Hôm nay 16.5, tại Hà Nội, Trường ĐH Lâm nghiệp và một số đơn vị trực thuộc Bộ NN - PTNT đã tổ chức hội thảo bàn về định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2030.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, mà Thủ tướng đã phê duyệt năm ngoái.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN, đánh giá vai trò của khoa học với cuộc sống cần phải căn cứ vào một giai đoạn dài |
Quý Hiên |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN, đã điểm qua một số thành tựu của ngành lâm nghiệp và kinh tế lâm nghiệp, với những con số ấn tượng như đạt 42% diện tích che phủ rừng, đạt xuất siêu 13 tỉ đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, nền sản xuất lâm nghiệp còn đáp ứng được nhu cầu nội địa của một thị trường có 100 triệu dân, mặc dù đây là nhu cầu ngày càng cao cấp do đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao.
“Trước đây chúng ta làm gì dám nghĩ đến việc thu phí dịch vụ môi trường rừng! Vậy mà năm ngoái, chúng ta đạt xấp xỉ 3.200 tỉ đồng, tương đương trên 150 triệu đô la Mỹ, với khoản thu này. Con số xuất siêu là kỳ tích kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Sở dĩ chúng ta đạt được điều đó là nhờ nguyên liệu đầu vào của sản phẩm xuất khẩu của chúng ta là tại chỗ, là khai thác từ rừng do chúng ta trồng được”, ông Doanh cho biết.
Sau khi điểm qua một số thành tựu như trên, ông Doanh đặt câu hỏi: “Vai trò của khoa học công nghệ trong công cuộc phát triển đó là như thế nào?”, rồi tự khẳng định: “Nhờ có khoa học công nghệ thì ngành lâm nghiệp mới phát triển mạnh như thế được”.
Đánh giá khoa học là nhìn vào giai đoạn dài
Theo ông Doanh, để đánh giá được vai trò của khoa học công nghệ, của các nhà khoa học, đối với phát triển ngành lâm nghiệp thì phải nhìn vào một giai đoạn dài, chứ không chỉ nhìn vào một vài năm.
Các nhà khoa học, các vị khách quốc tế dự hội thảo về định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 |
Thế Hưng |
“Nếu không nghiên cứu về giống cây lâm nghiệp rừng trồng từ cách đây rất nhiều năm thì làm sao chúng ta có rừng trồng phát triển, tạo ra nguồn nguyên liệu cho đầu vào sản xuất sản phẩm lâm nghiệp như bây giờ được! Chúng ta xây dựng được hệ thống chế biến gỗ và nội thất rất hoành tráng là bởi chúng ta ngày càng tiếp cận được nhiều công nghệ hiện đại, chi phí ngày càng giảm, chất lượng mẫu mã ngày càng cao.
Chúng ta tiếp cận, giải quyết được vấn đề môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học… là nhờ có các nhà khoa học quan tâm các vấn đề này từ sớm. Chẳng hạn như từ năm 2006, Trường ĐH Lâm nghiệp đã thành lập Viện Sinh thái rừng và môi trường. Chúng ta không chỉ có 2 cơ quan nghiên cứu lớn là Trường ĐH Lâm nghiệp và Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp cũng tích cực tham gia đóng góp cho nghiên cứu khoa học”, ông Doanh chia sẻ.
Ông Doanh cho rằng, để phát triển lâm nghiệp và nền kinh tế lâm nghiệp, dư địa còn rất lớn, nhờ các vấn đề với các thị trường Mỹ, EU hiện đã được giải quyết tương đối ổn thoả. Tuy nhiên, vấn đề là dư địa tài nguyên không còn nhiều vì đất trồng rừng khó mà mở thêm được nữa. Cho nên, giai đoạn trước mắt càng cần đến sự giúp sức của khoa học công nghệ, của các nhà khoa học.
“Chỉ có khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giúp chúng ta tận dụng cơ hội”, ông Doanh khẳng định.
Ông Doanh nói: “Chúng ta phải phát triển thế nào, trong điều kiện nguồn nguyên liệu thế này? Vẫn rừng như bây giờ, vẫn các loại cây thế này… chúng ta có đáp ứng thị trường trong những năm tới không? Chúng ta biết là cần gỗ lớn, nhưng chúng ta vẫn cần các loại cây cho thu hoạch nhanh. Để giải quyết các mâu thuẫn này thì phải trồng thế nào, chăm sóc thế nào, công nghệ thế nào? Cần phải nhờ các nhà khoa học nghiên cứu để trả lời giúp chúng ta các câu hỏi này”.
Theo Trường ĐH Lâm nghiệp, đội ngũ nhà khoa học của trường hiện có 37 GS, PGS và 139 TS. Phần lớn nhà khoa học của trường đều được đào tạo ở các nước phát triển về lâm nghiệp trên thế giới.
Trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, trường đặc biệt quan tâm triển khai nhiều chương trình hợp tác với các địa phương về phát triển khoa học công nghệ lĩnh vực lâm nghiệp. Phần lớn các kết quả nghiên cứu đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt hàng của Bộ NN - PTNT, Bộ KH - CN, các tỉnh, thành phố và được chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Một trong những mục tiêu trong giai đoạn tới của trường là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất. Số lượng các đề tài, dự án, công trình, dịch vụ khoa học công nghệ tăng ít nhất 10%/năm, đóng góp tích cực cho công tác đào tạo và bổ sung nguồn thu cho tiến trình tự chủ của nhà trường.
Bình luận (0)