Theo đó, cho phép thành lập các tổ chức tín dụng nhân dân cấp phường, xã, thị trấn... và Nhà nước ban hành các quy định về tổ chức và quản lý về mức lãi suất tối đa, lãi suất theo thỏa thuận giữa người vay và người cho vay để tránh tình trạng “hụi tự phát”, vấn nạn cho vay nặng lãi tràn lan, gây nhiều hệ quả xấu trong xã hội như hiện nay.
Ngân hàng tăng cường khả năng tiếp cận vốn của khách hàng mới có thể hạn chế tín dụng đen |
ngọc thắng |
NHNN cho biết thời gian qua, mạng lưới tổ chức tín dụng (TCTD), các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân, góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ các kênh không chính thức, giúp giảm các hệ lụy tiêu cực từ việc đi vay “tín dụng đen”.
Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân; 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố. Về mức lãi suất tối đa, lãi suất theo thỏa thuận giữa người vay và người cho vay, theo Thông tư 39/2016, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Trước kiến nghị NHNN có biện pháp hơn nữa nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, cho vay nặng lãi để lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự, NHNN thông tin theo Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25.4.2019, Bộ Công an là đầu mối tham mưu, triển khai các nhiệm vụ.
Về phía NHNN, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, có trách nhiệm hoàn thiện cơ sở pháp lý, chỉ đạo điều hành, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Đến ngày 24.8, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,47 triệu tỉ đồng, tăng 9,87% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, với hơn 14 triệu khách hàng, tăng 8,42% so với cuối năm 2021. Cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng với dư nợ đạt gần 2,4 triệu tỉ đồng, chiếm trên 22,22% dư nợ nền kinh tế, tăng 14,99% so với cuối năm 2021.
Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách (trong đó, 3 chương trình tín dụng chính sách mới theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại NHCSXH đến cuối tháng 7 đạt 273.458 tỉ đồng, tăng 10,28% so với cuối năm 2021, với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ngoài ra, NHNN triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính tới mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Phát triển mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
Bình luận (0)