nguyệt không bao giờ từ chối những cơ hội cũng là những hiểm nguy khi làm phóng viên chiến trường. Đi đâu, bà Nguyệt cũng quan sát rất kỹ, hỏi chuyện rất tỉ mỉ, không ngại "ngược dòng". Bà cho biết, việc thích tìm hiểu, thích học hỏi đã khiến bà luôn có nhiều tư liệu hơn những người khác cùng dấn thân vào một sự kiện. Đến "Tôi tìm tài liệu dễ hơn người khác. Tôi đi một chuyến thì về phải viết và gửi cả báo khác nữa cho khỏi phí tài liệu", bà Nguyệt nói.

Vợ của người đóng tàu biển

Điều thú vị là những gì bà Nguyệt viết từ những năm 1960, 1970 tới giờ đọc vẫn thấy rất hiện đại, trong khi thông thường với độ lùi thời gian, ngôn ngữ của những bài báo có thể trở nên lạc hậu. Bà Nguyệt chia sẻ, khi chuyển từ nhà máy sang làm báo chí, bà thấy mình phải đi học Trường ĐH Tổng hợp, khoa Văn. Rồi bà đi học hàm thụ. Học để việc viết báo tốt hơn, sau đó, bà cũng viết cả truyện ngắn nữa. Mới đây, ở tuổi 80, bà gom hết những bài viết năm nào tuyển lại thành cuốn Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên bầu trời thủ đô (NXB Phụ nữ).

Nhân duyên chữ nghĩa của bà Nguyệt  - Ảnh 3.

Tấm hình Jane Fonda tặng bà Nguyệt

ICON-T

Những năm học ở Trường ĐH Tổng hợp, bà có được sự chia sẻ của người bạn đời - ông Đỗ Thái Bình, một chuyên gia về tàu biển. Họ quen nhau cũng nhờ mối duyên chữ nghĩa. Bà Nguyệt gặp ông vì có cùng một người bạn sách vở - ông Đỗ Tất Lợi, người đã viết cuốn Những cây thuốc và bài thuốc Việt Nam. Ông Lợi là anh họ của ông Bình, cả hai đều là những cộng tác viên của nhiều tờ báo. Bản thân ông Bình cũng là một tác giả dịch bài, viết bài cho Báo Phụ nữ Việt Nam. "Ông ấy đưa tôi vào trường học. Đi học thì cũng ăn uống đơn giản lắm. Tôi viết gì ông ấy cũng trân trọng", bà Nguyệt nhớ lại.

Trước đó, khi cả hai cũng cứng tuổi, họ chọn nhau vì cùng thích học. "Bác Bình cũng thuộc diện lâu lắm mới lấy vợ. Bác ấy biết 4 - 5 ngoại ngữ, đều là tự học. Chúng tôi cùng sở thích học với nhau là ảnh hưởng tình yêu đấy. Ông ấy xin in quyển Từ điển Hàng hải đầu tiên, in roneo, in nhà in Văn hóa tư tưởng Thành ủy, mà có cuốn nào là bán được ngay", bà Nguyệt hào hứng chia sẻ về người chồng gốc tư sản, hậu duệ của chủ Nhà xuất bản Mai Lĩnh xưa, nơi từng đón tay nhiều sách quý, đồng thời cũng thúc đẩy phong trào thực học Đông Kinh Nghĩa Thục năm nào.

Nhân duyên chữ nghĩa của bà Nguyệt  - Ảnh 4.

Bà Nguyệt và ông Bình trong triển lãm Những chiếc giày gốm tại Trung tâm văn hóa Ý

ICON-T

Cùng sống, cùng sở thích học như vậy, những bài báo, những bút ký, truyện ngắn của bà Nguyệt liên tiếp ra đời, lay động. Bà viết Bàn tay cô giáo, trong đó có đoạn: "Cô giáo Trần Thị Tho đang chép bài cho các em bằng bàn tay trái của mình. Tay phải của cô đã bị Nixon cướp đi rồi!". Bà cũng viết Đi học trong tầm súng: "Đi học là nghĩa vụ, là niềm vui. Học cho mình, cho người ta trận, cho hôm nay, cho muôn đời sau". Truyện ngắn của bà được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Người em trai bà được nghe nó giữa chiến trường, rưng rưng gửi thư báo về. "Lúc đó, để lan tỏa thông tin tốt nhất vẫn là đài phát thanh", bà nói. Bà cũng là người đầu tiên viết về chính ủy Bùi Văn Tùng, người đã soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Bằng lời tuyên bố ấy, ông Tùng đã giúp đỡ tốn bao nhiêu xương máu.

Nhân duyên chữ nghĩa của bà Nguyệt  - Ảnh 5.

Tác giả Tô Minh Nguyệt và con gái, Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ

ICON-T

Sau này, ông Bình vẫn đi tiếp với viết sách và tình yêu những con tàu. Bà và ông lại cùng nhau có mối duyên sách vở về tàu biển. Trong một lần đi chơi, bà gặp ngư dân Lương Viết Lợi, người đã cùng nhà thám hiểm Tim Severin vượt Thái Bình Dương bằng bè tre. Chuyến vượt Thái Bình Dương trong 6 tháng hồi 1993 đã giúp khẳng định giả thuyết người châu Á hoàn toàn có thể dùng bè tre để tới châu Mỹ

"Tôi đi Thanh Hóa chơi, nói chuyện thì biết có việc một ông đi bè tre vượt biển. Tôi hỏi rồi rủ chồng qua chỗ ông Lợi. Chồng tôi tổ chức mời ông Lợi và nhà thám hiểm đến TP.HCM. Ông Ti Severin còn tặng cuốn sách không lấy bản quyền. Chồng tôi dịch cuốn đó và xuất bản ở Việt Nam, giờ cũng đã tái bản đến lần thứ mấy. Chúng tôi hỗ trợ nhau như thế", bà Nguyệt nói.

Giờ đây, bà Nguyệt lại tiếp tục ngồi viết với kế hoạch xuất bản hồi ký. Ông Bình cũng đã có hàng chục đầu sách về tàu bè. Giá sách của ông bà cứ nhiều thêm theo những chuyến đi trong nước, ngoài nước để khám phá thế giới. "Nói chung chúng tôi cũng hỗ trợ nhau như thế. Nó cũng là một phần tình yêu, chứ tài sản lúc cưới nhau chỉ chở trên một cái xích lô là hết. Toàn sách thôi", bà Nguyệt nói.

Những mẩu chuyện bạn kể đã chạm đến trái tim tôi. Tôi luôn luôn nhớ bạn và hy vọng gặp lại nhau trong hòa bình.

- Jane Fonda -


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.