Nhiều lúng túng, bị động trong chỉ đạo về giáo dục

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/12/2021 06:17 GMT+7

Dù đã là năm thứ hai ngành GD-ĐT bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng những chỉ đạo, quyết sách của Bộ GD-ĐT năm 2021 cho thấy vẫn nhiều lúng túng, bị động.

Mở cửa trường theo cấp độ dịch, mỗi nơi một kiểu

Năm nay lần đầu tiên ngày khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến diễn ra ở rất nhiều địa phương. Một số nơi như TP.HCM vì dịch bệnh quá căng thẳng đã tính đến việc không tổ chức khai giảng dưới bất kỳ hình thức nào. TP.Cần Thơ đến tháng 11 mới bắt đầu khai giảng năm học mới với cấp tiểu học.

Ngày 15.10.2021, Bộ GD-ĐT tham khảo ý kiến của Bộ Y tế và ban hành hướng dẫn tổ chức cho học sinh (HS) đi học để các địa phương có căn cứ để áp dụng. Theo hướng dẫn này, địa phương có cấp độ dịch ở mức 1, 2 cho HS đến trường học trực tiếp, cấp độ 3 kết hợp học trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên HS đầu cấp và cuối cấp đến trường; cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) mới dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp.

Gần hết học kỳ 1 năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 1 nhiều tỉnh, thành vẫn học trực tuyến

GIANG PHƯƠNG

Tuy nhiên, hướng dẫn này không được nhiều địa phương áp dụng thực hiện. Trong khi một số địa phương rất nỗ lực để khoanh vùng các ca nhiễm hẹp nhất đến từng lớp học thì nhiều nơi vẫn “kiên trì” chọn giải pháp dễ và an toàn nhất là đóng cửa trường, cho HS phổ thông học trực tuyến; HS mầm non tiếp tục ở nhà mà không có bất cứ hình thức giáo dục nào.

Do cách phòng dịch mỗi nơi một kiểu nên số địa phương cho HS trở lại trường không những không cải thiện sau hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trái lại còn sụt giảm hơn. Cụ thể, đầu năm học cả nước có 25 tỉnh, thành tổ chức cho 100% HS học trực tiếp, đến đầu tháng 12.2021 chỉ còn 9 địa phương duy trì được hình thức dạy học này.

Lần đầu kiểm tra học kỳ trực tuyến

Năm vừa qua chứng kiến sự đảo lộn chưa từng thấy trong việc dạy và học bởi dịch bệnh. Ở nhiều địa phương, cứ cuối tuần, phụ huynh, HS và giáo viên thấp thỏm chờ thông báo đi hay nghỉ học từ chính quyền.

Sau khi ổ dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) tạm lắng thì đến ngày 6.3 ca bệnh mới ở Hà Nội được phát hiện và sau đó lan tới 40 tỉnh thành, hơn 22 triệu HS nghỉ học từ tháng 2 đến tháng 5. Ngành GD-ĐT Hà Nội chuyển sang dạy học trực tuyến và đã có một quyết định chưa từng có tiền lệ là cho HS “nghỉ hè sớm” khi chưa hoàn thành bài kiểm tra cuối năm học để HS có kết quả đầy đủ trong học bạ phục vụ cho việc chuyển cấp, lên lớp.

Tuy nhiên, việc nghỉ học phòng dịch kéo dài đến gần năm học mới mà chưa có dấu hiệu HS có thể quay trở lại trường làm bài kiểm tra như dự kiến của Sở GD-ĐT Hà Nội. Do vậy, lần đầu tiên HS làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến để có thể kết thúc năm học với rất nhiều lúng túng, bị động.

Một số địa phương như Hà Nam, Vĩnh Phúc cũng phải áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến để có thể kết thúc năm học.

Lúng túng với kỳ thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh phía nam. Khi Bộ GD-ĐT vẫn quyết định tổ chức thi vào thời điểm tháng 7.2021 thì có tới hơn 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, thành phố chưa dự thi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do vậy, Bộ GD-ĐT đã quyết định tổ chức thi đợt 2 vào tháng 8.2021 với mong muốn số thí sinh này sẽ có cơ hội dự thi lần 2.

Tuy nhiên, đến sát ngày thi, cả nước có hơn 15.000 thí sinh vẫn không thể dự thi đợt 2 và Bộ GD-ĐT đã phải gấp rút sửa quy chế, xét công nhận đặc cách tốt nghiệp THPT cho toàn bộ đối tượng này.

Thí sinh TP.HCM tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

độc lập

Kỳ thi kết thúc trong nặng nề và lo lắng đến nghẹt thở của phụ huynh, trong sự chán nản của các chuyên gia khi nhiều ý kiến đề nghị không nên tổ chức kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT ở quy mô quốc gia trong bối cảnh này, bất thành.

Chưa qua những âu lo của kỳ thi năm 2021, trước thềm năm học 2021-2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tuyên bố kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phải năng động hơn trước ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường phân cấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, năm 2022 sẽ là bước đi đầu, khả năng sẽ là năm có bước giao thời, chuẩn bị cho đổi mới toàn diện hơn vào năm sau. Sau đó, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021 - 2022 nêu định hướng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học này, sẽ được diễn ra theo "phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025”.

Tuy nhiên, phương án kỳ thi theo giai đoạn mới ra sao, thay đổi gì so với giai đoạn vừa qua, năm học vừa qua thì Bộ GD-ĐT không công bố kèm theo dù năm học cũng đã diễn ra cả tháng.

Trước sức ép của dư luận, ngày 5.10, Bộ GD-ĐT chính thức phát đi thông báo khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Phương án thi THPT của “giai đoạn mới” được đẩy xuống các năm 2023 - 2025 thay vì giai đoạn 2022 - 2025, và được Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ công bố vào quý 1 năm 2022.

Thay đổi liên tục hình thức kiểm tra học kỳ với lớp 1, 2

Việc kiểm tra học kỳ với HS lớp 1, lớp 2 cũng được Bộ GD-ĐT thay đổi liên tục. Tại công điện gửi UBND các tỉnh vào đầu năm học 2021 - 2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định không kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian HS lớp 1, 2 học trực tuyến hoặc trên truyền hình.

Học sinh lớp 1 học trực tuyến bằng điện thoại di động

đào ngọc thạch

Đến giữa tháng 12, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản hướng dẫn, trong đó riêng lớp 1, lớp 2 kiểm tra trực tiếp và chỉ kiểm tra trực tuyến trong trường hợp “bất khả kháng”, hãn hữu. Tuy nhiên, trước phản ứng của phụ huynh về việc con họ đang học trực tuyến tại sao phải đến trường chỉ để kiểm tra học kỳ trực tiếp, vài ngày sau Bộ GD-ĐT lại phát đi ý kiến của một lãnh đạo Bộ, cho rằng: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các sở, phòng giáo dục chỉ đạo các trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến”.

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề

Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trong tháng 11.2021, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu HS, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra rất nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. HS căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng, những chuyện bi hài, cả những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể xiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.