Nhiều học sinh nghi nhiễm Covid-19, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo gì?

Bích Thanh
Bích Thanh
04/03/2022 14:32 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM đã thống kê số ca nghi nhiễm Covid-19 trong thời gian học sinh học trực tiếp và đưa ra những khuyến cáo về tình trạng bệnh học đường.

Học sinh ăn trưa tại lớp khi học trực tiếp

BÍCH THANH

Trường lạm dụng máy điều hòa, số ca nghi nhiễm tăng

Ngày 4.3, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi họp với Sở GD-ĐT, Sở Y tế, phòng giáo dục và trường học về công tác tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong 2 tuần (từ ngày 15.2 - 2.3), số ca nghi nhiễm tăng cao trong cơ sở giáo dục. Cụ thể, tổng số ca nghi nhiễm Covid-19 ở học sinh các khối lớp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT là 35.769 trường hợp.

Trong đó, nhiều nhất là ở bậc tiểu học với 17.275 ca, kế đến là THCS với 9.701 ca và THPT là 7.051 ca. Những địa phương có số ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm: Q.1, 12, Bình Thạnh, Tân Phú và TP.Thủ Đức.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng dẫn lại kết quả khảo sát cho thấy số ca nghi nhiễm được phát hiện nhiều nhất là ở những trường lạm dụng máy điều hòa.

Từ đó, bác sĩ Hưng khuyến cáo nên tránh việc sử dụng máy lạnh kéo dài vì nếu xét về mặt thông thoáng là không đảm bảo cho sức khỏe học sinh, không đảm bảo nồng độ dưỡng khí trong phòng.

Do đó, ông Hưng đề nghị Sở GD-ĐT khuyến cáo các trường hạn chế thấp nhất việc sử dụng máy điều hòa trong lớp. "Nếu cần thiết thì sử dụng ngắt quãng, sẽ tốt cho sức khỏe học sinh, tránh nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, các trường cần tận dụng sân chơi, ánh sáng, không khí tự nhiên để tăng cường sức đề kháng cho học sinh", ông Hưng nói.

Bác sĩ Hưng cũng lưu ý về bệnh học đường như tỷ lệ học sinh bị cận thị, loạn thị đang khá cao, trung bình từ 40% - 60% số học sinh, tùy theo trường. Tỷ lệ học sinh bị vẹo cột sống có khả năng tăng cao, ngoài ra cũng cần có đánh giá tổng thể về bệnh béo phì, theo ông Hưng.

Lớp học cần thông thoáng

BÍCH THANH

Hướng dẫn mới nhất về chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 tại nhà

Sở GD-ĐT và Sở Y tế đề xuất gì?

Cũng trong buổi làm việc, phía Sở GD-ĐT nêu rõ những khó khăn như một số cơ sở y tế không phối hợp kịp thời trong kiểm soát dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục.

Theo Sở GD-ĐT, phần lớn các cơ sở giáo dục gặp khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc nhiễm bệnh và tầm soát F1, nhất là thiếu bộ xét nghiệm nhanh.

Dù Sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Y tế để cấp bộ xét nghiệm nhanh đợt 1 về trường công lập nhưng chỉ được dùng để tầm soát F0 theo quy định, do đó việc xét nghiệm F1 hiện vẫn còn là vấn đề lớn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh vai trò nhân viên phụ trách y tế trường học trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách; giáo viên vừa làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm, gây khó khăn trong việc thực hiện phòng, chống dịch.

Do đó, để đảm bảo tổ chức dạy học trực tiếp bền vững và hiệu quả, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đề xuất HĐND TP.HCM quan tâm đến chế độ, chính sách cho giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý trường học, nhân viên y tế học đường nhằm tăng cường lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.