Trình bày báo cáo về dự án luật Giáo dục tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12.9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp.
Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Do đó, ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật quy định miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Ban soạn thảo tính toán, khi thực hiện chính sách này, hàng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ để thực hiện chính sách này là 4.730 tỉ đồng. Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện, cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với chính sách mới. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban cũng đề nghị quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai.
Những trường đóng 7 - 8 triệu/tháng có cần hỗ trợ không?
Đặt câu hỏi cho ban soạn thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi: Quốc hội đã ban hành nghị quyết là trong thời gian trước mắt không ban hành chính sách mới, nếu ban hành thì phải cân đối nguồn lực. Dự luật này đưa ra nhiều chính sách mới đã quán triệt tinh thần nghị quyết của Quốc hội hay chưa và nếu thực hiện thì liệu ngân sách có thể đảm bảo được không trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về ngân sách như hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ sự quan tâm tới tác động của chính sách mới đối với ngân sách nhà nước. Luật này khẳng định tiếp tục duy trì tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục trong khi lại ban hành nhiều chính sách mới như vậy thì giải quyết thế nào.
Giải trình thêm các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, báo cáo đánh giá tác động của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì số tiền miễn học phí, cấp bù và cấp hỗ trợ cho đối tượng ngoài công lập nằm trong 20% ngân sách chi cho giáo dục. Trong khi đó, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, theo xu thế thế giới, khi phổ cập ở cấp nào thì miễn học phí ở cấp đó. Hiện nay, nước ta đã phổ cập cấp trung học cơ sở và tiến tới phổ cập trung học phổ thông nhưng mới miễn học phí tới cấp tiểu học.
“Chuyện này chúng ta bàn mấy năm rồi nhưng chưa làm được. Vừa rồi, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài chính đã tính toán kỹ và thấy làm được. Còn lộ trình thì sẽ tính toán lộ trình cần đối ngân sách nhưng sẽ không vượt quá 20% ngân sách chi cho giáo dục”, ông Đam khẳng định.
Không đồng tình với những giải trình này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ nói có lộ trình nhưng lại chưa thấy cơ quan soạn thảo nói rõ lộ trình như thế nào.
Theo ông Hiển, đúng là cần có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện học tập nhưng cũng cần tính tới khả năng của chúng ta. Ông Hiển nói chưa đồng tình với đề xuất miễn học phí toàn bộ cấp trung học cơ sở mà lại còn hỗ trợ cả trường tư và đề nghị chỉ nên giới hạn việc miễn học phí đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn.
“Có những trường ở các thành phố lớn đóng góp 7 - 8 triệu/tháng mà còn phải xếp hàng mới vào được, nhiều trường mỗi năm nhận 1.200 hồ sơ trong khi chỉ tuyển 260 học sinh thì có cần hỗ trợ các trường này không?”, ông Hiển nói và cho rằng, quy định như dự thảo thì đại trà quá và vi phạm nguyên tắc thị trường, cần phải tính lại.
Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt
Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề thí điểm trong giáo dục mà dư luận quan tâm gần đây. Theo bà Nga, thí điểm thì có thành công, có thể thất bại nhưng vừa qua cử tri, dư luận có nhiều ý kiến về thí điểm, nhất là thí điểm tiếng Việt nên đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm về vấn đề này.
Giải đáp câu hỏi này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thời gian gần đây dư luận rộ lên câu chuyện về tài liệu giảng dạy tiếng Việt và năm ngoái là nghiên cứu của ông Bùi Hiền. “Ngay lúc đó tôi đã khẳng định là Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt”, ông Đam nói.
Theo Phó thủ tướng, vấn đề sách tiếng Việt theo công nghệ giáo dục thì Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có ý kiến chính thức, đây chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách giáo dục.
Tuy nhiên, ông Đam cũng khẳng định, dù rất nhiều chuyên gia, bạn bè quốc tế đánh giá cao giáo dục phổ thông của Việt Nam, song việc đổi mới là cần thiết và đã đổi mới thì phải có thử nghiệm, thực nghiệm. Tất nhiên, trong quá trình đổi mới thì cần phải làm rất thận trọng vấn đề thực nghiệm, thử nghiệm.
|
Bình luận (0)