Nhiều hãng công nghệ lên tiếng về việc đưa sản xuất ra khỏi Trung Quốc

Thu Thảo
Thu Thảo
25/10/2018 17:40 GMT+7

Mùa báo cáo doanh thu doanh nghiệp đang diễn ra và các nhà phân tích đang nóng lòng nhận thông tin về tác động lên doanh nghiệp của cuộc chiến thương mại ngày càng nóng lên giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Bloomberg, hướng giải quyết chung hiện thời của nhiều doanh nghiệp là họ sẵn sàng di dời chuỗi cung ứng nếu chi phí nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên 200 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 9. Trước đó, chính phủ Mỹ đã áp thuế lên 50 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Đại lục và đe dọa tăng thuế suất lên 25% vào tháng 1. Ông Trump cũng dọa sẽ mở rộng thuế quan, áp lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vốn trị giá tổng cộng 531 tỉ USD trong 12 tháng tính đến tháng 8.
Giữa tình hình căng thẳng, doanh nghiệp nhiều lĩnh vực đang tính cách xoay sở. Dưới đây là tuyên bố chính thức hoặc chia sẻ với giới phân tích của các CEO từ một số hãng công nghệ đã có ý định “di cư” hoạt động sản xuất ra khỏi đất nước được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”.
Philips
Ông Frans van Houten Ảnh: Bloomberg
“Chúng tôi có nhiều đòn bẩy thực sự để giảm thiểu tác động. Một trong số này là tái sắp xếp chuỗi cung ứng. Dĩ nhiên đây có lẽ là cách dễ nhất vì chúng tôi có cơ sở sản xuất ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Kiểu như mỗi nơi sản xuất khoảng 1/3”, CEO Frans van Houten của hãng công nghệ chăm sóc sức khỏe và chiếu sáng Hà Lan Philips cho biết.
Ông Van Houten nói thêm rằng Philips đang trên đường thành lập nhiều nhà máy đa phương thức, nơi họ có thể sản xuất sản phẩm từ các đơn vị kinh doanh khác. "Sễ mất một thời gian để đưa một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc vào Mỹ và ngược lại”, ông Van Houten cho hay.
Logitech International
CEO Bracken Darrell của hãng sản xuất thiết bị đầu vào máy tính cá nhân Thụy Sĩ Logitech International cho hay: “Một trong các khả năng chính của Logitech nhìn từ góc độ chuỗi cung ứng luôn là khả năng di dời sản xuất của chúng tôi vào và ra khỏi nhà máy của chúng tôi. Điều này bao gồm việc di chuyển vào và ra khỏi nhà máy của những hãng khác, nếu chúng tôi có hợp đồng sản xuất với các hãng khác ở Trung Quốc. Khi nào chúng tôi cần chuyển hoạt động sản xuất một sản phẩm ra khỏi Trung Quốc hoàn toàn, chúng tôi có thể làm được. Chúng tôi có nhiều nhóm, nhân viên để làm điều đó và chúng tôi có kinh nghiệm làm điều đó”.
Hãng đường sắt quốc gia Canada
Ông Jean-Jacques Ruest Ảnh: Canadian Shipper
CEO Hãng đường sắt quốc gia Canada Jean-Jacques Ruest nói: “Đặc biệt trong mảng sản xuất, các nhà máy di chuyển rất nhanh. Nhiều nhà máy đã chuyển ra khỏi Trung Quốc, đến Việt Nam, đến Bangladesh... Sản phẩm vẫn đang được sản xuất và được sản xuất ở các nước khác. Sản phẩm về cơ bản vẫn có mặt để đáp ứng nhu cầu. Vì thế, chúng tôi rất lạc quan về thương mại châu Á - Thái Bình Dương, song nó có thể sẽ đến từ nhiều nước khác, nhiều cảng gốc khác nhau”.
Pentair
Giám đốc tài chính Pentair Mark Borin của hãng sản xuất thiết bị kiểm soát ô nhiễm Pentair chia sẻ: “Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đánh giá chuỗi cung ứng tổng thể và tìm cơ hội để giảm thiểu tác động dài hạn của thuế quan. Hiện nay, những thứ trên có vẻ mất thời gian hơn một chút nhưng chắc chắn chúng tôi đang xem xét. Chúng tôi có nhà máy ở Tô Châu, vì thế chúng tôi sẽ đánh giá tình hình ở đó và cách tổ chức cấu trúc chuỗi cung ứng tổng thể”.
Lennox International
“Chúng tôi chủ động hành động. Tôi không chắc liệu thuế quan áp lên hàng Trung Quốc là chuyện ngắn hạn hay không, và vì lẽ đó chúng tôi hành động để tránh thuế quan, bằng cách di dời đến Đông Nam Á và các nước có chi phí thấp khác đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”, CEO Todd Bluedorn của hãng cung cấp các sản phẩm kiểm soát không khí Lennox International ở Texas (Mỹ) cho hay.
[VIDEO] Công nghiệp robot Trung Quốc 'đóng băng' giữa chiến tranh thương mại
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.