Nhặt chuyện văn nhân: Một dáng ngồi rất động

08/03/2022 07:04 GMT+7

Quả thật, đời tôi chưa bao giờ đọc tập thơ mà lâu và mệt thế, dù rất nhiều trang đã lướt qua, tức là đọc rất nhanh. Tác giả thì “Đêm ngồi ngã ba sông” nhưng tôi lại đọc ở đấy một dáng ngồi rất động.

Tập thơ như một hành trình 9 khúc, dù thời gian thơ đâu như chỉ diễn ra khoảng ba, bốn năm chi đó, nhưng nó dồn nén, nó tiêu biểu, hiển lộ một không gian rất rộng. Là tôi nói tới một không gian vô hình, không gian tâm tưởng, không gian chiêm nghiệm, không gian sống, không gian của những đau đáu suy nghĩ, đau đáu tâm trạng, của những liên tưởng, hành trình liên tưởng, và mơ hồ, một thứ mơ hồ đủ để nhoi nhói, để dư ba, để dẫu mơ hồ nhưng không thể chuội đi.

Diện quan sát liên tưởng của tác giả rất rộng, từ ở tư thế nhà báo, tổng biên tập, nhà thơ, tới cái bệ xi măng, ngắm con muỗi, thạch sùng, bạn với mèo... Tác giả biến được cái căn phòng bé tí ấy thành thế giới của... thi ca thì quả là ông đã “vô ngã” tới mức nào: “Trong cõi tạm bợ này/Cũng còn bao nhiêu chuyện/Con mèo nằm lơ đễnh/Lừa vồ đám thạch sùng/Đám thạch sùng im lặng/Vùng đớp muỗi bay qua/Bầy muỗi lại vo ve/Lòng vòng hơi máu người/Lũ ta nằm bất lực/Suốt ngày dài đêm dài/Đến khi giải thoát được/Liệu người còn thương người”.

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Văn Công Hùng

Ơn giời, ở cõi tăm tối với muỗi với thạch sùng với mèo ấy, cuối cùng vẫn là con người, vẫn có con người. Không buông xuôi, không bỏ mặc, không thả lỏng để mình tự trôi vào cõi vô định, cái ánh sáng hắt hiu kia, ánh sáng dự cảm “giải thoát được” vẫn một mong manh con người, dù là một câu hỏi!

Vừa tinh vừa giỏi, như một bố cục số, Nguyễn Thành Phong chia tập thơ 63 bài của mình ra thành 9 khúc. Là để, ít nhất với tôi, sắp chìm vào một vùng mê nào đấy thì lại kịp thoát ra bởi nó mở ra một khúc khác. Quê tôi có những độn cát rất lớn. Muốn ra biển phải đi qua những độn cát ấy. Ngày xưa chưa có đường, hồi mới về quê, tôi rất thích ra biển, chính xác là đi trên những độn cát. Nó luôn mở ra những bất ngờ. Cứ cố vượt một độn cát, nắng và nóng. Hy vọng lên đỉnh là thấy biển. Không ngờ trèo lên đỉnh thì trước mặt lại một độn khác, đỉnh hơn. Cứ thế, có khi liên tục năm, sáu đỉnh độn như thế, tới lúc ta mệt nhoài, định quay về, thì trước mặt ta xanh rờn biển.

Đọc tập thơ này của Nguyễn Thành Phong, tôi lại nhớ tới những độn cát quê tôi dạo nào. Nói dạo nào là bởi thứ nhất, giờ đã có đường bê tông; thứ hai, cát cũng được khai thác bằng lì rồi, chả còn những ngọn núi cát lừng lững như ngày ấy nữa, thay vào đấy là dương (phi lao) và keo lá tràm. Nhưng đọc Đêm ngồi ngã ba sông thì vẫn gặp những độn cát như thế, chính xác, lại liên tưởng tới những độn cát. Ơ mà đúng, cái ngã ba sông của anh nó có ngã ba đâu, nó miên man lắm:“Đêm dài thao thức/Nghe sông Cái buồn dào dạt gọi ra chơi/Ta đứng dậy bước miên man rồi bỗng thấy/Mỏm Soi Đôi Cô Hồng Hà chia ba/Tam Giang tối linh trắng mờ bọt sóng.../Mấy ngàn năm bao triều đại nối nhau/Để khuyết lửa máu gươm đao/Quân vương ngờ tôi trung, tiện nhân vầy kẻ sĩ/Trùng trùng tráng ca bi kịch/Sông Hồng nóng đỏ phù sa.../Ta ngửa mặt nhìn trời cao/Ta sống vậy đã là như sống/Hay phải sống làm sao?/Trời im lặng, ta cúi nhìn mặt nước/Những xác vờ trắng ấm chảy về Đông!” (Đêm ngồi ngã ba sông)...

Ơ thế sông ấy nó trở thành một cái gì rồi, thiêng liêng và tâm linh, để ở đấy thi sĩ dẫu ngồi nhưng lại như... vẫy cánh.

Tuổi 63, là đoán thế vì thấy anh chọn 63 bài để in tập này, chứ thi sĩ mấy khi có tuổi. Gặp anh ngoài đời, nếu anh không khai đã là ông nội thì thấy đoán tuổi anh là điều bất khả. Anh luôn có những chiêm nghiệm khiến ta miên man đi từ thái cực này tới thái cực khác, đi từ trạng huống này tới trạng huống khác, để cuối cùng, về với yên bình tươi xanh: “Trong lòng ta yên tĩnh và đắm đuối/Nơi bắt đầu những rộn rã đấy thôi” (Từ mình)...

Nói Nguyễn Thành Phong đa tài không ngoa. Này nhé, có thơ in báo từ năm 17 tuổi, hồi còn ở Sơn La thì phải. Học Đại học Bách khoa ngành hóa thực phẩm nhưng là nhà thơ trẻ đình đám từ thời sinh viên, là một trong mấy “yếu nhân” lập nên nhóm thơ Bách khoa “Vòm cửa xanh” lừng lẫy một thời. Rồi viết truyện ngắn, đến mấy tập, có truyện từng được chuyển thể thành bộ phim Canh bạc nổi tiếng. Rồi là một trong mấy tác giả viết kịch bản cho bộ phim Cảnh sát hình sự hết sức “hot” một thuở. Tôi nhớ hồi ấy giới thiệu đủ danh xưng không bằng bảo: Đây là tác giả của Cảnh sát hình sự, mọi người ồ à lên ngay. Mà nghe đâu anh có tới hàng chục kịch bản chứ chả mỗi Cảnh sát hình sự. Rồi là nhà báo, ở cả hai tư cách, nhà báo và làm báo. Nhà báo thì không thể kể số lượng những bài báo anh đã viết. Làm báo thì anh đã từng cầm nhiều tờ báo, trong đó 2 tờ có dấu ấn đậm của anh là tờ Văn nghệ trẻ, anh là trưởng ban phụ trách tờ này, và tờ Lao động Xã hội anh là tổng biên tập.

Anh có nhiều tài lẻ nữa, trong đó, một trong những cái tài thượng thặng, được bạn bè văn nhân, những người ăn uống thuộc loại tinh, công nhận, là chế biến món ăn, nôm na là làm món nhậu.

Nhắc món ăn là bởi đấy là cái nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, tài hoa, thăng hoa và tiết chế.

Thì nó cũng như làm thơ làm báo.

Và cái tập thơ anh mới ra, Đêm ngồi ngã ba sông, cũng thể hiện một Nguyễn Thành Phong tài hoa và tiết chế. (còn tiếp)

(Trích từ sách Nhặt chuyện văn nhân do Liên Việt và NXB Văn học vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.