Năm 2024 sắp khép lại, chuẩn bị bước sang năm mới 2025. Nhìn lại 2024, giáo dục tại TP.HCM với nhiều điểm sáng.
Những câu chuyện tích cực
Có thể kể tới như tin vui TP.HCM chính thức công bố miễn học phí bậc THCS cho học sinh toàn thành phố từ năm học 2024-2025, dự kiến miễn học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT từ năm học 2025-2026.
Trong năm 2024, TP.HCM tổng kết 10 năm triển khai Đề án 5695-dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam (do Sở GD-ĐT TP.HCM và EMG Education là đơn vị đồng hành), sau 10 năm có trên 30.000 học sinh tham gia. Giáo dục mầm non của TP.HCM lần đầu tiên tổ chức ngày hội Giáo dục mầm non với hàng ngàn giáo viên tham gia, bậc học này cũng tổ chức hội thảo "Thu hút giáo viên mầm non"; lần đầu tiên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố chủ đề "Giáo viên tài năng" dành cho giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập...
Vấn đề được quan tâm khác như thêm ngày càng nhiều trường học tại TP.HCM lan tỏa "trend" cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường học, điều này để thúc đẩy tinh thần kết nối, vận động, trao đổi trong đời thật thay vì thế giới ảo của học sinh.
Xung quanh lịch nghỉ tết, câu chuyện phụ huynh, học sinh than "TP.HCM năm nay nghỉ tết ít quá" thu hút lượt quan tâm lớn của công chúng. Vấn đề được bạn đọc sôi nổi đặt ra là nên giảm ngày nghỉ hè, tăng ngày nghỉ tết cho học sinh đô thị, đặc biệt là học sinh tại TP.HCM - nơi có tỷ lệ người dân nhập cư đông, nhu cầu di chuyển dịp tết rất cao. TP.HCM đã lắng nghe phản hồi từ dư luận xã hội, sau đó tăng thêm 2 ngày nghỉ tết, nâng tổng số ngày nghỉ tết 2025 cho học sinh là 11 ngày.
Năm 2024, nhiều trường học tại TP.HCM có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc lắng nghe tiếng nói phụ huynh, công khai, minh bạch thông tin, chất lượng giáo dục tới phụ huynh. Có thể kể tới các hoạt động Open House, lớp học mở, trường học mở, mời phụ huynh tới lớp ăn cơm cùng con, thăm nhà bếp, học cùng con... được tổ chức.
Nhìn lại 2024, tống cựu nghinh tân
Bên cạnh những điểm sáng, câu chuyện giáo dục trong năm 2024 ở TP.HCM còn nhiều điểm nóng được quan tâm. Như vấn đề lạm thu, ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản không đúng quy định trong Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT tại một số trường học trong thành phố. Dư luận đặt ra vấn đề phải chăng nên xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh để bớt các lùm xùm. Bên cạnh đó việc đưa các chương trình liên kết vào giờ học chính khóa vẫn tiếp tục có những ý kiến phản ảnh từ phụ huynh khi nhiều trường chưa thực hiện đúng tinh thần "tự nguyện".
Đầu năm học 2024-2025, câu chuyện cô giáo "xin hỗ trợ cái laptop" xảy ra tại một lớp 4 tại trường tiểu học tại quận 1, TP.HCM, thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng Thanh Niên Online, YouTube, Fanpage Báo Thanh Niên. Cô giáo bị kỷ luật cảnh cáo, từ đây tới hết năm học 2024-2025 chuyển sang làm công tác giáo vụ, không được đứng lớp.
Từ cách cô giáo hiểu mình xin laptop là "xã hội hóa giáo dục", vụ việc cá biệt này đặt ra các vấn đề thế nào là xã hội hóa trong giáo dục đúng nghĩa, làm sao để xã hội hóa giáo dục mà không biến tướng. Cũng từ đây, không chỉ quận 1 mà hàng loạt quận huyện, TP.Thủ Đức trong toàn thành phố ra chỉ đạo nghiêm về việc công khai minh bạch các khoản thu đầu năm, chấn chỉnh hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh, chấn chỉnh công tác vận động tài trợ trong lĩnh vực giáo dục phải tuân thủ đúng Thông tư 55 và Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT đã ban hành, yêu cầu hiệu trưởng đơn vị nào bị dư luận báo chí phản ánh sẽ phải báo cáo, kiểm điểm, nếu sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Vấn đề dạy thêm học thêm luôn "nóng" trong nhiều năm qua khi mà nhiều học sinh dù học 2 buổi/ngày vẫn "quần quật" đi học thêm. Thực tế ghi nhận tại TP.HCM cho thấy học sinh tiểu học vẫn xách cặp đi học thêm mỗi tối tới "quên" luôn bữa cơm gia đình... dù Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012, Điều 4 quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm như với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Tuy nhiên, năm 2024, khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo mới về dạy thêm học thêm với nhiều điểm mới, thoáng hơn thông tư cũ, trong đó cho phép giáo viên được dạy thêm chính học sinh của mình, thì vấn đề dạy thêm học thêm tiếp tục được quan tâm, thu hút lượt đọc rất lớn trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. Nhiều người ủng hộ việc nên để thầy cô được đàng hoàng dạy thêm vì học thêm là nhu cầu có thật. Luồng ý kiến khác vẫn cho rằng nên cấm giáo viên dạy thêm với học sinh chính khóa của mình, từ đó mới tránh được những tiêu cực trong giáo dục. Trong bối cảnh này, tháng 12.2024, nhiều quận huyện của TP.HCM tiếp tục ban hành những văn bản yêu cầu các giáo viên chấp hành nghiêm Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm, nghiêm cấm dạy thêm trái quy định.
Bình luận (0)