Nhớ thương vị ngọt bánh Ọm Chiết thuở nào

22/10/2022 18:00 GMT+7

Bằng những nguyên liệu sẵn có, dễ tìm và từ đôi bàn tay khéo léo của các mẹ, các bà, chiếc bánh Ọm Chiết, hay còn gọi là bánh Rây hoặc bánh Dứa đã ra đời, gắn liền với bao thế hệ người Khmer Nam bộ.

Chiếc bánh gây thương nhớ bởi hương thơm thoang thoảng của nếp, vị ngọt dẻo của nhân bên trong. Và khi ăn nó, người ta còn được gợi nhớ và thấu hiểu về nét văn hóa ẩm thực truyền thống của cả một dân tộc.

Chiếc bánh rây dù có nguyên liệu đơn giản nhưng cách làm khá kỳ công

tgcc

Đã có nhiều người bạn của tôi ăn thử món bánh này, và tất nhiên họ trầm trồ khen ngợi. Bánh này ngon, nguyên liệu đơn giản nhưng không biết làm có phức tạp không? Tất nhiên là có! Nhưng chắc chỉ những người vụng về như tôi mới cảm thấy khó thôi, còn với những “nữ công gia chánh” miệt vườn, thì chuyện này dễ như trở bàn tay. Là một người con Khmer, nhưng thú thật tôi chỉ mới biết tên chính xác của loại bánh này cách đây vài tháng. Tôi nhớ đâu chừng hơn 10 năm trước, có một lần tôi được đứa bạn cho thử một miếng bánh, ăn vô thì thấy nó ngon làm sao, nhưng chẳng biết tên họ là gì. Còn nóng nên khi bỏ vô miệng, lớp vỏ ngoài rất mềm và dậy mùi nếp, bên trong thì dẻo, ngọt và béo nhẹ. Hương vị này chính xác là tinh hoa của đất trời, bởi nhân bên trong được làm từ dừa khô, loại cây mọc lưng chừng trời, kết hợp giữa hạt đậu phộng được ủ ấm hơn 4 tháng ròng trong lòng đất, mang đến sự hài hòa về cả mùi lẫn vị.

Nhiều năm trôi qua, tôi thèm loại bánh này lắm, hỏi khắp nơi thì mới biết tên nó là bánh Dứa, nhưng khi tìm chỗ bán thì chẳng thấy đâu. Phần nữa, quê tôi không có nhiều người Khmer, người biết làm bánh Khmer truyền thống thì lại càng hiếm. Tôi ở Hậu Giang, nhưng được biết loại bánh này có mặt ở nơi nhiều người dân tộc sinh sống như Sóc Trăng, Trà Vinh hay Kiên Giang. Qua mấy năm học tập tại và làm việc ở Sài Gòn, những lúc đi ăn uống cùng bạn bè, tôi vẫn tranh thủ liếc mắt qua những hàng quán ăn vặt và không ngừng tìm kiếm, mong nhớ hương vị chiếc bánh giản dị mà thân quen ngày nào. Cơ may đến khi một lần tôi đi tác nghiệp ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, nơi có đông người Khmer nhất Hậu Giang, tôi tình cờ thấy các cô bán bánh này trước cổng chùa. Không thể bỏ qua cơ hội này, tất nhiên tôi mua một lần 10 cái để ăn cho no cái bụng và đã cái miệng, bù vào mấy năm dài đằng đẵng nhớ thương vị ngọt ấy.

Đúng như tôi tưởng tượng ban đầu, nguyên liệu đơn giản nhưng cách làm cũng khá kỳ công. Bởi bánh rây không thể làm từ bất cứ loại bột nếp có sẵn bán trên thị trường nào, mà ta phải xay bột bằng cối xay gạo, nếp truyền thống mới cho ra bánh đúng vị và ngon nhất. Hơn nữa, lúc phơi nếp phải đặc biệt chú ý, nếu phơi quá nắng thì bột sẽ bị ám mùi, dẫn tới thành phẩm không hấp dẫn. Muốn xay bột đạt chất lượng đâu phải dễ, nên công đoạn này không dành cho người tay chân mềm yếu như tôi. Nếp khi ngâm qua đêm, đem xay rồi phơi cho vừa ráo nước, tiếp tục vò với nước muối cho bột thêm dẻo, kế tiếp là rây khô, đảm bảo cho bột tách ra và không quá mịn.

Công đoạn phù hợp với tôi chính là xào nhân, gồm dừa khô đã nạo, đường cát vừa đủ, chút đậu phộng và va-ni để tăng thêm hương vị. Vì bước này vừa dễ, mà tôi vừa ngửi được cái hương thơm nức mũi của nhân bánh, vừa tiện tay bốc một miếng ăn vụn. Bước tiếp theo với độ khó được nâng cấp lên, đó là bắc chảo và rây bánh. Sở dĩ có tên là bánh rây cũng vì bước này. Lúc này, những “nữ công gia chánh” cần tập trung cao độ, dồn sự tinh anh của đôi mắt, sự khéo léo của đôi tay để rây làm sao cho bánh thành một vòng tròn đều, mỏng vừa ăn, bột nếp li ti kết dính vào nhau và không bị vón cục. Đậy nắp lại khoảng 2 phút thì cho nhân vào, sau đó lấy giá xếp gọn bánh lại rồi cho ra lá chuối, bày trên mâm, như vậy là hoàn thành. Có vẻ đơn giản với nhiều người, nhưng với tôi, bước này thật sự áp lực và thử thách.

Chứng kiến cách làm chiếc bánh Ọm Chiết, tôi mới phần nào thấu hiểu hết nổi nhọc nhằn của những người phụ nữ đem đến niềm vui cho lớp trẻ ở quê. Thức khuya dậy sớm, tự tay làm từng bước thì mới yên tâm cho ra đời những chiếc bánh thơm ngon. Đôi mắt dần mờ vì những hôm thức khuya dậy sớm, đôi tay chai sạn, lộ rõ những đường gân thô kệch vì ngày qua ngày làm bạn với chiếc cối xay. Cắn nhẹ một miếng bánh, hương vị quen thuộc ngày xưa ấy thoáng lướt qua các giác quan của tôi. Hình dạng bánh không có gì thay đổi, nhưng hình như niềm mong nhớ của tôi đã hoà lẫn vào độ ngon của nó, càng làm mùi vị này thêm vương vấn.

Càng ăn càng thấy ngon, tôi lại tò mò về sự ra đời cũng như sự thông dụng của loại bánh này trong đời sống hằng ngày. Tôi nghe các cô chú kể lại, rằng những ngày lễ tết ở chùa, hay nhà có đám, chiếc bánh Rây luôn có mặt trong những gia đình Khmer truyền thống. Ngoài làm món tráng miệng đãi khách và là quà vặt cho lớp trẻ, thì Ọm Chiết còn được các ông bà dâng lên chùa chiền. Có một điều thú vị về cái tên Khmer của bánh, đó là Ọm có nghĩa là rây, còn Chiết là lá chuối vì bánh sau khi chín sẽ được xếp gọn gàng trên lá chuối. Còn nguồn gốc của nó, tôi từng dò hỏi rất nhiều người nhưng chẳng ai rõ. Ngay cả bà nội tôi có thâm niên làm bánh dân gian bán hơn 50 năm còn không biết. Bà chỉ biết rằng, hồi đó còn nghèo, nên tất thảy đồ ăn trong gia đình đều được ưu tiên làm từ những nguyên liệu đơn giản nhất. Nếp, đường, dừa, đậu phộng nào có phải thứ đắt đỏ gì mấy. Vậy là với khối óc nhạy bén, bàn tay tỉ mỉ, các mẹ và các bà làm ra những chiếc bánh đậm chất “cây nhà lá vườn”, ăn một lần khó quên.

Ngày nay, người ta còn thêm nhiều nguyên liệu đa dạng như lá dứa, khoai mì để biến tấu thành món bánh ống hình trụ dài, có màu xanh bắt mắt và lá dứa thơm phức. Nhưng với chiếc bánh rây dung dị ban đầu, cũng đã đủ làm tôi xao xuyến mãi cái hương vị ngọt dịu, thơm béo mà đậm chất “quê” đọng lại nơi khoang miệng. Sau này nếu có xa quê, chắc sẽ nhớ lắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.