Nhiều phương án phòng dịch khi sinh viên trở lại trường

Hà Ánh
Hà Ánh
24/02/2022 06:00 GMT+7

Các trường đại học đã đồng loạt đón sinh viên trở lại học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến và xây dựng nhiều phương án đảm bảo an toàn phòng dịch.

Sinh viên khai báo y tế mỗi ngày

Sinh viên (SV) nhiều trường ĐH đã trải qua một vài tuần học tại giảng đường. Ghi nhận ở hầu hết các trường, sinh viên chủ yếu học các môn thực hành, thí nghiệm và đi thực tập. Các môn lý thuyết, tùy từng trường triển khai kết hợp trực tuyến và trực tiếp để giảm mức độ tập trung đông người.

Theo PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sau tuần đầu tiên trường chưa ghi nhận trường hợp F0 nào. Dù vậy, trường luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó, có các kịch bản xử lý lớp học khác nhau trong tình huống xuất hiện ca nhiễm.

Sinh viên các trường đại học tại TP.HCM đã trở lại trường học trực tiếp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cũng theo ông Thịnh, ngoài điều kiện đã tiêm vắc xin Covid-19 hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, người học cần thực hiện khai báo y tế trước khi đến trường. Hệ thống khai báo y tế này giúp giám sát thông tin người ra vào trường và kịp thời truy vết, khoanh vùng để xử lý các lớp học khi cần thiết. Các lớp học được tổ chức sĩ số nhỏ, khoảng 20 SV tham gia tại phòng thực hành, xưởng thí nghiệm. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, trạm y tế lập tức thực hiện xét nghiệm nhanh những người liên quan, tổ chức cách ly, khử khuẩn theo quy định.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết tuần đầu tiên SV vẫn học trực tuyến các học phần lý thuyết, chỉ học trực tiếp các môn thực hành và thí nghiệm.

“Theo kế hoạch, nếu sau 2 tuần đầu mọi việc ổn định, trường triển khai học trực tiếp đồng loạt. Nhiều phương án đã được trường chuẩn bị, trong đó có việc xét nghiệm nhanh cho SV trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ”, ông Nhân thông tin. Trường ĐH này cũng yêu cầu SV, cán bộ và giảng viên thực hiện khai báo y tế trực tuyến hằng ngày và chỉ vào trường khi nhận thư điện tử xác nhận đã có thẻ xanh.

Từ ngày 15.2, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu tổ chức học tập trung cho tất cả người học đủ điều kiện về y tế. Đến thời điểm này trường đã ghi nhận các trường hợp F0 đầu tiên và có hơn 30 lớp học đã chuyển sang hình thức trực tuyến. Theo tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường: “Việc chuyển đổi hình thức học tập này là theo phương án trường đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với dịch khi học tập trung. Hiện mọi việc vẫn đang được kiểm soát tốt”.

Xét nghiệm định kỳ khi đi thực hành

Trong khi đó, một số trường ĐH tổ chức cho người học tham gia đợt thi học kỳ, thực tập bên ngoài hoặc học tập trung môn giáo dục quốc phòng - an ninh ngay trong thời gian đầu trở lại học trực tiếp.

Theo tiến sĩ Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có khoảng hơn 3.000 SV tất cả các ngành học sẽ tham gia thực tập trong thời gian này. Trong đó, từ ngày 14.2, SV ngành đào tạo giáo viên khóa 44 và 45 sẽ thực tập trước tại hệ thống các trường mầm non và phổ thông. Trong thời gian này, trường vẫn duy trì hình thức học tập trực tuyến. Vị Phó hiệu trưởng này cho biết: “SV đi thực tập phải tuân thủ các quy định của nơi tiếp nhận. Trong đó, một số trường mầm non yêu cầu xét nghiệm nhanh trước khi đến trường 2 lần/tuần. Khi vào trường, SV đeo khẩu trang và thay quần áo, dép chuyên dụng khi chăm sóc trẻ”.

Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có nhiều phương án kiểm soát dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động đào tạo. Cụ thể, đảm bảo yêu cầu giãn cách trong phòng học và làm việc, hạn chế những hoạt động có giao tiếp gần trong lớp học, hạn chế tối đa việc giao tiếp giữa các lớp trong cùng tầng và giữa các tầng. Theo dõi, ghi nhận kịp thời người vắng mặt và lý do để xử lý nếu có liên quan đến dịch.

Đặc biệt, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM có quy định chặt chẽ với hoạt động thực hành lâm sàng. SV chỉ đến tham gia thực hành lâm sàng tại các cơ sở thực hành nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và không có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, người học cũng phải có kết quả PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước đợt tham gia thực hành. Định kỳ mỗi tuần cơ sở thực hành thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên ít nhất 20% tổng số người học tại cùng một thời điểm để tầm soát Covid-19. Tùy theo tình hình có thể chia 50% số người tham gia thực hành vào 2 buổi sáng, chiều trong ngày hoặc cách ngày trong tuần để đảm bảo giãn cách.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện SV mới đi học trở lại được một tuần. Trong đó, SV năm nhất bắt đầu bằng kỳ thi kết thúc học kỳ 1, SV các năm còn lại học những môn thực hành còn nợ của các học kỳ trước đó do ảnh hưởng của Covid-19. Hiện trường chưa ghi nhận trường hợp F0 nào từ người học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.