Vợ chồng tôi bán nhà, dọn đến ở chung với ba mẹ chồng để tiện chăm sóc ba mẹ. Bây giờ chúng tôi muốn nhập hộ khẩu vào nhà của ba mẹ chồng thì làm ở đâu và thủ tục sao?
Ngoài ra, trên căn cước công dân (CCCD) của vợ chồng và con tôi ghi nơi thường trú tại địa chỉ nhà cũ. Chúng tôi có cần phải làm lại CCCD không?
Bạn đọc Kim Long (TP.HCM).
Luật sư tư vấn
Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty Luật TNHH HPL và cộng sự) tư vấn:
Hồ sơ nhập hộ khẩu gồm những gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 21 luật Cư trú, khi nhập hộ khẩu vào nhà người thân, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
Thứ nhất, tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
Thứ hai, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.
Thứ ba, giấy tờ, tài liệu chứng minh là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, người chưa thành niên, chứng minh không còn cha mẹ (nếu thuộc các trường hợp này).
Sau đó, bạn nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú như công an xã, phường hoặc thị trấn (Điều 22 luật Cư trú).
Khi nào phải làm lại CCCD?
Theo Điều 23 luật CCCD, thẻ CCCD được đổi trong các trường hợp sau đây: Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu.
Thẻ CCCD được cấp lại trong trường hợp: Bị mất thẻ; được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của luật Quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, khi gia đình bạn thay đổi nơi thường trú thì không cần phải làm lại CCCD.
Bình luận (0)