'Nhiều dự án cần 38 - 40 con dấu, tốn rất nhiều thời gian'

09/10/2024 15:20 GMT+7

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay, một số dự án cần 38 - 40 con dấu, nhiều thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian.

Ngày 9.10, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật T.Ư tổ chức diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp".

Tại phiên thảo luận thứ nhất, các đại biểu cùng nhau trao đổi giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

'Nhiều dự án cần 38 - 40 con dấu, tốn rất nhiều thời gian'- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

ẢNH: ANH THƯ

Không tháo gỡ rườm rà sẽ tạo ra rào cản

Nhìn từ thực tiễn doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng.

Pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này, thế nhưng tính đồng bộ lại chưa cao. Do đó, luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản và luật Nhà ở đã được sửa đổi, nhằm hạn chế sự thiếu đồng bộ của các quy định.

Cụ thể về vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, ông Hiệp nói khâu giải phóng mặt bằng tốn khá nhiều thời gian, vì cần tổ chức đối thoại với người dân. Chưa kể, có những dự án cần 38 - 40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian…

Bày tỏ sự đồng tình, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho biết thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải. Nếu sản xuất kinh doanh không tháo gỡ rườm rà về thủ tục hành chính, doanh nghiệp sẽ phải theo đuổi quy trình và giấy phép, gây nên những rào cản.

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi cần tập trung cao độ để giải quyết "bài toán" liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.

Kiến nghị một số giải pháp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian. Đồng thời, nên có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

'Nhiều dự án cần 38 - 40 con dấu, tốn rất nhiều thời gian'- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc

ẢNH: ANH THƯ

Giảm bớt áp lực về thủ tục cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết dự án nhà ở là loại dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật.

Qua quá trình tổng kết việc thực hiện luật Nhà ở năm 2014, Bộ Xây dựng đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc; qua đó tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật Nhà ở năm 2023. Trong đó, giao Chính phủ quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Nghị định 95/2024 hướng dẫn luật Nhà ở và Nghị định 100/2024 để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện từng giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Nhìn chung, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đầu tư.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Mới đây nhất, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ KH-ĐT được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ này đã tham mưu trình dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản, với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án sửa đổi luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức công tư và luật Đấu thầu.

Trong đó, luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc lĩnh vực công nghệ cao, bộ đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc…

Cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật T.Ư, cho biết diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp "lắng nghe tiếng nói" của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

'Nhiều dự án cần 38 - 40 con dấu, tốn rất nhiều thời gian'- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh

ẢNH: ANH THƯ

Diễn đàn này sẽ tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp. Đây cũng là sự cụ thể hóa việc đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật T.Ư, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, "theo sát" và cùng cộng đồng doanh nghiệp "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, vấn đề pháp lý gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.