Nhớ quá, chợ nhà lồng Bạc Liêu xưa!

21/10/2022 11:00 GMT+7

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bạc Liêu , nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh, những con người gắn liền với những giai thoại, truyền thuyết như khu nhà Công Tử Bạc Liêu, Quán Âm Phật Đài, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tháp cổ Vĩnh Hưng...

Bên cạnh đó Bạc Liêu cũng được xem như cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ - bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2013. Tuy nhiên, cái mà tôi nhớ nhất, ghi khắc và ảnh hưởng sâu vào tâm thức tôi từ nhỏ đến giờ lại là hình ảnh, không khí của cái chợ nhà lồng Bạc Liêu xưa.

Nhà Công tử Bạc Liêu

Ngọc Thắng

Nói đến cái chợ thì không riêng Bạc Liêu quê tôi mà nơi nào cũng có và có nhiều thứ để nói lắm. Chợ phản ánh sinh hoạt, đời sống văn hóa và tinh thần của cư dân ở một địa phương. Địa phương đó có phát triển, có phồn thịnh hay không nhìn vào cái chợ ắt biết. Chợ là bộ mặt của địa phương, chợ mang cái đặc trưng riêng biệt của địa phương mà chả đâu có được. Có khi chỉ cần nhắc đến tên chợ người ta đã biết trong đó có gì, chợ đi vào ca dao, đi vào tục ngữ.

“Ru con con théc cho muồi.

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu.

Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.

Chợ Dinh bán áo con trai.

Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim”.

Dưới quê tôi mỗi chợ được gắn cho một cái tên riêng biệt tùy vào hình thái và phương thức hoạt động của nó như chợ chòm hổm, chợ nhà lồng, chợ nhóm, chợ nhỏ, chợ ma, chợ nổi... hầu hết đều được đặt theo khía cạnh quan sát, thấy sao đặt vậy. Và chợ nhà lồng là cái chợ đặc sắc nhất đối với tuổi thơ tôi.

Có thể do trung tâm chợ được cấu tạo từ những khung sắt lớn được ghép thành y như cái lồng chim mà người dân xứ tôi gọi đó là cái chợ nhà lồng, chợ nhà lồng là một phần không thể thiếu đối với dân xứ Bạc Liêu. Cái chợ cũ gắn bó với Bạc Liêu từ thuở mới chập chững phát triển của thế kỷ trước đến tận những năm nó được đưa lên đô thị loại III. Để phù hợp với sự phát triển của tỉnh nhà thì sau năm 2010 cái chợ nhà lồng cũ bị khai tử.

Cái chợ này được hình thành từ thời Pháp nằm dọc bên bờ sông Bạc Liêu chạy dài từ Chùa Bang (Phước Đức Cổ Miếu) cho tới tận Chùa Minh (Hội quán Vĩnh Triều Minh). Về phần cái nhà lồng chợ thì dài độ chừng 100 mét đổ lại, mặt tiền nhà lồng là loạt hình tam giác ghép thành chạy dài với màu chủ đạo là màu vàng sậm, khi còn nhỏ mỗi lần có dịp ra chợ nhìn lên những dãy tam giác đấy tôi tưởng tượng đó là những núi muối xếp lên nhau vì vốn dĩ quê tôi nổi tiếng về muối. Nhà lồng chợ có bốn mặt tiền, có một mặt quay ra sông Bạc Liêu, bờ sông lúc nào cũng tấp nập ghe, xuồng bán buôn đủ thứ, nhiều nhất là bán chuối, lu kiệu, dừa nước, dừa tươi, dừa khô. Ghe xuồng thời điểm đó rất nhiều, nhiều hơn cả xe, ghe xuồng nhiều là một điều hiển nhiên vào thời điểm đó, một là vì nó thuận tiện di chuyển, hai là ngày trước xe chở hàng loại lớn như bây giờ chưa có nhiều, chi phí thuê rất đắt đỏ, đường xá là khó đi. Những cửa hàng ở mặt tiền chợ người ta bán nhiều thứ đa phần thiết bị điện tử, tôi nhớ nhất là mấy cửa hàng đồng hồ mà đứa con nít nào cũng thích đứng ngắm mỗi khi được dịp đi chợ, hồi đó mua được cái đồng hồ đeo chơi khoe bạn bè là cũng mất cả ngày làm công của cha mẹ bởi vậy tôi chỉ thường đứng áp mặt vào tủ trưng bày xem đỡ ghiền chứ làm gì có tiền mua.

Câu lạc bộ đờn ca tài tử ở vùng nông thôn Bạc Liêu

thanh cường

Vị trí ngay góc phải chợ là năm, bảy người bán bánh mì, người ta kêu là bánh mì Sài Gòn, tôi thì không để ý gì khác ngoài hình dáng to lớn của ổ bánh mì đập vô mắt tôi, nó to ngang ngửa tôi lúc đó, màu vàng ống giòn rụm, từ vị trí đó rồi chạy dọc về sau là đủ thứ món hàng rong nào là bánh củ cải, bánh lọt ngọt, bánh bông lan, khoai mì nướng... chủ yếu là người ta gánh chứ không đẩy xe như bây giờ, thấy ham vậy đó mà không biết sao hồi đó không bao giờ tôi đòi mua, chắc do tôi không thích ngọt. Tôi thì rất ít dịp được ra chợ lắm thi thoảng nội mới dẫn đi mỗi khi bà đi mua thuốc hoặc giao thuốc. Do gia đình tôi là người Hoa nên tôi kêu bà là A Má chớ không kêu bà nội, mỗi lần đi chợ A Má thường tấp vô mua giấy vàng bạc, nhang đèn rồi bắt đầu câu chuyện bằng câu cửa miệng "úa tá lứ thia" với mấy bà tiểu thương ngoài chợ, mấy bà xẩm buôn (tên gọi những phụ nữ trung niên người Hoa mà dân miền Tây hay gọi) này thân với A Má tôi.

Tiểu thương trong chợ đa phần là người Hoa gốc Triều Châu, các bà nói một tràng đứng đến mỏi chân thì mới tiếp tục đi chợ, dọc đường về thì ghé mua cho ông Côn (ông nội) hai cái bánh củ cải Tiều. Cứ như vậy, mười lần y như một. Vẫn nhớ hồi nhỏ đó, tôi cứ kêu ca, phàn nàn vì đi với A Má lúc nào cũng lâu và luôn về nhà trễ. Hồi đó, tôi phàn nàn vậy đó nhưng mà bây giờ không thể nào kiếm ra được cái cảm giác thư thả tám chuyện chẳng màng thời gian đó khi tôi có dịp đưa A Má ra chợ nữa, có lẽ là vì các bà bạn hàng thuở đó đa phần cũng đã theo ông theo bà hết rồi.

Trong ký ức của tôi, đứa nhỏ 5, 6 tuổi thường được A Má đưa đi chợ hồi đó, có bà bán gia vị ngoài chợ cũng là người Tàu, đầu tóc tém bạc như cước, bà ngồi trên cái sạp thiết lớn bán đủ loại gia vị mà hình như ngon nhất là cà ri. Tôi thấy người ta mua nhiều lắm có người mua gởi lên Sài Gòn nữa; gần đó là sạp trầu cau mà mỗi lần có cúng kiến hay đám giỗ người ta hay đặt, A Má tui thường tới đó mua cau mỗi lần cần xây mâm trầu, rồi có bà bán bánh tét, bánh ú tên Chu bà này bán ngon lắm bây giờ thì không biết còn không. Vô tới trong nhà lồng thì nóng lắm do chợ chủ yếu lợp bằng thiếc, có kê thêm vài tấm lấy sáng, dưới sàn chợ thì ẩm ướt hơi trơn nên đi phải cẩn thận, bên trong bán rất nhiều thứ phân khu vực cũng khá đa dạng, do lúc đó còn nhỏ nên tôi chỉ nhớ mỗi chỗ bán vải và bán giày dép là nhiều nhất thôi. Mà tôi nhớ chỗ đó cũng phải, vì hồi xưa không có quần áo may sẵn nên mỗi lần nhập học là mẹ dẫn tôi vô đó lựa vải để về may đồ cho kịp học, hay mỗi khi dép mà bị mất thì được cha dẫn vô tới chợ mua dép của bà thím quen nên tôi nhớ lắm. Mà ngộ là tôi đi học bị mất dép hoài mà không hiểu tại sao.

Năm dài tháng rộng cứ vậy mà mọi thứ dần trôi qua, tôi quên cái chợ, quên cái cảm giác đi chợ hồi nào mà không hay để khi giật mình nhìn lại thì cái chợ đã không còn. Cái nhà lồng cũ ngày nào bây giờ đẹp lắm rồi, khang trang lắm rồi người ta xây sửa lại giống tựa như cái chợ Bến Thành, trong chợ không còn ẩm ướt hay trơn trợt, cũng không nóng nực nữa. Tuy là vậy nhưng chợ lại vắng tiểu thương lẫn người mua hàng. Cái không khí náo nhiệt, cái cảm giác vui vẻ khó tả ngày xưa ấy không còn nữa, một phần vì bây giờ chợ rồi siêu thị chỗ nào cũng có nên người ta bớt tập trung, phần nữa là mình lớn nên cái nhận thức nó thay đổi nhiều. Thời gian vô tình lắm, nó lấy của mình đủ thứ, nhưng nào biết làm gì thôi thì mình xếp nó lại để mai này có cái để mà nhớ mà kể...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.