Mất 3 tỉ đồng chỉ trong vài phút
Chiều ngày 26.11, chị C.L (TP.HCM) nhận được tin nhắn từ Vietcombank với nội dung “Tai khoan cua ban đang đang nhap tren thiet bi khac, neu khong phai ban dang nhap vui long vao htts://vietcombank.vn-gss.club de sua doi mat khau hoac thoat khoi thiet bi kia”. Nhận tin nhắn nằm trong thư mục tin nhắn mà ngân hàng thường xuyên gửi thông báo biến động tài khoản giao dịch, chị C.L không nghi ngờ, đăng nhập vào đường link đính kèm để xác thực. Ngay sau đó, tài khoản tiết kiệm gửi online của chị C.L tất toán chuyển vào tài khoản thanh toán, từ đó các lệnh chuyển tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu được chuyển đi.
Chủ tài khoản không nên đăng nhập bất kỳ đường link nào để tránh bị mất kiểm soát tài khoản |
tx |
Hoảng loạn vì số tiền trên tài khoản bị chuyển đi trước mắt, chị C.L điện đến ngân hàng thông báo để khóa tài khoản thì chỉ giữ lại được gần 700 triệu đồng. Các lệnh được chuyển đi chỉ vài giây nhưng số tiền gần 3 tỉ đồng trên tài khoản của chị C.L “không cánh” mà bay. Chiều ngày 28.11, chị C.L đến Vietcombank làm việc, được nhân viên ngân hàng giải thích bọn lừa đảo dùng công nghệ chèn tin vào thư mục tin nhắn điện thoại di động đường link để đánh cắp thông tin tài khoản, từ đó chuyển tiền từ tài khoản của chị C.L.
Chị C.L nhận được tin nhắn nội dung như trên vào thư mục của Vietcombank |
chụp màn hình |
Không đồng ý với cách giải thích này, chị C.L cho biết: “Từ trước đến giờ tôi cảnh giác với những tin nhắn gửi giả mạo ngân hàng, không bao giờ nhấp vào những đường link gửi không rõ ràng. Thế nhưng tin nhắn này nằm trong thư mục tin nhắn của ngân hàng gửi trước đó thì làm sao cảnh giác được. Lúc nhận tin đã hoảng lên vì được thông báo có người đăng nhập thì lo làm theo hướng dẫn trên tin nhắn. Nếu như kẻ lừa đảo lợi dụng công nghệ để chèn tin như vậy, tại sao ngân hàng không bỏ luôn tin nhắn báo qua SMS để khách hàng không bị lừa. Ngân hàng biết chiêu lừa này thì cần có giải pháp bảo vệ khách hàng chứ không thể để đó rồi những khách hàng không rành công nghệ như tôi bị lừa”.
Chuyện chưa dừng lại, trong quá trình làm việc với ngân hàng, chị C.L được yêu cầu ký vào yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp với nội dung: “Tôi xin cam kết tự chịu trách nhiệm trong trường hợp VCB xác định tôi không tuân thủ đúng các quy định về an toàn bảo mật thông tin cũng như không thực hiện theo các hướng dẫn giao dịch an toàn trên các kênh ngân hàng điện tử của VCB và chấp nhận mọi rủi ro, tổn thất về tài sản (số tiền trên bất kỳ tài khoản nào của tôi tại VCB) có thể xảy ra cho tôi do việc không tuân thủ này”.
Chị C.L cho biết: “ Ngân hàng yêu cầu ký vào giấy này mới tra soát khẩn cấp chứ không có biên bản làm việc. Thế nhưng điều khoản bất lợi như vậy đối với khách hàng sao có thể ký được. Ở đây, khách hàng bị lừa khi nhận tin nhắn bị chèn vào thư mục tin nhắn của ngân hàng dù sao ngân hàng cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với khách gặp nạn, chứ không thể đưa ràng buộc vào giấy yêu cầu tra soát như vậy”.
Theo chia sẻ của chị C.L, số tiền trên chị tích cóp 10 năm nay mới được và dự kiến mua một miếng đất ở quê nhưng chỉ mất vài phút, gần 3 tỉ đồng biến mất. Chị C.L kiến nghị: "Ngân hàng nhận biết được những rủi ro lừa đảo nhưng không bỏ dịch vụ tin nhắn SMS đi mà để tồn tại, khiến bọn lừa đảo có đất lừa những khách hàng không rành về công nghệ thì cũng nên chịu một phần trách nhiệm, chia sẻ một phần tiền bị mất đối với khách hàng".
Ngân hàng cần thể hiện trách nhiệm
Trường hợp của chị C.L bị mất tiền qua tin nhắn chèn vào thư mục ngân hàng không phải hy hữu gần đây. Một số khách hàng bị mất từ vài chục đến cả tỉ đồng khi nhận được tin nhắn như vậy. Tình trạng này khiến Vietcombank liên tục cảnh báo khách hàng trong thời gian gần đây trên các app.
Cụ thể: “Tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu Vietcombank đang gia tăng trở lại. Nội dung tin nhắn thông báo về việc tài khoản của khách hàng đang đăng nhập trên thiết bị khác, yêu cầu bấm vào đường link giả mạo, từ đó chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng. Khách hàng tuyệt đối không bấm vào đường link nếu nhận được tin nhắn có nội dung trên”. Các ngân hàng khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Thế nhưng một điểm kỳ lạ là thủ đoạn lừa đảo này đã có từ nhiều năm nay nhưng vẫn không có giải pháp khắc phục. Nạn nhân bị lừa số tiền ngày càng lớn hơn do xu hướng gửi tiết kiệm online ngày càng tăng. Khi app ngân hàng bị mất quyền kiểm soát, đồng nghĩa toàn bộ tiền gửi tiết kiệm cũng như thanh toán bị chiếm đoạt.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng : Trường hợp tin nhắn na ná giống ngân hàng gửi cho khách hàng mà khách hàng đăng nhập thì lỗi của khách. Trong trường hợp, tin nhắn rơi vào thư mục của chính ngân hàng thì ngân hàng phải có phần chịu trách nhiệm. Việc sử dụng công nghệ cao trong triển khai dịch vụ ngân hàng là cần thiết nhưng nếu không có giải pháp để xảy ra chỉ cần 1 tình huống giả mạo để lừa đảo, gây thiệt hại cho khách hàng thì ngân hàng cần phải xem xét bồi thường cho khách.
Theo ông Đức, nếu thấy việc bồi thường quá sức chịu đựng thì nên đóng những dịch vụ có nguy cơ cao về lừa đảo. Dịch vụ dù có thuận tiện đến đâu đi nữa nhưng vấn đề cao nhất vẫn là an toàn. Tiêu chí hàng đầu là an toàn nên khi khách hàng bị mất tiền, ngân hàng cũng nên thể hiện phần trách nhiệm của mình để tạo niềm tin.
Bình luận (0)