Nhật trình kể chuyện: Khi gia đình dắt nhau làm báo

18/06/2022 07:02 GMT+7

Theo nghề nhật trình, trong làng báo nước Việt xưa có nhiều trường hợp anh em, vợ chồng, cha con cùng nhau làm báo, như Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Giang, hoặc vợ chồng Phạm Cao Củng.

Nhà Hồ Biểu Chánh cha giám đốc, con quản lý báo

Tại Nam kỳ, nhà văn Hồ Biểu Chánh được biết tên biết tiếng qua những tiểu thuyết rặt chất Nam bộ như Con nhà nghèo, Cay đắng mùi đời, Tiền bạc bạc tiền... Trên Đại Việt tập chí có tên Hồ Văn Trung với chân chủ bút mục “Lý tài khoa” và Đại Việt tập chí tục bản, Nam Kỳ tuần báo ở chân giám đốc, đó là họ tên thật của ông. Đường viết lách không tạo dấu ấn được như cha, nhưng người con cả Hồ Văn Kỳ Trân cũng nối gót thân sinh làm báo khi giữ chân quản lý Đại Việt tập chí tục bản 1942 - 1944Nam Kỳ tuần báo.

Cha con viết báo đất Bắc phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà báo được bạn đồng nghiệp cảm phục mà khi ông mất năm 1936, nhiều nhật báo, tuần báo thậm chí nghỉ một vài kỳ để tưởng niệm. Đời ông Vĩnh được biết đến với tên tuổi ở Đăng Cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, L’Annam nouveau (Nước Nam mới)... Con ông Vĩnh là Nguyễn Giang, Nguyễn Nhược Pháp đều làm báo. Nguyễn Nhược Pháp viết cho L’Annam nouveau của cha và báo Tinh hoa. Nguyễn Giang không chỉ nổi tiếng về dịch thuật, năm 1937 ông còn tục bản tờ Đông Dương tạp chí.

Vợ chồng Vũ Ngọc Phan và Hằng Phương cùng làm báo Hà Nội tân văn

TL

Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ (1942) ghi tờ Đăng cổ tùng báo “có một phần quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh biên tập và một phần chữ Nho do Đào Nguyên Phổ trông nom”. Sau này con ông Phổ là nhà báo Đào Trinh Nhất cũng là một nhà báo có tiếng trong làng báo. Hay trường hợp Diệp Văn Cương gắn tên với tờ Phan Yên báo, con là Diệp Văn Kỳ nổi danh giữa làng báo Sài Gòn với những tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung…

Trên Văn học tạp chíĐông Tây báo, Dương Bá Trạc giữ chân chủ bút, Dương Tụ Quán làm quản lý sự vụ, họ là anh em ruột cùng theo nghiệp báo. Dương Bá Trạc còn viết cho báo Trung Bắc Tân văn, Nam Phong và nhiều báo, tạp chí khác. Người em Dương Tụ Quán mát tay về mặt tổ chức, quản lý, bằng cớ là ông đứng chân nhiều báo, tạp chí ở vị trí sáng lập, quản lý. Ngoài Văn học tạp chí, Đông Tây báo ông Quán còn lập ra Tam Kỳ tạp chí.

Báo Phong hóa, Ngày nay là 2 tờ báo có vị trí quan trọng trong làng báo nước nhà, được ra đời, quản lý và phát triển bởi anh em nhà Nguyễn Tường với Nguyễn Tường Cẩm, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Trên Tiểu thuyết thứ Năm có những cặp cộng tác viên là thân thích viết bài, như anh em Nguyễn Bính và Trúc Đường, anh em Phạm Huy Thông và Phạm Huy Thái. Báo Sống là tuần báo, ra số đầu tiên ngày 22.1.1935 tại đất Sài Gòn. Lúc ra báo Sống, Mộng Tuyết cho biết chỉ có Trúc Hà ở Sài Gòn, trực tiếp đứng tên xin xuất bản báo, có em ruột là Trúc Phong Trần Văn Quyện giúp.

Vợ chồng “song kiếm hợp bích” báo Phụ nữ tân văn

Đối với cặp vợ chồng cùng tham gia viết báo, có thể kể đến dăm trường hợp. Trên báo Học sinh của nhà Mai Lĩnh, Phạm Thị Trường viết và lấy bút hiệu là Trường Nga. Sau này, Trường Nga kết thành vợ chồng với Phạm Cao Củng. Là người quản lý nội dung báo Học sinh, Phạm Cao Củng vẫn nhớ mục “Thư tín trả lời bạn đọc” do ông viết, ký tên Anh Cả. Còn Phạm Thị Trường với bút hiệu Trường Nga, đảm trách mục liên lạc với các bé gái.

Văn học tạp chí số 14 ngày 15.3.1933 thể hiện anh em Dương Bá Trạc, Dương Tụ Quán làm chủ bút và chủ nhiệm

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Vợ chồng Vũ Ngọc Phan và Hằng Phương thì viết trên báo Hà Nội tân văn do họ Vũ làm chủ bút. Vũ Ngọc Phan trực tiếp viết nhiều bài trong thời gian 1939 - 1941. Sau này, ông gom lại in thành sách Chuyện Hà Nội vào năm 1944. Hằng Phương không chỉ có bài trên báo này mà còn phụ chồng trong việc đọc duyệt bài. Tô Hoài bước vào làng văn với truyện ngắn Nước lên đăng trên Hà Nội tân văn. Nước lên suýt nữa đã không được dùng vì bản thảo Tô Hoài gửi đến chữ viết lem nhem khó đọc, nếu như không có đôi mắt nhẫn nại của Hằng Phương thì đã bị bỏ vì bản thảo đã nằm trong những truyện bị loại trước đó. Vẫn liên quan đến Vũ Ngọc Phan, cha vợ họ Vũ là Sở Cuồng Lê Dư viết, dịch bài Hán văn cho nhiều báo, trong đó có Văn học tạp chí. Lê Dư lại là em rể của Phan Khôi, cũng là một người làm báo có tiếng đã tung hoành chữ nghĩa trên nhiều báo như Nam Phong tạp chí, Đông Tây, Văn học tạp chí, Sông Hương...

Trường hợp cha vợ, con rể cùng làm báo còn gặp ở Nam Phong tạp chí. Từ khi báo ra đời, Phạm Quỳnh đã giữ vai chủ bút. Đến khi họ Phạm vào Huế, báo được giao cho Nguyễn Tiến Lãng trông coi. Lãng vốn là tú tài Tây học, giỏi tiếng Pháp, là con rể của Phạm Quỳnh, Nguyễn Công Hoan thông tin nơi Nhớ gì ghi nấy. Nguyễn Tiến Lãng lại là em ruột của Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng. Nguyễn Mạnh Bổng vốn xuất thân Nho học, viết cho Nam Phong tạp chí và cộng tác với nhiều tờ khác, trong đó giữ vai “cố vấn và biên tập” của tạp chí Phật học Tiếng chuông sớm thời gian 1935 - 1936.

Thân thích làm báo còn gặp ở Phụ nữ tân văn khi tờ báo này nằm dưới bàn tay điều khiển của hai vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận. Xem Phụ nữ tân văn số 88, ngày 25.6.1931 sẽ thấy chức danh báo ghi, Chủ nhơn: Bà Nguyễn Đức Nhuận; Chủ nhiệm: Ông Nguyễn Đức Nhuận. Lại có trường hợp anh em, vợ chồng cùng làm báo mà Nguyễn Đức Nhuận, Bút Trà, Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy và Bà Tùng Long viết Sài thành nhật báo (sau đổi là báo Sài Gòn). (còn tiếp)

Nhật trình kể chuyện

Khi nhà báo tác nghiệp

Hiểm nguy nghề ký giả

Những con số… đau đầu

Đời báo và tên báo

Những mối duyên cộng hưởng

Rộn ràng làng báo Bắc - Trung - Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.