Nhiều ngành về đích sớm

Mai Phương
Mai Phương
19/12/2020 06:22 GMT+7

Bất chấp đại dịch Covid-19 , nhiều doanh nghiệp vẫn cán đích lợi nhuận cả năm 2020 nhờ những hoạt động cốt lõi của mình.

Nuôi heo, sản xuất khẩu trang lãi đậm

Dù chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020, nhưng chỉ sau 9 tháng năm nay, một số công ty đã tăng vọt về lợi nhuận. Trong đó, đáng kể nhất là Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) doanh thu thuần 7.155 tỉ đồng, gấp 1,4 lần giá trị 9 tháng năm 2019. Lãi sau thuế của cổ đông công ty gấp 24 lần, đạt gần 1.137 tỉ đồng.
Như vậy sau 9 tháng, lợi nhuận Dabaco đã vượt xa kế hoạch cả năm 2020. Báo cáo của DBC nhận định lợi nhuận tăng vọt do ngành chăn nuôi ghi nhận phục hồi mạnh trong khi cùng kỳ năm trước ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh đó, một số dự án trong kỳ đã đi vào hoạt động và đóng góp đáng kể vào hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của tập đoàn.
Tương tự, Công ty CP chăn nuôi Mitraco (MLS) cũng đã sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau 9 tháng khi doanh thu thuần tăng 85% lên 307 tỉ đồng; lãi ròng tương ứng đạt 85,5 tỉ đồng, gấp 2,1 lần vốn điều lệ và cải thiện đáng kể so với mức lỗ 29,9 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng vượt 12% kế hoạch doanh thu và 114% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm 2020. Ngoài ra, kết quả kinh doanh cải thiện đã giúp công ty chuyển từ lỗ lũy kế gần 50 tỉ đồng hồi đầu năm sang có lợi nhuận chưa phân phối gần 36 tỉ đồng. Một doanh nghiệp khác trong ngành là Công ty CP nông súc sản Đồng Nai (NSS) cũng có tổng doanh thu lũy kế sau 9 tháng hơn 264 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỉ đồng, là mức lãi cao nhất trong 5 năm trở lại đây và vượt hơn 2 lần mục tiêu lợi nhuận sau thuế đề ra cho cả năm.
Cũng có mức lãi tăng cao là một số công ty sản xuất khẩu trang trong mùa dịch Covid-19. Đó là trường hợp của Tổng công ty CP y tế Danameco (DNM) công bố doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 3/2020 đạt 207,2 tỉ đồng, cao gấp 3,3 lần và lợi nhuận sau thuế đạt 4,81 tỉ đồng, cao gấp 81,3 lần so với quý 3/2019 (tương đương tăng 8.035%).
Công ty Danameco cho biết sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nhu cầu các sản phẩm như khẩu trang, trang phục chống dịch... tăng mạnh. Cầu thị trường tăng cao đã mang đến cơ hội tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế như Danameco. Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2020, công ty đã mở rộng đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị và năng lực sản xuất tại các nhà máy; nghiên cứu mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu... Lũy kế 9 tháng năm nay, công ty ghi nhận doanh thu gần 573,5 tỉ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 31 tỉ đồng, gấp 10 lần so với lợi nhuận của 9 tháng năm 2019 và đã vượt 27% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một công ty khác là Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) cũng báo cáo quý 3/2020 doanh thu thuần đạt 865 tỉ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi sau thuế đạt hơn 166 tỉ đồng, tăng trưởng 41,7% so với quý 3/2019. Lũy kế 9 tháng năm 2020, Dược Hậu Giang đạt doanh thu gần 2.544 tỉ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 529 tỉ đồng, tăng 23,8% so với 9 tháng năm 2019...

Ngân hàng, thép “thu hoạch” sớm

Mặc dù không có lợi thế như những nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu hay sản phẩm tiêu dùng cho mùa dịch, nhưng một số ngân hàng, công ty sản xuất thép cũng hoàn thành được mục tiêu kinh doanh của cả năm nay khá sớm.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là một ví dụ khi quý 3 vừa qua đã đạt 24.900 tỉ đồng doanh thu, tăng 62,7% và 3.785 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát chạm mốc này trong một quý. Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 65.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỉ đồng, tăng lần lượt 40% và 56% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đã đạt 98% kế hoạch năm và đây cũng là lần đầu tiên, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2020 đã vượt mức thực hiện năm 2019, cao nhất từ trước tới nay. Kết quả trên là nhờ hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh tích cực trong các lĩnh vực kinh doanh, trong đó sắt thép và nông nghiệp đóng góp lớn nhất.
Công ty CP đầu tư thương mại SMC (SMC) ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2020 giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, xuống 4.133 tỉ đồng. Song, giá vốn giảm sâu đã giúp lãi gộp tăng 137%. Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty báo lãi sau thuế gần 100 tỉ đồng, cao gần gấp 3 lần giá trị đạt được của quý 3/2019. Điều này đưa lũy kế 9 tháng, SMC đạt 11.265 tỉ đồng doanh thu, giảm 13% nhưng lãi sau thuế đạt 156 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu doanh thu 15.200 tỉ đồng và lãi sau thuế 120 tỉ đồng năm 2020, sau 9 tháng, doanh nghiệp này đã thực hiện được 74% kế hoạch doanh thu thuần và vượt mức kế hoạch lãi 30%.
Trong khi đó, mặc dù nhu cầu tín dụng trong năm nay cũng bị giảm mạnh do đại dịch nhưng một số nhà băng cũng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra. Chẳng hạn, kết thúc 9 tháng năm nay, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) công bố doanh thu đạt 19.300 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỉ đồng, tăng lần lượt 33,5% và gần 21% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp tục duy trì được chuỗi tăng trưởng doanh thu 20 quý liên tiếp trong bối cảnh nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hay Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) lũy kế 9 tháng đạt lợi nhuận trước thuế đạt 1.666 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 56% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với chỉ tiêu cả năm 2020 thì ngân hàng cũng đã vượt gần 16% kế hoạch lợi nhuận.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chỉ sau 9 tháng cũng đã đạt tổng lợi nhuận trước thuế hơn 4.000 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước...
Theo Công ty FiinPro, có 6/16 ngành phi tài chính (không bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư), được dự báo cả năm 2020 sẽ ghi nhận sự “tăng tốc” về lợi nhuận sau thuế so với bình quân tăng trưởng kép 5 năm qua bao gồm: xây dựng và vật liệu; tài nguyên cơ bản; hóa chất; viễn thông; truyền thông; ô tô và phụ tùng. Trong đó, thực phẩm và đồ uống cùng ngành tài nguyên cơ bản (đứng đầu là Hòa Phát và Tôn Hoa Sen), chiếm 1/3 doanh thu và lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi tài chính, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng trưởng tốt trong năm 2020 này cũng như trong năm 2021 nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tiếp tục tăng lên. Xuất khẩu phôi thép sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành năm 2021 trong bối cảnh tiêu thụ thép trong nước dự kiến ở mức thấp. Còn nhóm ngành thực phẩm vẫn tăng trưởng nhờ nhu cầu thực phẩm chế biến tăng mạnh. Bên cạnh đó, các phân khúc chăn nuôi và thủy sản sẽ dẫn dắt tăng trưởng ngành trong năm 2021 nhờ nhu cầu trong và ngoài nước về thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói tiếp tục tăng. Trong khi đó, ưu đãi thuế theo Hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện biên lợi nhuận và đẩy mạnh xuất khẩu.
Lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 của 21 ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng 10,2% so với năm 2019. Mức tăng trưởng lợi nhuận được duy trì nhờ sự tăng trưởng của cả 3 mảng thu nhập chính là thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi thuần từ các hoạt động còn lại. Mức tăng này giảm đáng kể so với mức tăng trưởng các năm trước nhưng vẫn là mức khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo dự đoán là suy giảm so với năm trước.
Công ty FiinPro
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.