Nhiều bất cập trong dự thảo Nghị định quản lý ô tô ‘hậu’ Thông tư 20
Tọa đàm Góp ý dự thảo Nghị định về quản lý ô tô do Công ty CP Báo Thanh Niên tổ chức ngày 13.6, các chuyên gia kinh tế, luật sư đã chỉ ra những điểm bất cập trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, điều kiện bảo hành bảo dưỡng và triệu hồi xe.
Tự động phát
Video: Tọa đàm góp ý dự thảo nghị định về quản lý ô tô nhập khẩu - Thực hiện: Media |
Trước đó, dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do liên Bộ Công thương và Giao thông vận tải soạn thảo đã được đưa ra để lấy ý kiến. Với bản dự thảo lần 3 của nghị định này, các luật sư, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu được ban hành mà không chỉnh sửa Nghị định sẽ làm khó cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước trong khi lại có phần dễ dãi với các doanh nghiệp nhập khẩu. Từ đó sẽ phần nào làm rối thị trường ô tô Việt Nam và nguy cơ dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa.
Dự thảo Nghị định mới của Bộ công thương có nhiều điểm mới nhưng vẫn còn bất cập
|
Bàn về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN. Để bán xe ra thị trường các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải trải qua nhiều ràng buộc trong khi với doanh nghiệp nhập khẩu lại có xu hướng cởi mở hơn. Trong đó, số lượng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng minh chứng cho cam kết hoạt động lâu dài, chăm sóc khách hàng chu đáo của doanh nghiệp lại chỉ bị giới hạn ở mức tối thiểu 1 cơ sở. Theo ông Hậu nên có ít nhất 3 cơ sở bảo hành bảo dưỡng ở 3 miền để tạo sự thuận tiện cho khách hàng, bởi việc di chuyển hàng nghìn km giữa hai đầu đất nước để bảo dưỡng xe là bất khả thi. Vì vậy, các quy định về nhập khẩu ô tô cần phải được xem xét lại theo hướng vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nước ngoài.
Ngoài ra, ông Hậu cũng cho biết không nên áp đặt thời gian hay số km bảo hành bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, giá bán hay khuyến mãi của doanh nghiệp. Vấn đề logo, hình ảnh thương hiệu cũng được đề cập với những góp ý liên quan tới các chế tài cụ thể hơn tránh tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông Hậu cũng cho rằng cần có nhiều ràng buộc hơn về các loại giấy, chứng từ mà doanh nghiệp nhập khẩu cần có để được cấp phép hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng dự thảo Nghị định về quản lý ô tô còn nhiều điểm chưa chặt chẽ
|
Liên quan đến việc triệu hồi xe, theo nội dung trong dự thảo Nghị định này, nhà nhập khẩu chỉ cần cam kết với Bộ Công Thương về việc có trách nhiệm thực hiện thu hồi xe khi bị lỗi. Quy định này theo các chuyên gia vẫn chưa hợp lý và chưa đủ để bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trên thực tế, mỗi chiếc ô tô được cấu thành từ nhiều chi tiết kỹ thuật, linh kiện máy móc... nhà kinh doanh nhập khẩu hoàn toàn không đủ khả năng xử lý xe lỗi cũng như thẩm quyền quyết định. Đó là chưa kể đến trong trường hợp một số doanh nghiệp kinh doanh làm ăn không uy tín, từ chối trách nhiệm triệu hồi khi xảy ra sự số sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Vì vậy, theo luật sư Trần Đình Thu, vấn đề triệu hồi xe của các doanh nghiệp nhập khẩu cần phải được cam kết của nhà sản xuất. Bởi nhà sản xuất làm ra sản phẩm thì họ mới biết chính xác các lỗi kỹ thuật phát sinh, đồng thời có đủ thiết bị máy móc chuẩn đoán và linh kiện chi tiết cấu thành trong sản xuất ô tô để thay thế, khắc phục.
Bên cạnh đó, với dự thảo Nghị định về điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, ông Thu cũng bày tỏ mối lo ngại về khủng hoảng thừa có thể xảy ra trong tương lai, khi những chiếc xe giá rẻ kém chất lượng ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nhà nhà, người người mua xe hơi không chỉ để di chuyển mà còn kinh doanh dịch vụ taxi Uber, Grab như hiện nay có thể khiến xe giá re kém chất lượng, trang bị an toàn lên ngôi. Những doanh nghiệp nhập khẩu không tính toán kỹ có thể sẽ nhập khẩu số lượng lớn gây nguy cơ tồn kho cao.
Ông Thu cho rằng cuộc khủng hoảng thừa chính là lý do Thông tư 20 ra đời và nếu thả nổi có thể khiến tình trạng này trở lại thậm chí tệ hơn vì hiện tại số lượng xe và nguồn nhập khẩu đa dạng hơn hẳn. Theo ông nếu “cởi” thì nên “cởi” từ từ để người tiêu dùng, doanh nghiệp thích ứng, tránh tình trạng sốc khi đột ngột mở cánh cửa đang đóng chặt từ lâu.
Việc mở cửa nhập khẩu khiến nhiều người lo ngại về "khủng hoảng thừa"
|
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia kinh tế có thời gian dài sống ở nước ngoài cho biết tại Mỹ, Đức một cơ sở tư nhân hoàn toàn có thể trưng biển một hãng xe mà không cần xin phép để làm dịch vụ nếu họ có đủ kỹ thuật viên và máy móc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc bảo hành cũng được thực hiện trên toàn cầu và trách nhiệm triệu hồi thuộc về nhà sản xuất chứ không phải doanh nghiệp nhập khẩu. Ông Đồng cũng cho rằng để cạnh tranh, công nghiệp ô tô Việt Nam cần đặt tiêu chuẩn sản xuất cao hơn, nâng cao chất lượng để người tiêu dùng Việt từ bỏ tư tưởng “sính ngoại”.
Với dự thảo Nghị định về quản lý ô tô, nhiều chuyên gia tham gia tọa đàm đều cho rằng nên đề cao tính cạnh tranh công bằng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và môi trường lên trên hết.
Bình luận (0)