Ngày 4.10, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương và các trường ĐH, CĐ sư phạm về tổng kết 10 năm thi hành nghị định quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
CỬ 86 NGƯỜI ĐI HỌC TIẾN SĨ, MỚI 54 NGƯỜI VỀ NƯỚC
Được Bộ GD-ĐT cử đi đào tạo tiến sĩ (TS) ở nước ngoài nhưng nhiều giảng viên không hoàn thành việc học đúng tiến độ, có người không gia hạn, không báo cáo tiến độ học tập theo quy định. Những trường hợp bị đề nghị đền bù chi phí đào tạo thì trường không thể liên lạc trực tiếp.
Theo số liệu từ Trường ĐH Cần Thơ, trường đề cử Bộ GD-ĐT phê duyệt và cử đi học TS ở nước ngoài cho 86 viên chức theo Đề án 911 (Đề án đào tạo giảng viên có trình độ TS cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020). Trong số đó, 61 người tốt nghiệp và 54 người đã về nước tiếp tục công tác; 11 trường hợp đang học; 7 trường hợp xin tiếp tục ở lại nước ngoài để nghiên cứu sau TS, điều trị bệnh… Đáng chú ý, 14 người không hoàn thành chương trình đào tạo với các lý do như: vấn đề sức khỏe, khó khăn trong thực hiện đề tài nghiên cứu do lỗi khách quan, viên chức không hoàn thành và xin thôi việc, tự ý bỏ việc.
Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT tại Trường ĐH Cần Thơ mới đây cho thấy hiện có 12 viên chức đang học trình độ TS ở nước ngoài. Kiểm tra hồ sơ thì có tới 11 người hiện đang có vấn đề trong thực hiện báo cáo tiến độ học tập hoặc phải gia hạn thời gian học tập. Thậm chí có người hết thời gian học tập ở nước ngoài chưa trở về nước nhận công tác. Cụ thể, nghiên cứu sinh N.Q.N được Bộ GD-ĐT cử đi học TS tại Bỉ và đã được gia hạn thời gian đào tạo 2 lần. Bộ đã có công văn về việc hết thời gian gia hạn học tập tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước gửi Trường ĐH Cần Thơ và nghiên cứu sinh này, với thời gian tối đa đến tháng 8.2020. Trường cũng có công văn đề nghị ông N. trở về nước nhận công tác vào tháng 1 năm nay nhưng hiện chưa đưa vào danh sách phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định.
Tương tự, cũng tại Trường ĐH Cần Thơ, nghiên cứu sinh N.Đ.C.G được cử đi học TS ở Đức, được gia hạn 2 lần và đã hết thời gian gia hạn học tập tại nước ngoài từ tháng 1.2023. Ngày 20.3.2023, trường này có văn bản gửi Bộ GD-ĐT xin được phép gia hạn lần 3 đến hết tháng 12 năm nay. Nhưng đến thời điểm thanh tra giữa năm nay chưa thấy văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT về việc này. Như vậy, theo kết luận thanh tra, từ tháng 3.2023 nghiên cứu sinh này hết thời hạn học tập ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
L.T.P được cử đi học TS ở Mỹ, được gia hạn đến tháng 12.2021 nhưng từ tháng 3.2020 - 5.2022 không có báo cáo tiến độ học tập và bản sao kết quả học tập theo quy định. Theo quy định, đến tháng 5.2023, du học sinh này không hoàn thành chương trình đào tạo TS, trước đó vào tháng 2.2023 trường đã liên hệ yêu cầu du học sinh này báo cáo.
HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH NHƯNG CHƯA MUỐN VỀ
Tình trạng này cũng diễn ra tại một số trường ĐH khác. PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường này có 3 trường hợp được cử đi học bằng ngân sách nhà nước phải đưa vào danh sách bồi hoàn chi phí đào tạo. Trong đó, một người được cử đi học toàn thời gian tại Đức theo Đề án 322 (Đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước) nhưng không thể hoàn thành khóa học và đã chấp nhận đền bù chi phí đào tạo lên tới 600 - 700 triệu đồng. Một người đi học tại Úc nhưng vì lý do sức khỏe trở về nước khi chưa hoàn thành việc học, cũng đã đền bù chi phí đào tạo.
"Hiện một trường hợp đi học tại New Zealand, đã hoàn thành chương trình nhưng chưa muốn về nước. Trường đã liên lạc nhiều lần nhưng hiện chưa có thông tin về việc hoàn trả chi phí", PGS Phúc chia sẻ thêm.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho biết trường có 5 trường hợp đi học bằng ngân sách nhà nước. Ngoài 2 trường hợp đang học, 3 người còn lại thì một người đã học xong nhưng không về nước, đã bị kỷ luật; một người sau khi hoàn thành chương trình về nước nhưng nghỉ việc chuyển qua một trường công lập khác. Ngoài ra, một người do trục trặc với giảng viên hướng dẫn không hoàn thành được việc học.
Chia sẻ trong buổi làm việc đầu năm học 2023 - 2024 với Ban Tuyên giáo T.Ư, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nêu một thực trạng xảy ra tại trường này. Theo đó, một trong những khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là nguồn nhân lực. Dù trong các năm vừa qua trường đã có nhiều giải pháp để phát triển đội ngũ nhưng mỗi năm chỉ có thêm 1 PGS, 1 - 2 TS. Có những TS đi nước ngoài học, nhưng trường cử đi 10 người chỉ 1 - 2 người về.
THU HỒI CHI PHÍ ĐÀO TẠO CHỈ ĐẠT 40%
Việc cử đi học và quản lý du học sinh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25.9.2021 của Chính phủ. Theo quy định hiện hành, người cử đi học nhưng không hoàn thành việc học phải bồi hoàn chi phí đào tạo.
Đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về bồi hoàn với du học sinh đi học bằng ngân sách nhà nước nhưng học xong không trở về đóng góp cho đất nước. Theo đó, du học sinh được học bổng ngân sách nhà nước do Bộ GD-ĐT quản lý về cơ bản học xong về nước, một số không hoàn thành khóa học hoặc đã tốt nghiệp nhưng xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, trong danh sách các du học sinh phải bồi hoàn chi phí đào tạo, tỷ lệ thu hồi chỉ đạt khoảng 40%. Lý do là một số du học sinh không có khả năng hoàn trả hoặc xin hoàn trả dần.
Chẳng hạn, liên quan công tác xử lý đền bù và thu hồi chi phí đào tạo từ tháng 1.2022 - 3.2023, Trường ĐH Cần Thơ đã thực hiện quy trình xét đền bù chi phí đào tạo với 4 trường hợp (1 người theo Đề án 599 và 3 người theo Đề án 911). Trong đó, một trường hợp không yêu cầu đền bù do chuyển công tác sang cơ sở đào tạo công lập khác.
Trường ĐH Cần Thơ đã thông báo cho 3 viên chức về việc đền bù chi phí đào tạo nhưng đến thời điểm thanh tra vào giữa năm nay, chưa người nào thực hiện đền bù. Trong kết luận thanh tra, trường này đã giải trình những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi kinh phí đào tạo. Cụ thể: "Không liên hệ trực tiếp được với 3 viên chức này. Trường đã gửi văn bản nhiều lần nhưng không có phản hồi, đương sự gặp khó khăn về vấn đề sức khỏe hoặc khó khăn về tài chính, khó có khả năng đền bù, đề nghị Đại sứ quán VN tại nước sở tại hỗ trợ giải quyết nhưng không nhận được sự phối hợp…". (còn tiếp)
Các chương trình du học bằng ngân sách nhà nước
Năm 2000, Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước" (Đề án 322). Đề án kéo dài 10 năm với kinh phí trên 2.500 tỉ đồng, trong số 4.590 người được cử đi học, có 2.268 người đi học TS.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt thêm Đề án "Đào tạo giảng viên có trình độ TS cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020" (Đề án 911) với kinh phí 14.000 tỉ đồng. Đề án vạch ra lộ trình đến năm 2020 bổ sung được 23.000 TS mới (trong đó 10.000 TS đào tạo nước ngoài và 3.000 TS theo phương thức đào tạo phối hợp). Nhưng sau 7 năm triển khai đề án đã phải dừng do nhiều bất cập.
Đầu năm 2019, Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030" (Đề án 89). Mục tiêu của đề án là đào tạo trình độ TS cho khoảng 10% giảng viên ĐH, trong đó 7% được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% trong nước và phối hợp với các trường ĐH nước ngoài.
Bình luận (0)