Nhập học hơn nửa năm: Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên

Phạm Hữu
Phạm Hữu
15/12/2021 06:00 GMT+7

Với tân sinh viên, cảm giác lên giảng đường, được mặc áo sinh viên, thể hiện mình bắt đầu trưởng thành… là sự háo hức và mong ước. Thế nhưng do dịch bệnh kéo dài, từ khi nhập học đến nay đã nửa năm trôi qua nhưng các tân sinh viên vẫn chưa một lần được hưởng cảm giác này.

Vậy nên các sinh viên năm nhất đều mong sớm được đến giảng đường, gặp mặt bạn bè và tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Gửi gắm hy vọng nơi giảng đường

Ngô Bách Phương, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở tại TP.HCM), cho biết khoảng thời gian học THPT đã bắt đầu mơ về những điều đẹp nhất, thú vị nhất nơi giảng đường. Từ năm học lớp 10, Phương đã tìm hiểu, tham khảo từ văn hóa, con người đến hoạt động ngoại khóa ở môi trường ĐH. Ngoài ra, Phương cũng đã chuẩn bị tinh thần xây dựng mục tiêu học tập từ trước.

Tân sinh viên cần trang bị những kỹ năng cần thiết để thích ứng với mọi thay đổi trước khi rời quê lên thành phố học trực tiếp

“Tôi xác định sắp tới mình sẽ có một cuộc sống tự lập khi không có gia đình. Tôi dự định sẽ tham gia một câu lạc bộ theo sở thích và một câu lạc bộ về kỹ năng hay học thuật vì những chuỗi đào tạo nội bộ ở đó rất tốt. Tôi trông chờ ở môi trường ĐH sẽ được làm quen những cái mới và học hỏi thêm cho bản thân”, Phương chia sẻ.

Sinh viên năm nhất đến quán cà phê học trực tuyến cho bớt tù túng như khi học ở nhà

Phạm Hữu

Thế nhưng với Phương, chuyện được đến giảng đường giờ vẫn đang xa vời bởi tình hình dịch bệnh. Những kỳ vọng của Phương vẫn chưa diễn ra. Bởi cô sinh viên năm nhất này hiện vẫn đang phải ở nhà học qua máy tính trong căn phòng quen thuộc. Ngồi máy tính nhiều, thiếu sự tương tác với bạn bè và các hoạt động ngoại khóa làm Phương cảm thấy bức bối, khó chịu.

Nguyễn Mai Anh thì gửi gắm bước đường tương lai của mình vào giảng đường Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Mai Anh chia sẻ người trẻ thì nhiệt huyết, sự năng động luôn đầy ắp, để giải phóng nó cần có môi trường tương tác tốt, tham gia nhiều hoạt động để từ đó phát huy được những tiềm năng của tuổi trẻ. Nhưng bây giờ Mai Anh chỉ ngồi một chỗ.

“Tôi đã rất háo hức để được đến trường, tuy nhiên đã bị tình hình dịch bệnh ngăn cản. Đó thật sự là một điều đáng tiếc, bởi mọi hoạt động chào đón tân sinh viên chỉ được tổ chức trực tuyến. Và cho đến giờ, tuy lớp không đông như ở các khoa khác, nhưng vì không thể gặp mặt trực tiếp nên tôi vẫn chưa biết mặt tất cả các bạn trong lớp để giao lưu và kết thân”, Mai Anh buồn rầu nói.

Chạy xe ngắm trường rồi… đi về

Nhà ở TP.HCM, nhưng với Nguyễn Lâm Tiểu Yến, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, dường như trường rất gần mà cũng lại rất xa. Yến cho biết khi vào ĐH được chị mua tặng xe máy làm phương tiện đi học. Tuy nhiên từ đó đến nay chiếc xe chưa một lần được dùng đúng mục đích.

“Tôi biết trường ở đó nhưng chưa bao giờ được bước chân vào. Tôi chỉ chạy xe ngang trường vài lần để nhìn vào. Có lúc tôi dừng xe, đứng nhìn từ bên ngoài một lúc rồi về”, Yến cho hay.

Không được đến trường, Yến lo ngại học trực tuyến nhiều sẽ không thân thiết được với bạn bè, thầy cô; cảm giác thì uể oải. Yến cho rằng sau này trở lại trường học sẽ có cảm giác lạc lõng, không quen bạn bè, thậm chí có khi… đi nhầm lớp. Do đó, cô tự thay đổi bằng cách rủ bạn bè ra quán cà phê cùng ngồi học trực tuyến. “Có như vậy tôi mới có cảm giác mình đang học ĐH”, Yến nói.

Còn Bách Phương quê ở tận Đồng Tháp, nhưng khi có dịp lên thành phố cũng nhờ người anh chở đến trước cổng trường ngắm rồi về nhà. “Cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ. Quen vì mình là sinh viên của trường, lạ là mình chưa được bước chân vào trường lần nào”, Phương bộc bạch.

Mai Anh thì ở tận TP.Quy Nhơn (Bình Định), chỉ biết nhìn trường, nhìn bạn, thầy cô qua màn hình máy tính. Ngôi trường mình đang học nằm ở đâu, con đường đến trường sẽ ra sao… vẫn chỉ ở trong trí tưởng tượng của cô.

Mai Anh nói: “Mỗi ngày, tôi ngồi đối diện với màn hình máy tính hàng giờ liền, điều này khiến cho tôi khá mệt mỏi, khó tìm được động lực học tập như học trực tiếp ở thời gian đầu. Thật sự mà nói thì việc gặp mặt thầy cô, bạn bè qua học trực tuyến khiến tôi cảm thấy khá buồn. Nếu những buổi học ấy được diễn ra trực tiếp thì chắc chắn sẽ vui hơn rất nhiều, các bạn có thể tương tác với nhau tốt hơn”.

Bách Phương nêu quan điểm học trực tuyến cũng có điểm tốt và xấu. Tuy vậy, cô sẵn sàng đánh đổi mặt tốt của học trực tuyến để được bước chân đến trường. Bởi tới giảng đường ĐH, Phương sẽ có được nhiều trải nghiệm mới mẻ và nhất là có những những dấu ấn đáng nhớ của năm đầu tiên ĐH.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh, sự hẫng hụt về tâm lý hay sự nhàm chán khi ở nhà học trực tuyến thời gian dài ít nhiều đã thể hiện ở các sinh viên. Thế nên giải pháp đặt ra là tân sinh viên có thể đan xen giữa học và phụ giúp gia đình, tập trung vào những sở thích cá nhân hay thể thao lành mạnh.

Ông An cũng khuyên các tân sinh viên cần mạnh mẽ hơn với chính bản thân để thích ứng với thời cuộc. Tinh thần tích cực, thái độ sống lạc quan được ví như liều vắc xin giúp gia tăng nội lực để có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại do đại dịch gây ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.