Một góc phố Tây ở TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), vài ngày sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 30, nữ nhân viên một quán giải khát, ăn nhẹ bên hè phố nói như gào lên sau lớp khẩu trang khi tôi hỏi về chuyện du khách Tây phòng chống dịch Covid-19 mà hằng ngày cô gặp. Cô bức xúc bảo, gặp trên đường hay vào quán, mặc cho cô khuyên thế nào, những vị khách Tây vẫn… không chịu đeo khẩu trang. “Họ giải thích rằng họ không sợ “con” vi rút SARS-CoV-2 ấy”, cô nói.
Nữ nhân viên trên có lý do để bức xúc. Hàng trăm lượt người đi lại giữa phố Tây (các đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An ở P.Phú Hội...) đã không đeo khẩu trang lại rất ít người chịu dùng nước rửa tay sát khuẩn mà Đoàn thanh niên P.Phú Hội đặt sẵn bên đường. Một thái độ dửng dưng. Mà không riêng gì ở cố đô Huế, tình trạng tự tin thái quá về “sức đề kháng tốt” của khách nước ngoài còn thấy rất nhiều nơi ở Việt Nam. Trong khi đó, bài học dịch Covid-19 ở một số nước châu Âu đã chứng minh cho thấy sự chủ quan tác hại ra sao.
Đất nước đã và đang chịu những thiệt hại vô cùng lớn, đang căng sức “chống dịch như chống giặc”; đừng để sự thờ ơ của khách du lịch nước ngoài đè nặng thêm…
Để làm được điều này, trách nhiệm của các hãng lữ hành hết sức lớn và cần sự kiên trì. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, bắt đầu từ 16.3, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có tập trung đông người (như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...).
Việt Nam cũng đã thông báo nội dung này tới các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Quy định này phải được thực hiện nghiêm và mỗi người chúng ta cần phản ứng mạnh mẽ, có thông điệp rõ ràng với những ai bất hợp tác trong phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)