Nhiều thử thách đang chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden

Ngọc Mai
Ngọc Mai
25/12/2021 08:22 GMT+7

Diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 , đà lạm phát cùng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 có thể tác động đáng kể đến mục tiêu xây dựng lại nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden .

Ngày 20.1.2021, ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, trở thành nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất trong lịch sử đất nước. Năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden là chuỗi nỗ lực vực dậy nước Mỹ khỏi các cuộc khủng hoảng bên trong lẫn bên ngoài.

Khởi đầu náo loạn

Mỹ trải qua một cuộc bầu cử vào tháng 11.2020 mất nhiều thời gian để kiểm phiếu, một cuộc chiến pháp lý dai dẳng và tốn kém nhất lịch sử, mà người khởi xướng chính là Tổng thống đương nhiệm khi đó Donald Trump.

Ngày 6.1.2021, lưỡng viện quốc hội Mỹ nhóm họp đếm phiếu đại cử tri để chính thức tuyên bố chiến thắng của ông Biden. Cuộc họp lâu nay vốn chỉ mang tính hình thức đã biến thành “ngày phán quyết” đầy chia rẽ và náo loạn. Lần đầu tiên trong lịch sử, người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội, chiếm ghế ngồi của Chủ tịch Hạ viện, làm gián đoạn cuộc họp và đẩy nền dân chủ Mỹ vào chỗ hiểm nguy. Đổ máu xảy ra, súng nổ, đã có người chết. Cảnh sát, FBI, Vệ binh quốc gia được điều động, hàng chục người bị bắt. Điện Capitol tê liệt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

AFP

Ngày 20.1, lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden diễn ra trong tình thế cảnh giác an ninh cao độ. Nhà Trắng cũng chính thức đổi chủ trong bao nhiêu kỳ vọng lớn lao. Nhiệm vụ của ông Biden là làm sao đưa Mỹ thoát khỏi bóng ma Covid-19, xoa dịu những mất mát, hàn gắn rạn nứt và đoàn kết người dân để xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn.

Làm gì và được gì ?

Ngay ngày đầu vào nhiệm sở, Tổng thống Biden bắt tay giải quyết hàng loạt vấn đề đang bủa vây nước Mỹ, trong đó có đại dịch Covid-19. Tổng cộng 17 sắc lệnh và chỉ thị hành pháp được ông Biden ký ban hành trong ngày 20.1.

Về mặt đối nội, chính quyền Tổng thống Biden đã làm được hai việc lớn. Một là tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19, liên tục trải qua những cột mốc ngoài mong đợi. Tính đến ngày 23.12, Mỹ đã tiêm tổng cộng hơn 500 triệu liều, trong đó ít nhất một mũi là 240 triệu (72,7% dân số); tiêm đầy đủ là 204,7 triệu (61,7% dân số); mũi tăng cường là 64,5 triệu, theo số liệu của CDC Mỹ. Với nỗ lực đó, người dân Mỹ được quay lại cuộc sống bình thường và đây chính là thành tựu nổi bật nhất năm 2021 của chính quyền ông Biden. Dấu ấn thứ hai là vận động quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ Covid-19 kỷ lục trị giá 1.900 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế cũng như trợ giúp người dân, doanh nghiệp trong thời điểm phải vật lộn với đại dịch.

Tổng thống Biden cảnh báo người chưa tiêm vắc xin: "Lựa chọn có thể quyết định sống hay chết"

Về đối ngoại, cam kết của Tổng thống Biden là đưa nước Mỹ trở lại với thế giới, sau một nhiệm kỳ nhiều tranh cãi của người tiền nhiệm Trump. Đã có những sự đảo chiều trong chính sách khi ông Biden đưa Mỹ quay lại một loạt khuôn khổ đa phương, khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là một trong những quốc gia chủ chốt tham gia đóng góp vắc xin cho cơ chế COVAX, tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, quay lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và Mỹ - Nga trong năm 2021 tiếp tục là đề tài sôi nổi với hàng loạt vấn đề nổi lên như an ninh Ukraine hay Đài Loan. Ngoài các động thái đơn phương, Mỹ cũng tăng cường phối hợp với đồng minh và đối tác để đối phó. Các cuộc đối thoại thượng đỉnh trong năm qua của hai cặp quan hệ trên diễn ra nhưng không thu được bất kỳ bước đột phá lớn nào.

Năm 2021, cũng chứng kiến quyết định mang tính bước ngoặt của Mỹ là rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan. Quyết định này gây tranh cãi, nhất là khi cục diện tại quốc gia Trung Đông hoàn toàn thay đổi: Taliban quay lại nắm quyền. Dù vậy, cũng có nhiều người ủng hộ quyết định của ông Biden bởi Mỹ đã bước ra được khỏi cuộc chiến dài nhất lịch sử của nước này ở nước ngoài.

Thách thức năm 2022

Nhiệm vụ đẩy lùi Covid-19 của ông Biden tưởng như đã thành công thì giờ đây lại đối diện với thử thách trong bối cảnh xuất hiện những biến thể mới của SARS-CoV-2. Với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, nước Mỹ tiếp tục đối mặt nguy cơ làn sóng dịch mới. Cần lưu ý rằng hiện Mỹ vẫn ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm mới và hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Chính ông Biden cũng phải thừa nhận cuộc chiến chống Covid-19 của nước Mỹ vẫn còn chặng đường dài phía trước.

Về kinh tế, dù tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục xuống mức 4,2%, tình trạng lạm phát và giá cả tăng cao lại đang là vấn đề nóng ở Mỹ. Có nhiều nguyên nhân cộng hưởng khiến lạm phát tăng cao tại Mỹ, và giới quan sát cho rằng tình trạng rất đáng lo khi nó có thể kéo dài nhiều năm. Điều này gây áp lực lớn cho chính quyền ông Biden và quốc hội Mỹ trong thời gian tới đây.

Năm 2022 cũng sẽ đầy tính quyết định đối với chính quyền ông Biden khi nước Mỹ tổ chức cuộc bầu cử giữa kỳ. Đảng Cộng hòa đang quyết tâm giành lại lưỡng viện sau khi để rơi vào tay đảng Dân chủ. Thêm vào đó, những đánh giá về thành tựu và hạn chế trong năm cầm quyền đầu tiên của ông Biden đã có tác động lớn tới mức tín nhiệm của người dân đối với ông. Hiện mức tín nhiệm với ông Biden vẫn trên đà giảm. Nếu đảng Dân chủ mất ghế và đảng Cộng hòa trở lại nắm đa số, các tham vọng chính sách lẫn đề xuất tương lai của chính quyền Biden sẽ gặp khó khăn. Xa hơn, nó có thể tác động tới tương lai chủ nhân Nhà Trắng vào năm 2024, khi ông muốn tái cử.

Thượng đỉnh trực tuyến Biden-Putin: 5 nội dung chính

Trong khi đó, hồ sơ đối ngoại của ông Biden vẫn còn những khoảng trống rất lớn. Mục tiêu tạo dựng lại niềm tin của thế giới về một nước Mỹ dẫn dắt chưa rõ ràng khi ông còn phải lo chuyện đối nội. Các vấn đề Iran, CHDCND Triều Tiên, làn sóng người nhập cư, căng thẳng với Nga hay Trung Quốc đều chưa có gì đột phá. Đây sẽ tiếp tục là thách thức của ông Biden trong năm tới để khôi phục uy tín trên toàn cầu.

Mỹ ra luật cấm nhập khẩu hàng từ Tân Cương

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua ký ban hành đạo luật cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa từ Khu tự trị Tân Cương thuộc Trung Quốc nếu các công ty không đưa ra được bằng chứng cho thấy việc sản xuất không liên quan cáo buộc lao động bị ép buộc. Luật mới cũng yêu cầu tổng thống Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên những quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm cho điều mà Mỹ cáo buộc là lạm quyền ở Tân Cương, theo AFP. Đạo luật mới đánh dấu Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa từ Tân Cương. Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington D.C nói rằng đạo luật mới “phớt lờ sự thật và vu khống một cách hiểm độc tình hình nhân quyền ở Tân Cương” và “là sự can thiệp trắng trợn vào chuyện nội bộ của Trung Quốc”, theo Reuters.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.