Nho thân gỗ là cây gì mà gây sốt và ai cũng muốn 'tậu' về nhà?

09/12/2021 12:22 GMT+7

Dạo gần đây những bạn trẻ trồng cây sân thượng lại mê mẩn cây nho thân gỗ với giá tầm mười mấy đến vài chục triệu đồng. Nho thân gỗ là cây gì và điều gì cuốn hút ở loại cây này mà khiến nhiều người muốn sở hữu?

Nho thân gỗ ra trái chi chít khắp cả thân khiến nhiều người mê mẩn

VŨ NHUNG

Mất nửa đời người để trồng được cây nho thân gỗ?

Cách đây không lâu, khi nhìn thấy chị Vũ Thị Nhung (ngụ tại Q.12, TP.HCM) đăng trên hội nhóm trồng cây sân thượng về hình ảnh một loại cây trái mọc chi chít khắp thân và đố mọi người biết cây này là cây gì, Trương Thị Mỹ Trân (25 tuổi, ngụ hẻm 71 đường Lã Xuân Oai, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã ao ước được sở hữu một cây nho thân gỗ như vậy.

Là một người rất thích trồng cây nên cứ có cây gì đang gây “sốt” là Trân đều sẽ vào bộ sưu tập của mình và nho thân gỗ cũng vậy. Trân chia sẻ: “Đó là cây nho thân gỗ, mình nghiện lắm luôn, nhưng giá hơi đắt và chưa đủ điều kiện để mua về trồng nhưng thật sự rất thích. Mình đang tính mua một cây nho thân gỗ loại nhỏ để đỡ tiền, nhưng nghe bảo trồng cây từ nhỏ rất lâu lớn. Nhà chị bạn mình cũng có trồng một cây, ngắm trái thôi đã mê rồi”.

Chị Nhung cho biết trái nho thân gỗ vỏ thì chua mà bên trong ruột lại ngọt nên ăn cảm giác ngon và lạ

VŨ NHUNG

Lê Minh Tuệ (29 tuổi, ngụ tại TP. Hà Nội) là một cô gái trẻ đã có kinh nghiệm trồng nho thân gỗ cho biết đây là loại cây khá đắt đỏ nhưng mà nhiều người lại mê.

Hỏi vì sao mê thì Minh Tuệ chia sẻ: “Cây giống có nhiều loại, có loại 260.000 đồng một cây là cây bé chưa quả (cao khoảng 1m), loại 5 - 10 triệu đồng là cây đang có quả, cây to hơn nữa thì giá khoảng 40 triệu đồng. 40 triệu đắt thật nhưng mất nửa đời người mới trồng được cây như thế. Cây to hoa quả chi chít từ gốc đến ngọn ngắm thôi cũng đẹp. Ngắm hoa và hái quả quanh năm thích lắm luôn nên nhiều người sẽ rất mê. Không những thế, mọi người thích nho thân gỗ vì ăn ngon, quả lạ, cây đẹp trồng kiểu bonsai ngắm cũng rất tuyệt”.

Nho thân gỗ tứ quý sẽ ra trái quanh năm

Minh Tuệ cho biết nho thân gỗ không dành cho người sống vội, trồng cây phải kiên trì vì trồng tự nhiên nó ra quả rất muộn. Phải mất ít nhất 3-5 năm. Không kiên trì được thì bỏ tiền mua cây to sẵn quả.

“Trồng nho để tâm hồn ta thư thái, tĩnh lặng, kiên trì hơn”, Minh Tuệ bày tỏ.

Chia sẻ với người viết, chị Vũ Thị Nhung (sống tại Q.12, TP.HCM) chủ nhân của cây nho thân gỗ khiến nhiều người mê mẩn cho biết vì không có đất trồng mà rất thích trồng cây ăn trái nên chị Nhung quyết định trồng trên sân thượng.

“Một lần mình đi mua cây ở nhà vườn, thấy cây nho thân gỗ trái mọc chi chít ở thân, rồi hoa của nó màu trắng nhìn cũng rất đẹp nên mình hỏi nhân viên ở đấy và họ giới thiệu đây là cây nho thân gỗ nhập từ nước ngoài về. Họ bảo nho thân gỗ có 2 loại, 1 là nho thân gỗ thường, 2 là nho thân gỗ tứ quý. Nho thân gỗ thường thì một năm chỉ ra trái có 1 vụ, còn nho thân gỗ tứ quý sẽ ra trái được 4 mùa luôn. Rồi họ cho mình ăn thử, mình thấy cái vỏ hơi chua trong ruột thì ngọt mà chỉ có 1 hạt ở bên trong, thấy ngon nên quyết định mua 1 cây nho thân gỗ tứ quý, với giá 18 triệu đồng”, chị Nhung kể.

Cây nho thân gỗ mà Minh Tuệ trồng trái ra chi chít

Theo chị Nhung thì cách đây 2 năm chưa có nho thân gỗ 12 vụ, còn bây giờ thì có khoảng 4 loại là nho thân gỗ thường, tứ quý, 12 vụ và nho thân gỗ kim cương.

“Cây mình trồng là nho thân gỗ tứ quý, mình đã trồng được 2 năm và cũng mới mua 1 cây nho thân gỗ thường về trồng”, chị Nhung chia sẻ.

Trồng nho thân gỗ có khó không?

“Nho thân gỗ trồng sân thượng nhiều trái, mà không cần phải phun thuốc gì hết, hoa trái quanh năm, cứ mỗi ngày lên là vặt vài trái ăn thấy ngon và vui lắm, mỗi lần mình lên sân thượng là cứ ra ngắm em ý thôi, hoa màu trắng cũng đẹp nữa, quả thì mọc ở thân rất lạ”, chị Nhung kể về niềm mê mẩn cây nho thân gỗ của mình.

Nho thân gỗ có thể ăn trực tiếp, ngâm với đường phèn thành nước trái cây hoặc ngâm làm rượu...

Nhắc về bí quyết chăm nho thân gỗ, Minh Tuệ hài hước: “Chăm nho thân gỗ là một nghệ thuật, và người chăm nho đích thực là một nghệ sĩ (cười)”.

Và cô nàng bật mí cách chăm cây: “Muốn cây đậu nhiều trái thì tránh để cây khô hạn thiếu nước vì mầm hoa sẽ không phân hoá được (sẽ bị teo và rụng đi). Khi cây đang nở hoa thì không được tưới nước trực tiếp lên thân và lên chùm hoa, không xịt phân bón lá hoặc bón những loại phân nóng mạnh như NPK (chỉ bón trước lúc hoa nở và sau khi trái non đã đậu). Tránh mưa lớn cũng như nơi có gió thổi mạnh cũng giảm tỷ lệ đậu trái. Tỉa thưa thoáng cây, thân cây càng tiếp xúc nhiều ánh nắng càng kích thích ra hoa đậu trái nhiều”.

Ngắm trái cũng muốn mê

Đã có kinh nghiệm 2 năm trồng nho thân gỗ, chị Nhung cho biết quá trình trồng giống nho này thì nên trộn đất với trấu hoặc xơ dừa để cho đất rễ thoát nước, lưu ý khi mới trồng không nên trộn đất với các loại phân, trồng khoảng 1 tháng thì bón cho cây 1 ít phân bò khô và phân gà đã qua xử lý nhưng không được đổ trực tiếp vào gốc, bón khoảng 100 g phân bò và 70 g phân gà, vì phân gà nóng dễ ảnh hưởng đến rễ cây.

“Mỗi lần thu trái mình thu được khoảng 2 kg cho 1 lứa, cây càng già càng to càng nhiều trái, sau khi thu hoạch xong mình lại bón cho cây ít phân bò khô, rồi khoảng 20 ngày sau mình lại thấy nó ra hoa trái lác đác rồi sau đó cây sẽ ra nhiều và sai hoa trái hơn”, chị Nhung chia sẻ.

Riêng với cách chế biến các món ăn từ loại nho đặc biệt này, chị Nhung chia sẻ: “Nho này ăn nó hơi chua cái vỏ và cái ruột nó ngọt nên ngày nào lên chăm cây mình lại hái mấy trái ăn trực tiếp rất ngon, mình cho trái vào ngâm với đường phèn làm nước trái cây, thi thoảng lại pha nước uống, cho các cháu uống đều khen ngon. Ngâm rượu nữa uống như rượu vang đỏ của nước ngoài, đặc biệt mình tìm hiểu cái vỏ nho thân gỗ nó dày hơn nho thường, nên vỏ nho có thể chống ung thư rất tốt”.

Ngoài nho thân gỗ thì chị Nhung còn trồng vú sữa vàng kim, ổi các loại, táo tây xanh, táo ta, cóc, cherry và nhiều hoa hồng, hoa lan…Chị Nhung cũng trồng thêm mướp, bầu, đậu đũa và cà chua, các loại rau để phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.