Nhiều gia đình trẻ thành lập nhóm để cùng nhau dạy con

Phạm Hữu
Phạm Hữu
28/07/2023 07:00 GMT+7

Nhiều gia đình trẻ cùng chơi, giao lưu với nhau đã tập hợp lại thành lập nhóm, thay phiên nhau dạy con các kỹ năng…

BẮT ĐẦU TỪ HỌC TIẾNG ANH

Gần 1 năm nay, mỗi buổi tối chị Nguyễn Thúy Vân (35 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM) lại đều đặn soạn các bài tập tiếng Anh để gửi đến các trẻ trong nhóm để học và làm bài.

Chị Vân không phải là giáo viên tiếng Anh nhưng chị có chuyên môn tiếng Anh nên ở nhà chị đều tự dạy con của mình. Chị Vân cũng muốn con có thêm bạn khi học, nên chị kêu gọi các phụ huynh trong nhóm cho con cùng học, chị dạy miễn phí hoàn toàn. Thế là nhóm cùng nhau dạy con hình thành.

Nhiều gia đình trẻ thành lập nhóm để cùng nhau dạy con - Ảnh 1.

Cha mẹ và các con cùng tham gia thể thao tạo nên sự liên kết giữa các gia đình, trẻ em với nhau

Phạm Hữu

Chị Vân chọn giáo án tương đồng như các trung tâm tiếng Anh. Sau đó, gửi bài tập (nội dung nghe, nói) vào nhóm chung, từ nhóm chung đó mỗi cha mẹ sẽ tải bài tập về để con thực hành ở nhà. Khi trả bài, cha mẹ sẽ quay video lúc con mình nói, hát bằng tiếng Anh. Đồng thời, mỗi tuần khi gặp gỡ bên ngoài chị Vân lại cho các bé học nhóm, kiểm tra tổng thể, chị cũng là người dạy viết, chỉnh sửa phát âm cho các bé.

Sau hơn 1 năm, những điều tích cực cũng đã đến, những đứa trẻ ngày nào giờ đã tự học và nói thành thạo tiếng Anh một cách cơ bản, đúng ngữ pháp. Và các trẻ đã tiến bộ hơn ở khâu phát âm, tự tin hát, phản xạ, lồng tiếng trên các ứng dụng bằng tiếng Anh đã rành rọt.

Từ hiệu quả của dạy tiếng Anh, anh Phan Thanh Huy Cường (35 tuổi), chồng chị Vân, cảm thấy cần mở rộng nhóm hơn cho trẻ. Anh quyết định kết nối với nhiều gia đình khác rồi mở rộng thêm các hoạt động thể chất. Từ 3 gia đình tham gia ban đầu thì nay đã có 7 gia đình với hơn 10 trẻ từ 5 - 11 tuổi cùng sinh hoạt đều đặn với hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Anh Cường cho biết nhằm để tiết kiệm thời gian, chi phí, thay vì cha mẹ đơn lẻ cho con đến các trung tâm để học, thì mỗi cha mẹ thay phiên nhau, đều có thể dạy con chung với nhau bằng những kỹ năng mình biết. Nó giống như vòng tròn khép kín mà mỗi cha mẹ đều có thể an tâm để cha mẹ khác dạy kỹ năng cho con mình hoặc ngược lại. Hiện tại, nhóm đã dạy nhiều kỹ năng như: tiếng Anh, cờ vua, vẽ, bơi lội, cầu lông, đá bóng…

Nhiều gia đình trẻ thành lập nhóm để cùng nhau dạy con - Ảnh 2.

Mỗi cha mẹ thay phiên nhau dạy một kỹ năng cho trẻ

Huy Cường

MỖI CHA MẸ LÀ MỘT "THẦY CÔ"

Về các hoạt động thể thao, nhóm các gia đình này hầu như dành hết 2 ngày cuối tuần cho con cái. Thông thường, sáng thứ bảy sẽ tập trung cho các trẻ học tiếng Anh trực tiếp, chiều lại đi tập bơi. Đến sáng chủ nhật sẽ tận dụng thời gian cha mẹ vừa gặp gỡ vừa tập cho các trẻ chơi cờ vua, vẽ và chiều tối sẽ tập đánh cầu lông. Tuy nhiên, thời gian và lịch trình có thể thay đổi theo sự linh hoạt của các gia đình.

Vừa cùng 2 con tham gia được 3 tháng, anh Đặng Công Sửu (39 tuổi), ngụ đường Lê Thị Hà, xã Tân Xuân, H.Hóc Môn, cảm thấy mô hình này thật sự mới mẻ, bổ ích không chỉ cho con cái mà còn cho cha mẹ. Khi tham gia, anh đóng góp bằng cách dạy bơi cho tất cả các trẻ ở đây. Mỗi cuối tuần, anh đều đến hồ bơi hoặc có khi đến tận các gia đình khác để chở các trẻ đi tập bơi. Ở hồ bơi, anh Sửu cầm tay, hướng dẫn tận tình từng động tác cho các bé. Đến khi có bé biết bơi anh mới thả lỏng quan sát cho các bé bơi tự do.

Nhiều gia đình trẻ thành lập nhóm để cùng nhau dạy con - Ảnh 3.

Nhóm gia đình cùng nhau dạy tiếng Anh cho các con của mình

Phạm Hữu

Còn chiều tối chủ nhật mỗi tuần là đến thời khóa biểu tập đánh cầu lông. Các bé cũng được trang bị quần áo, giày thể thao, vợt không khác gì cha mẹ. Ở các sân khác, 6 gia đình cùng giao lưu cầu lông với nhau thì anh Cường là người trực tiếp hướng dẫn các bé đánh cầu. Từng động tác giao cầu, thế đứng, đánh cầu đều được anh Cường tận tình hướng dẫn. Tuy mỗi tuần chỉ tập 1 buổi nhưng các bé hầu như đã "cứng tay" khi đánh cầu.

Anh Cường cũng nhìn nhận từ khi thành lập mô hình này, 2 con của anh trở nên dạn dĩ hơn, không còn rụt rè như trước nữa. Giờ đây, con anh Cường ngoài giỏi tiếng Anh cũng biết thêm cờ vua, đánh cầu, bơi lội và khỏe khoắn hơn. Việc tham gia liên kết này buộc các gia đình phải thống nhất về thời gian, tuân thủ đúng kỷ luật, duy trì đều đặn mỗi tuần. Từ đó mới mang lại hiệu quả trong hoạt động.

Ngoài ra, theo anh Cường khi tham gia nhóm cùng dạy con này giúp các gia đình tiết kiệm được nhiều chi phí hơn khi cho con học ở bên ngoài. Trung bình 1 tháng, mỗi gia đình dành ra không quá 2 triệu đồng, bao gồm tiền thuê sân bãi tập luyện cầu lông, hồ bơi và bóng đá. Đồng thời nó cũng tạo nên sự gắn kết giữa các gia đình, vợ chồng với nhau nhiều hơn. "Thực tế là từ khi lập nhóm, các gia đình đều tham gia một cách thoải mái, vui vẻ và nhất là đã mang lại hiệu quả học tập, rèn luyện cho các con của mình", anh Cường bày tỏ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.