Nhờ đâu Lithuania không còn phụ thuộc khí đốt Nga?

Văn Khoa
Văn Khoa
04/04/2022 20:00 GMT+7

Từng bị cho là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt Nga, nhưng Lithuania mới đây bất ngờ tuyên bố dừng nhập khẩu mặt hàng này từ Nga kể từ tháng 4.2022.

Tổng thống Gitanas Nauseda của Lithuania ngày 2.4 thông báo nước này dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga kể từ tháng 4 và sẽ có thể dựa vào nhiều nguồn cung khác nhau từ những quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng. “Nếu chúng tôi có thể làm việc này, phần còn lại châu Âu cũng có thể làm”, ông Nauseda viết trên Twitter, theo tờ The New York Times.

Đáp trả Nga

Bộ Năng lượng Lithuania ngày 2.4 tuyên bố mạng lưới phân phối khí đốt của nước này hoạt động mà không nhận bất kỳ nguồn cung nào của Nga từ ngày 1.4, thời hạn Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các nước “thiếu thân thiện” bắt đầu chi trả bằng đồng rúp khi mua khí đốt Nga. Động thái này nhằm đáp trả "sự đe dọa của Nga về năng lượng” và chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, theo Đài RT dẫn tuyên bố từ Bộ Năng lượng Lithuania.

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, như than đá và dầu mỏ, nhưng trừ khí đốt. Gần 40% khí đốt tự nhiên của khối này đến từ Nga. Tuy nhiên, kể từ Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24.2, các nước EU tích cực tìm cách cắt giảm nguồn khí đốt từ Nga.

Các nước Baltic ngừng nhập khí đốt Nga

Tuy là một quốc gia nhỏ, với chỉ 2,8 triệu dân và là một nền kinh tế dựa vào thương mại hơn là công nghiệp, Lithuania là nền kinh tế lớn nhất trong các quốc gia Baltic và cũng là thành viên của khu vực đồng euro. Vì vậy, tuy việc mất khách hàng như Lithuania không thể gây tổn thất nặng cho tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, nhưng động thái mới có tác động về mặt địa chính trị trong việc tạo ra tiền lệ cho EU, theo The New York Times.

Bộ trưởng Năng lượng Lithuania Dainius Kreivys khẳng định Lithuania là nước đầu tiên trong số những quốc gia thuộc EU được Gazprom cung cấp khí đốt lâu nay không còn nhập khẩu mặt hàng này từ Nga. “Đây là kết quả của một chính sách năng lượng nhất quán, nhiều năm và những quyết định về cơ sở hạ tầng đúng thời điểm”, ông Kreivys nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Katja Yafimava tại Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford cho hay: “Tôi nghĩ đây là một bước đi mang tính biểu tượng của Lithuania, vốn từ lâu đã cố gắng đi đầu trong việc giảm và chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga”. Bà Yafimava cho rằng Đức, Pháp và Ý khó có thể có động thái tương tự vì những nước này dựa nhiều vào nguồn khí đốt Nga và bị ràng buộc bởi những hợp đồng lâu dài, theo The New York Times.

Công ty khi đốt Latvia nói thanh toán bằng đồng rúp là khả thi

Bài học từ quá khứ

Cách đây gần 15 năm, Lithuania nhận ra rằng việc không phụ thuộc vào khí đốt và đường ống của Nga là một vấn đề chiến lược, không phải là vấn đề kinh tế. Lithuania rút ra bài học này khi Moscow tạm thời cắt nguồn cung khí đốt vào năm 1990, sau khi Vilnius tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô, theo một bài bình luận được đăng trên báo The Philadelphia Inquirer (Mỹ) hồi tháng 2.2022.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Năng lượng Lithuania Albinas Zananavičius cho hay bài học thật sự đến vào năm 2008, khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Georgia. “Chúng tôi nhận ra nếu họ cắt nguồn cung, chúng tôi sẽ bị đóng băng”, ông Zananavičius cho hay.

Đến năm 2014, Lithuania xây dựng một trạm khí hỏa lỏng (LNG) ở cảng Klaipeda. Hiện nay, trạm LNG này, với 60% nguồn cung của trạm đến từ Mỹ, có thể đáp ứng nhu cầu của Lithuania cùng hai nước láng giềng Baltic, gồm Latvia và Estonia, theo The Philadelphia Inquirer.

Trạm khí hóa lỏng nổi của Lithuania ở ngoài khơi cảng Klaipeda

Chụp màn hình The Philadelphia Inquirer

Việc xây dựng trạm LNG ở Klaipeda đã bắt đầu cho phép Lithuania thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, theo The New York Times. Lithuania có biên giới giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga và từng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Trong năm nay, Bộ trưởng Năng lượng Lithuania Dainius Kreivys cho hay nước này có khả năng đặt hàng LNG đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Nếu cần thiết, Lithuania có thể nhận nguồn cung thông qua một kết nối với Latvia.

Châu Âu sẽ tiếp tục phụ thuộc năng lượng Nga đến khi nào?

Ngoài ra, Lithuania đang hợp tác với Ba Lan xây dựng một đường ống dài 508 km để kết nối các trạm vận chuyển khí đốt giữa hai nước. Dự kiến, đường ống này sẽ được khai thác một phần từ ngày 1.5.2022 và sẽ hoạt động đầy đủ từ tháng 10.2022, theo trang Gaz-system.pl.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.