Nhật Bản 'quy tụ quần hùng' EU đối phó Trung Quốc

22/11/2021 07:30 GMT+7

Không chỉ là một phần trong hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực, Nhật Bản đang chủ động tăng cường kết nối với các nước châu Âu để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc .

Hôm qua (21.11), Hãng tin Kyodo News dẫn nguồn tin chính phủ Nhật cho biết Thủ tướng nước này Fumio Kishida dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Nhật Bản vào ngày 29.11 tới.

Tàu hộ tống Bayern của hải quân Đức thăm Nhật Bản ngày 5.11

AFP

Nội dung cuộc gặp được cho là thảo luận về mối quan hệ chặt chẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) trước thực tế Trung Quốc ngày càng “hung hăng” trong khu vực. Dự kiến, cuộc gặp còn bàn về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, cũng như hành động của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cuộc gặp sắp tới có thể xem là bước tiến tiếp theo trong việc Tokyo và các đối tác EU tìm tiếng nói chung về việc đối phó với các hành động của Bắc Kinh. Ngày 17.9 vừa qua, Hội đồng châu Âu công bố chiến lược Indo-Pacific, khẳng định khu vực này ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với EU. Qua đó, EU nhấn mạnh sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân của các nước thành viên EU ở Indo-Pacific, tiến hành nhiều cuộc tập trận chung và ghé cảng với các đối tác trong khu vực. Đến ngày 21.9, Reuters dẫn lời ông Josep Borrell, phụ trách đối ngoại của EU, đã lên tiếng cho rằng “cần hợp tác nhiều hơn, phối hợp nhiều hơn, ít phân hóa” để đạt được Indo-Pacific hòa bình và ổn định khi Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh ở khu vực này.

Ở phía ngược lại, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Thời gian qua, Nhật Bản tích cực kêu gọi các quốc gia châu Âu quan tâm nhiều hơn đến Indo-Pacific và các hành vi, mưu đồ lâu dài của Trung Quốc đối với khu vực này”.

Kết quả, điểm chung trong lời kêu gọi từ Tokyo và chiến lược của EU đã đạt được bước tiến. Đầu tháng 11, hộ tống hạm Bayern của Đức đã cập cảng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng chủ nhà Nobuo Kishi đã lên thăm tàu.

“Việc hải quân Đức điều động chiến hạm đến Nhật Bản nói riêng, cũng như Indo-Pacific nói chung, thể hiện thành quả cho nỗ lực của Nhật Bản. Đồng thời, đó cũng là sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Berlin về bản chất sự trỗi dậy của Bắc Kinh, cùng những rủi ro liên quan”, PGS Nagy phân tích.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đang có ưu thế để kết nối EU với chiến lược Indo-Pacific. Ngày 16.9, Mỹ cùng với Anh và Úc công bố thỏa thuận hợp tác liên kết AUKUS để đối phó Trung Quốc ở Indo-Pacific. Thỏa thuận bao gồm việc Mỹ và Anh hỗ trợ Úc phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân. Đây được cho là lý do khiến Úc hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp cung cấp. Vụ việc đã dẫn đến sự căng thẳng giữa Pháp với cả Mỹ lẫn Úc, đồng thời EU cảm giác bị Mỹ và Úc “hất cẳng” khỏi Indo-Pacific.

Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản với tư cách là 1 trong 4 thành viên của nhóm “bộ tứ an ninh” (3 thành viên còn lại là Mỹ, Úc và Ấn Độ) có thể trở thành cầu nối trung gian để EU và “bộ tứ” có thể đạt được đồng thuận về Indo-Pacific. Bên cạnh đó, dự kiến, hội nghị thượng đỉnh của “bộ tứ” vào năm 2022 sẽ do Nhật Bản chủ trì.

Chính vì thế, Tokyo đang giữ vai trò tiên phong để kết nối EU với khu vực trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Đô đốc Mỹ cảnh báo về mối đe dọa Trung Quốc

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax (Canada) vào ngày 20.11, Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Indo-Pacific của Mỹ, kêu gọi Washington và đồng minh khẩn cấp hợp tác trong bối cảnh gia tăng căng thẳng và các hành động quân sự ngày càng cứng rắn của Trung Quốc.

Hãng tin AP dẫn lời Đô đốc Aquilino nhắc lại nhiệm vụ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đưa ra cho lực lượng quân sự của nước này là phải ngang hàng với Mỹ vào năm 2027. “Họ đang làm việc với tốc độ được đẩy lên rất nhanh”, ông Aquilino nói về chương trình phát triển vũ khí của Bắc Kinh.

Vì thế, ông Aquilino cho rằng Washington và đồng minh cần thúc đẩy việc hợp tác cùng nhau nhiều hơn tại vùng biển quốc tế nhằm có thể nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ nếu cần. Tại diễn đàn, ông Aquilino cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ về một khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở.

Vi Trân

Oanh tạc cơ chiến lược Nga - Trung Quốc tuần tra chung tại châu Á - Thái Bình Dương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.