Biên bản ghi nhớ đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) và Hiệp hội các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn toàn Nhật Bản ký kết vào hôm nay 4.10.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng, cuối năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó cho phép tiếp nhận lao động "kỹ năng đặc định" người nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản kể từ 1.4.2019.
Ông Dũng cho biết: “Chương trình ký kết nhằm cụ thể hóa và tạo điều kiện cho lao động đặc định Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và khách sạn; đồng thời, hai bên sẽ thiết lập khung hợp tác thúc đẩy các hoạt động, hợp tác trong việc phái cử và tiếp nhận lao động đặc định Việt Nam trong lĩnh vực này”.
Trên cơ sở bản ghi nhớ, Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng đồng bộ các phương án triển khai, lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đưa lao động kỹ năng đặc định sang làm việc tại Nhật Bản; hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng có các điều kiện đãi ngộ tốt đối với lao động kỹ năng đặc định của Việt Nam…
“Việc triển khai chương trình trên cơ sở bản thỏa thuận này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam trong ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, gắn kết giữa thị trường lao động trong nước với quốc tế. Đồng thời, cũng sẽ giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế. Việc hợp tác này là động lực để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực hợp tác lao động, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ giữa hai nước”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định trong 14 ngành nghề với tổng số lượng 345.150 người trong 5 năm tới, gồm: xây dựng (40.000 người), đóng tàu (13.000 người), nông nghiệp (36.500 người), thực phẩm (34.000 người), nhà hàng ăn uống (53.000 người), ngư nghiệp (9.000 người), vệ sinh tòa nhà (37.000 người), công nghiệp rèn đúc (21.500 người), điện và thông tin điện tử (4.700 người), bảo dưỡng/sửa chữa ô tô (7.000 người), hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý (2.200 người), hộ lý chăm sóc người cao tuổi (60.000 người), hàn cơ khí (5.250 người) và lưu trú khách sạn (22.000 người).
|
Bình luận (0)