Nhiều nơi thiệt hại vì bão số 6

28/10/2024 05:58 GMT+7

Ngày 27.10, bão số 6 (bão Trà Mi) đổ bộ vào đất liền miền Trung, khu vực các tỉnh Đà Nẵng đến Thừa Thiên-Huế với sức gió cấp 8 - 9, giật cấp 10.

MIỀN TRUNG NGẬP LỤT

Sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9, di chuyển theo hướng nam tây nam, tốc độ khoảng 5 km/giờ.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF), cho biết áp thấp nhiệt đới đi lệch ra vùng ven biển Trung bộ và suy yếu thành vùng thấp.

Nhiều nơi thiệt hại vì bão số 6- Ảnh 1.

Hàng loạt cây xanh ở TP.Đà Nẵng ngã đổ khi bão số 6 đổ bộ ngày 27.10

ẢNH: HUY ĐẠT

Do ảnh hưởng của bão số 6, tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Sơn Trà (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 9, giật cấp 10.

Khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 16 giờ ngày 27.10, phổ biến 150 - 250 mm, có nơi trên 400 mm.

Bão số 6 (Trà Mi): Quảng Bình mưa cực lớn, hơn 10.000 nhà dân ở Lệ Thủy bị ngập

Cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 27.10 đến hết đêm 28.10, ở khu vực từ nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150 - 250 mm, có nơi trên 400 mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (trên 100 mm/3 giờ). Khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.

Nhiều nơi thiệt hại vì bão số 6- Ảnh 2.

Bão số 6 đổ bộ khiến ô tô lật trên cầu phía bắc hầm Hải Vân, gây ách tắc

ẢNH: CTV

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, NCHMF, cho hay do khu vực Trung Trung bộ mưa rất lớn nên lũ trên các sông từ Quảng Bình - Huế đang lên cao. Trong chiều 27.10, mực nước trên sông Kiến Giang tại Quảng Bình đã vượt báo động 3 (BĐ3) 0,5 m, các sông ở Quảng Trị từ BĐ2 - BĐ3, một số sông vượt BĐ3, các sông ở Huế trên BĐ2, đặc biệt là sông Hương.

Theo ông Dũng, mưa lớn và nước các sông lên nhanh nên các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP.Đồng Hới (Quảng Bình); các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, TP.Đông Hà, TX.Quảng Trị (Quảng Trị); các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Lộc, Hương Trà, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã bị ngập.

Từ đêm 27 - ngày 28.10, lũ trên các sông ở nam Quảng Bình tiếp tục lên, đặc biệt là sông Thạch Hãn cũng lên trên mức BĐ3. Vì vậy, tình trạng ngập lụt sẽ kéo dài trong ngày 28.10, sau đó giảm dần.

Bão số 6 chưa tan, Biển Đông nguy cơ đón thêm bão Kongrey

HƯ HẠI KHẮP NƠI, THỪA THIÊN-HUẾ NGUY CƠ CÓ CỬA BIỂN MỚI

Khi bão số 6 đổ bộ, hàng loạt cây xanh tại TP.Đà Nẵng ngã đổ, tập trung ở khu vực cầu vượt Hòa Cầm, đường Lê Đại Hành (Q.Cẩm Lệ), đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng (Q.Sơn Trà). Nhiều xã, phường ở H.Hòa Vang và Q.Cẩm Lệ bị mất điện, ngành điện chủ động cắt nguồn để tránh gây nguy hiểm cho người dân do cây cối ngã đổ. Những cột sóng cao 2 - 3 m tại cửa sông Hàn cũng làm hư hỏng, bong tróc, cuốn gạch vỉa hè đường Như Nguyệt (Q.Hải Châu).

Nhiều nơi thiệt hại vì bão số 6- Ảnh 3.

Công an H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) giải cứu hàng chục người dân bị mắc kẹt trong lũ dữ ở 2 làng tại H.Vĩnh Linh tối 27.10

ẢNH: THANH LỘC

Tại Quảng Nam, một số vùng rốn lũ ở xã Đại Hưng (H.Đại Lộc) bị ngập sâu từ 0,5 - 1 m, cô lập cục bộ do nước dâng nhanh từ trưa 27.10 sau khi thủy điện Za Hung và Sông Kôn điều tiết xả lũ. Tại Quảng Trị, nhiều ngầm, tràn ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị ngập, gây chia cắt. Tình trạng xói lở, ngập úng cũng diễn ra trên diện rộng ở TX.Quảng Trị, TP.Đông Hà… Sóng biển đã khiến công trình thi công kè đang thi công ở H.Gio Linh bị sạt lở, có nơi bị xói lở phần chân kè dài khoảng 1,5 km, ăn sâu vào khu vực bờ 10 m; nhiều hàng quán bị sập, tốc mái. Ở 3 xã Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng (H.Triệu Phong) mất điện do một số trụ điện cao thế ở địa bàn xã Triệu Lăng gãy đổ, khiến 4.344 khách hàng bị ảnh hưởng.

Tại Thừa Thiên-Huế, tổng cộng 214 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, tập trung chủ yếu ở địa bàn H.Phú Lộc (210 nhà). Giao thông trên QL1 gián đoạn do cây xanh ngã đổ, đặc biệt là tuyến đèo Hải Vân. Đặc biệt, cơn bão đã gây triều cường với sóng biển đến 1,8 m làm nước biển xâm thực chảy băng qua khu vực Hòa Duân, nơi giáp ranh xã Phú Thuận (H.Phú Vang) và TT.Thuận An (TP.Huế), đánh tan tuyến đường ven biển. Nước biển dâng cao, tràn qua bờ cát của bãi tắm và chảy xiết vào khu dân cư, thông ra phá Tam Giang, nguy cơ mở ra cửa biển mới. Trước đó, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt áp thấp, triều cường từ ngày 19 - 21.10 đã gây sạt lở khoảng 1.000 m bờ biển, ăn sâu vào đất liền từ 70 - 100 m. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển khu vực này. Trong hai ngày 26 - 27.10, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 huy động hơn 60.000 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ các địa phương ứng phó; điều động hàng trăm ô tô, xe đặc chủng, gần 500 xuồng ca nô. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng triển khai quân số hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phố, đặc biệt các tỉnh thành bị ảnh hưởng trực tiếp gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

ĐỐI DIỆN NHIỀU NGUY CƠ

Đáng chú ý, tại Quảng Nam ngày 27.10, đỉnh đồi ở giữa khu dân cư Nà Nổ, thôn Gia Cao (xã Phước Gia, H.Hiệp Đức) xuất hiện vết nứt có độ sâu 1 m, dài 30 m dạng vòng cung, bán kính 10 m, ước tính lượng đất đá có nguy cơ sạt lở là 100 m3. Ngay lập tức, chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng di dời 30 hộ dân với 156 nhân khẩu đến trú ẩn tại Trường tiểu học Kpa - Kơ lơng. Ông Nguyễn Thành Liêm, Chủ tịch UBND xã Phước Gia, cho hay sau khi sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn, địa phương cũng đã bố trí lương thực (150 kg gạo/hộ/tuần) cùng nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Đồng thời, huy động phương tiện, nhân công tổ chức xẻ mương chia nước trên đỉnh đồi để hãm nước chảy xuống taluy khu dân cư, phòng tránh sạt lở.

Nhiều nơi thiệt hại vì bão số 6- Ảnh 4.

Gió giật cấp 8 - 9 khiến cây xanh tại TP.Huế ngã đổ

ẢNH: Hoài Nhân

Mưa lớn kéo dài những ngày qua cũng khiến trụ sở Trung tâm y tế H.Tây Giang xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt gãy nền, tường bất thường với diện tích khoảng 300 m2. Chính quyền H.Tây Giang đã di dời tạm thời để đảm bảo an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân và phương tiện, máy móc phục vụ chuyên môn. Toàn huyện cũng di dời 337 hộ dân với 1.911 nhân khẩu ở 4 xã đến nơi an toàn.

Các vết nứt ở vùng cao Tây Giang đang gây lo ngại sau những đợt mưa lũ lớn. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay từ đợt bão số 4 hơn 1 tháng trước đó (kéo dài trong các ngày 17 - 19.9), mưa rất to làm xuất hiện 6 - 7 vết nứt trên đồi taluy dương của mặt bằng dân cư ở thôn H'juh (xã Ch'ơm). Vết nứt này dài khoảng 100 - 150 m, rộng khoảng 0,5 - 0,7 m, sâu khoảng 1,7 m , có nguy cơ sạt lở cao, xóa sổ cả ngôi làng. Ngay sau đó, địa phương phải di dời khẩn cấp 10 hộ (44 nhân khẩu) ở dưới chân đồi. "Không chỉ để ứng phó với bão số 6, mà sau khi xuất hiện nhiều vết nứt đồi ở thôn H'juh, chúng tôi đã cho các địa phương rà soát kỹ những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi để di dời người dân, tài sản của họ đến nơi an toàn", ông Arất Blúi nói.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết theo dự báo, sau khi bão số 6 đi qua, nguy cơ trên địa bàn tỉnh sẽ còn xảy ra ngập lụt, sạt lở vì mưa lớn kéo dài. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát kỹ những khu vực có nguy cơ sạt lở và sạt lở cao. Trước diễn biến mới của vết nứt, sụt lún xảy ra tại H.Tây Giang, H.Nam Giang và gần nhất là H.Hiệp Đức, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, rà soát, chủ động phương án bố trí lực lượng canh gác. Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị tổ chức khảo sát, đánh giá chọn vị trí, phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng…

Với dự báo mưa lớn sẽ kéo dài sau bão số 6 (cá biệt có nơi lên đến 400 mm), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu các địa phương không để tàu thuyền rời khỏi âu thuyền Thọ Quang trước, trong và sau bão. Các đơn vị, địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến ở những khu vực tập trung đông tàu thuyền, hết sức lưu ý về vấn đề phòng, chống cháy nổ. "Mặc dù cường độ của bão không lớn nhưng nguy cơ gây mưa kéo dài rất cao, các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống khẩn cấp", ông Quảng nói.

Hôm qua 27.10, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra tại các địa điểm ven biển của TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) và TT.Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) và yêu cầu lực lượng vũ trang phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tổ chức di dời người dân đang sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Cùng ngày, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, kiểm tra công tác ứng phó bão số 6 và đặc biệt quan tâm đến diễn biến mưa lớn kéo dài, các sông đã vượt báo động gây nguy cơ ngập lụt trên địa bàn.

Đến chiều 27.10, trên địa bàn Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình ghi nhận 3 người tử vong, mất tích do bão số 6 (bão Trà Mi). Trong đó, có 2 người gặp nạn, bị nước cuốn ở Thừa Thiên-Huế (đã tìm thấy thi thể); 1 người ở xã Thái Thủy, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) bị nước cuốn khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại khu vực hạ lưu đập Thanh Sơn, hiện đang tìm kiếm.

Ngoài ra, khoảng 20 giờ 10 hôm qua 27.10, Công an H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhận thông tin nhiều hộ dân ở làng Phúc Lâm và làng Sa Nam (xã Vĩnh Long, H.Vĩnh Linh) bị mắc kẹt do nước lũ tràn về khiến mực nước sông lên quá nhanh.

Công an H.Vĩnh Linh đã khẩn trương phối hợp với lực lượng đang ứng trực tại các điểm xung yếu, gồm Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, công an xã để tiếp cận, đưa hơn 20 người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn.

Tại H.Gio Linh, cũng trong đêm, công an huyện khẩn cấp di dời 12 hộ dân gồm nhiều người già, phụ nữ, trẻ em ở xã Trung Hải về nơi an toàn, chỉ có 11 thanh niên khỏe mạnh ở lại trông coi tài sản.

9 điểm sạt lở núi đe dọa 1.100 người

Ngày 27.10, ông Trần Hoàng Vĩnh, Chủ tịch UBND H.Trà Bồng (Quảng Ngãi), cho biết do ảnh hưởng của bão số 6, từ chiều tối 26.10 đến sáng 27.10 trên địa bàn có mưa to. Tại xã Trà Hiệp có ít nhất 4 điểm sạt lở núi, nguy hiểm nhất là điểm sạt lở tại thôn Nguyên và thôn Băng. Trong đêm 26.10, H.Trà Bồng chỉ đạo xã Trà Hiệp di dời 22 hộ dân, 67 nhân khẩu ở hai thôn này về nơi an toàn.

Ông Hồ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp, cho biết thêm trên núi Tà Cút ở thôn Băng đã có vết nứt núi tạo thành rãnh lớn. Mỗi khi mưa lớn, nước chảy xiết cuốn theo đá, đất đổ xuống, đe dọa trực tiếp 6 hộ dân và 23 nhân khẩu. Còn ở thôn Nguyên, tình trạng núi nứt cũng diễn ra vài năm nay. Mỗi khi mưa lớn, người dân sống dưới chân núi bất an. "Bà con lo sợ báo về xã, chúng tôi báo cáo huyện rồi tổ chức di dời bà con đi ngay trong đêm", ông Trường cho biết.

Theo UBND H.Trà Bồng, trên địa bàn huyện hiện có 9 điểm nguy cơ sạt lở núi cao, đe dọa 277 hộ, với 1.107 nhân khẩu đang sinh sống dưới sườn núi và chân núi. Ngoài ra, còn có 40 điểm với 827 hộ và 3.478 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở khác; 8 điểm nằm trong vùng sạt lở bờ sông, suối. H.Trà Bồng đã lên phương án sơ tán, di dời dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện, với sơ tán tập trung là 993 hộ/3.810 nhân khẩu; di dời xen ghép tại chỗ là 17 hộ/90 nhân khẩu. H.Trà Bồng cũng đã chuẩn bị 148 công trình, trường học, trụ sở cơ quan… để thực hiện sơ tán, di dời dân, với sức chứa khoảng 19.961 người.

Sáng 27.10, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã đến xã Trà Hiệp kiểm tra tình hình. Bà Vân chỉ đạo lãnh đạo H.Trà Bồng không được chủ quan trước và sau bão số 6. "Bão lại không lo bằng sạt lở. Khi bão vào, dân tránh trú an toàn, nhưng sau bão thì sẽ xảy ra sạt lở, lũ lên cao. Dân thiệt hại lâu nay ở các địa phương là vậy. Thường sau bão là mưa lớn, nguy cơ sạt lở, lũ cao. Khi nào thấy an toàn mới cho bà con về. Đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân là trên hết", bà Vân lưu ý.

Phạm Anh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.