Ho mãi không khỏi
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 20.3, trên địa bàn TP.Hà Nội ghi nhận 17 ca mắc bệnh ho gà. Riêng tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), Trung tâm Bệnh nhiệt đới của BV từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 40 bệnh nhi (BN) mắc ho gà trên địa bàn và một số địa phương.
Mẹ của một BN đang điều trị bệnh ho gà tại BV Nhi T.Ư chia sẻ: "Khi ở nhà, bé ho nhiều ngày không khỏi nên gia đình cho con đến khám, được các bác sĩ chẩn đoán mắc ho gà. Bé chưa tiêm vắc xin ho gà do chưa đến 2 tháng tuổi. Vắc xin ho gà chỉ tiêm cho các trẻ từ 2 tháng tuổi".
Theo một bác sĩ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, các ca mắc ho gà nhập viện là các bé đã có những biến chứng viêm phổi nặng, trung bình đợt điều trị khoảng 10 ngày.
Giám sát chủ động
Bác sĩ Nguyễn Công Huy, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, cho biết: "Để phát hiện sớm các ca bệnh ho gà, chúng tôi cùng với trung tâm y tế, trạm y tế giám sát tại cộng đồng và giám sát dựa trên hệ thống phần mềm quản lý tiêm chủng, hệ thống phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, kết hợp giám sát chủ động tại các BV trên địa bàn".
"40 BN mắc ho gà điều trị tại BV Nhi T.Ư các tuần gần đây, đa số là các bé dưới 3 tháng tuổi và hầu hết chưa được tiêm phòng. Cũng có một số ít là trẻ lớn, đã tiêm vắc xin phòng ho gà các mũi cơ bản nhưng vẫn mắc bệnh, do chưa được tiêm vắc xin mũi nhắc lại", TS-BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi T.Ư, lưu ý.
Ngoài ra, có trường hợp mắc ho gà khi chưa được 2 tháng tuổi, trong khi vắc xin này hiện chỉ tiêm mũi 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi.
Trước thực tế các ca mắc ho gà ghi nhận ở nhiều trẻ nhỏ, và nhiều ca chưa tiêm chủng đầy đủ, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.
Với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, các bà mẹ khi mang thai có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap) theo tư vấn của nhân viên y tế.
Đồng thời, các gia đình cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm ho gà cho trẻ, như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp.
Bệnh ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có và khả năng lây truyền rất cao trong môi trường sinh hoạt chung như: hộ gia đình, trường học…
Triệu chứng khởi phát: ho nhiều, chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, ho kéo dài, nôn trớ, không ăn được, mệt mỏi, kiệt sức. Cơn ho dai dẳng khiến trẻ tím tái. Sau cơn ho, trẻ xuất hiện thở rít (thường gọi là ho gà).
Bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não. Trẻ mắc ho gà càng nhỏ tuổi càng có nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Sở Y tế Hà Nội lưu ý, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)