Theo đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến tháng 7.2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được tổng vốn đầu tư hơn 212 ngàn tỉ đồng cho 79 dự án giao thông, thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện BOT đã và đang xảy ra nhiều bất cập, thiếu sót.
Cụ thể, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua. Người dân đã đóng thuế và Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân. Những tuyến đường độc đạo này trước đây được xây dựng dựa trên tiền thuế của người dân; được duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiền phí của người dân (qua Quỹ bảo trì đường bộ). Bây giờ, nhà đầu tư vào lập dự án BOT (một số đoạn chỉ là thảm lại bề mặt) và thu phí, lập luận rằng nhà đầu tư đang bán phần giá trị gia tăng, nhưng thực chất là đã tước đoạt đi quyền sử dụng của người dân đối với một tiện ích vốn thuộc về họ.
tin liên quan
Các dự án thu phí BOT đang gây áp lực kinh tế cho người dânQua các cuộc kiểm toán đã thực hiện và đang tiến hành, kiểm toán sẽ kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí các nguồn vốn, trái phiếu Chính phủ để giảm bớt các dự án BOT, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Ngoài ra, do chưa có quy định về việc trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án, nên một số trạm thu phí được đặt ở vị trí không hợp lý, công trình một nơi - thu phí một nơi, tạo sự bất bình đẳng và gây bức xúc dư luận. Đại diện Bộ Kế hoạch- Đầu tư chỉ rõ, trạm thu phí của Dự án BOT hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia lại đặt ở Km894 trên QL1 trước hầm Hải Vân. Điều này khiến người dân ở thị trấn Lăng Cô khi đi lại, giao dịch với thành phố Đà Nẵng không hề sử dụng hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia mà vẫn phải trả phí.
Thậm chí có trường hợp được coi là “lẩu thập cẩm” như việc nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 để hoàn vốn cho các dự án: dự án tuyến tránh TP.Vinh, dự án Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP.Hà Tĩnh, dự án nút giao QL46 và dự án Cầu Yên Xuân. Từ đó, những người dân ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh nếu chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 có thể không ngờ được rằng mình đang cõng phí cho vài dự án khác ở đâu đó bên tỉnh Nghệ An. Ngược lại, những người dân ở Nghệ An nếu không đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2 để sang Hà Tĩnh, thì có thể yên tâm sử dụng miễn phí tuyến tránh TP.Vinh, cầu vượt nút giao QL46 với đường sắt Bắc - Nam và cầu Yên Xuân. Sự bất bình đẳng về phí này gây thiệt thòi cho người dân chỉ đi qua cầu Bến Thủy 1 và 2, mà không sử dụng dịch vụ của các công trình BOT khác kể trên.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tính trên hệ thống các tuyến quốc lộ, có tới 32 trên tổng số 88 trạm thu phí (tương đương 36%) không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km. Mặc dù theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 2, Thông tư 159/2013/TT-BTC, có thể bố trí khoảng cách giữa các trạm nhỏ hơn 70 km nếu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính. Việc có quá nhiều trường hợp đặc biệt như vậy được chấp thuận, đang khiến mật độ trạm thu phí trở nên dày đặc và ngột ngạt. Cá biệt, có trường hợp khoảng cách giữa các trạm thu phí chỉ trên dưới 15 km, như: trạm thu phí Hầm Đèo Ngang đặt tại Km590 trên QL1 chỉ cách gần 15 km với trạm thu phí của dự án BOT QL1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 đặt tại Km604+700 trên QL1.
Từ những thực trạng này, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị bổ sung quy định pháp luật về việc trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án, các quy định pháp luật về mức thu phí và thời gian thu phí để hạn chế cơ chế xin-cho.
Bình luận (0)