Nhặt được iPhone 13 nhưng quyết không trả: Có bị xử lý hình sự không?

14/11/2022 12:31 GMT+7

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một tài khoản nhặt được điện thoại iPhone 13 nhưng nhất quyết không tìm cách trả lại cho người đánh mất khiến dư luận phẫn nộ. Chưa rõ thực hư của vụ việc, nhưng nhiều người vẫn thắc mắc, nhặt được của rơi mà không trả có vi phạm pháp luật không?

“Chưa rõ thực hư nhưng hết sức bức xúc"

Theo đó, một tài khoản có tên M.T đã đăng tải lên mạng xã hội dòng trạng thái: “Em nhặt được chiếc iPhone 13 mà không có mật khẩu. Ai bẻ được khóa em hậu tạ 1 triệu ạ!”. Kèm theo đó là hình ảnh chiếc điện thoại theo đúng mô tả.

Ngay sau đó, bài viết nhận được hàng chục ngàn lượt tương tác và chia sẻ khắp các nền tảng mạng xã hội. Phía dưới bài đăng, nhiều người tỏ ra bức xúc, khuyên chính chủ bài viết hãy tìm cách liên hệ với người mất hoặc trình báo với cơ quan chức năng để trả lại thay vì tìm cách mở khóa điện thoại để sử dụng.

Dư luận bức xúc vụ cô gái nhặt được của rơi nhưng không trả

ảnh chụp màn hình

Tài khoản Mỹ Tiên bình luận: “Trả lại cho người ta đi em ơi! Dù sao đó cũng không phải là đồ của mình. Giữ làm gì cho thiệt thân!”. “Làm ơn tìm cách trả lại điện thoại cho người ta đi bạn. Đừng tham lam!”, nickname Thị Ngát bức xúc.

Dù được cư dân mạng hết lời khuyên nhủ, nhưng tài khoản này vẫn không có động thái tìm cách trả lại, ngược lại còn cho biết sẽ giữ hoặc bán lại khiến nhiều người ngán ngẩm.

Chị Lê Thị Thanh Dung (24 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết dù chưa rõ thực hư của vụ việc ra sao, song chị rất bức xúc khi một người nhặt được của rơi nhưng không tìm cách trả lại cho người đánh mất, ngược lại còn có ý muốn chiếm làm của riêng.

“Có thể vụ việc chỉ là dàn dựng câu like, cũng có thể là thật, nhưng mà càng đọc tôi càng thấy sai sai và bức xúc vì người tử tế không ai làm vậy cả. Tôi nghĩ với chiếc iPhone 13 hay một tài sản có giá trị nào khác thì cũng vi phạm pháp luật, nhưng tôi không rành lắm về luật", chị Dung nói thêm.

Pháp luật quy định như thế nào?

Theo dõi vụ việc nói trên, Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết tại điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi; bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên; thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo; hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất; để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

“Trong trường hợp chiếm giữ trái phép, tùy tình huống, mức độ mà người nhặt có thể sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại điều 15, nghị định 167 hoặc xử lý hình sự về tội "chiếm giữ trái phép tài sản" (điều 176 Bộ luật Hình sự 2015)”, LS nhận định.

Cụ thể, theo quy định tại điểm e, khoản 2 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đối với trường hợp chiếm giữ, nhặt được của rơi không trả có giá trị tài sản dưới 10.000.000 đồng thì người vi phạm bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Cũng theo LS Bùi Quốc Tuấn, trường hợp người nhặt được của rơi không trả, cố tình chiếm giữ tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể theo quy định tại điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 về tội chiếm giữ trái phép tài sản:

- Trường hợp cố tình chiếm giữ; tài sản của người khác có giá trị từ 10.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc có giá trị dưới 10.000.000 đồng nhưng là cổ vật; những vật có giá trị văn hóa có thể bị phạt tiền; lên đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 2 năm.

- Đối với tài sản có giá trị trên 200.000.000 đồng hoặc là bảo vật quốc gia thì có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Việc nhặt được của rơi để trả lại người đánh mất là một nghĩa cử cao đẹp

tuấn anh

“Việc nhặt được của rơi để trả lại người đánh mất là một nghĩa cử cao đẹp. Đó có thể là những tài sản rất có giá trị đối với những người đánh mất. Vì vậy, khi nhặt được tài sản đã đánh mất thì điều tốt nhất chúng ta có thể làm đó chính là trả lại người đánh mất. Trong trường hợp này, nếu đúng như thông tin mạng xã hội chia sẻ, người đánh mất có thể liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật", LS cho biết.

Làm sao để trả lại tài sản cho người đánh mất?

* Căn cứ quy định Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 29/2018, trong trường hợp nhặt được tài sản mà không tìm được chủ sở hữu tài sản để trả lại ngay thì xử lý tài sản theo trình tự như sau:

- Người nhặt mang tài sản đến giao cho công an hoặc UBND cấp xã nơi gần nhất. Cơ quan tiếp nhận sẽ lập biên bản về việc tiếp nhận tài sản.

- Công an hoặc UBND cấp xã công bố, thông báo công khai tìm chủ sở hữu và phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu. Hết hạn 1 năm chủ sở hữu không đến nhận hoặc không xác định được chủ sở hữu thì công an hoặc UBND cấp xã thực hiện tiếp bước xác lập sở hữu nhà nước đối với tài sản.

- Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo 1 năm, công an hoặc UBND cấp xã lập hồ sơ gửi phòng tài chính kế hoạch của UBND huyện đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên thuộc về nhà nước.

- Trong 7 ngày làm việc phòng tài chính kế hoạch của UBND huyện lập tờ trình kèm hồ sơ để chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định xác lập sở hữu nhà nước đối với tài sản.

- Chi thưởng cho người phát hiện và giao nộp tài sản bỏ quên, đánh rơi trên cơ sở tính toán giá trị tài sản.

* Sau 1 năm thông báo công khai, nếu không có ai nhận tài sản thì sẽ xử lý như sau:

- Tài sản có giá trị ≤ 10 tháng lương cơ sở: Bạn trở thành chủ sở hữu và được nhận tài sản

- Tài sản có giá trị > 10 tháng lương cơ sở: Bạn được nhận khoản tiền sau sau khi trừ chi phí bảo quản; phần còn lại thuộc về nhà nước:

+10 tháng lương cơ sở

+ 50% giá trị phần vượt quá 10 tháng lương cơ sở

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.