Nhớ xóm sinh viên Hà Nội

19/02/2021 11:09 GMT+7

Những Hường, Hội, Dũng, Hà, Dung, My, Hiền… liệu có ai vô tình đọc được những dòng này, chắc họ cũng nhớ xóm trọ nghèo và Hà Nội như tôi lắm.

1. Sẽ chẳng cần phải tưởng tượng bởi chỉ cần nhắm mắt, xóm sinh viên nơi tôi gắn bó suốt 3 năm đại học và những năm đầu tiên ra trường sau đó cũng hiển thị lên mồn một. Phảng phất trong cái gió lạnh ngày đông là mùi bánh chuối, bánh khoai, bánh chưng rán… mà đôi khi chỉ dám nhìn và ngửi cũng là xa xỉ.
Từ vùng quê trung du nghèo, đám học trò chúng tôi khăn gói quả mướp về Hà Nội trọ học. Ngót nghét cũng gần 20 năm. Tôi nhớ như in mình từng nằm trên những khối bê tông lớn, xếp ngổn ngang dưới chân cầu vượt Mai Dịch những ngày xuống Hà Nội thi đại học. Trời nắng như đổ lửa rồi cũng bất chợt những cơn mưa rào. Con đường vào trường thi ngày mưa nước ngập đến gần đầu gối. Tờ giấy báo trúng tuyển và cả những tờ rơi quảng cáo các chương trình học liên kết ngày ấy tôi vẫn giữ, đã phần nào hoen màu bởi nước mưa.
Hà Nội lạ lẫm lắm với những cậu trò nghèo như chúng tôi. Sau năm đầu làm “tân binh” ký túc xá, tôi quyết định chuyển ra ngoài sống để trải nghiệm cuộc sống là sinh viên, như trong những bộ phim kinh điển: Phía trước là bầu trời, Xin hãy tin em… Khi xem cứ nghĩ chắc chỉ có trên phim thôi, ai ngờ cuộc sống bên ngoài còn phong phú hơn thế.
2. Xóm tôi trọ, nằm trong khu Đình Thôn, ngay sau bến xe Mỹ Đình. Ngày ấy, đường vào xóm vẫn là con đường cát. Nắng bụi mịt mù. Mưa sình lầy. 8 phòng trọ chung 2 chiếc toilet, một nhà tắm với chiếc cửa gỗ đã nham nhở theo thời gian.
Chủ trọ của tôi, có cái tên đọc thôi cũng thấy vui tai Ba Hoa, sống bằng nghề kinh doanh phòng trọ. Bà Hoa cũng xoay sở đủ thứ nghề: mở tiệm bán rau và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh viên; bán hàng nước ngoài sân vận động Mỹ Đình; bán bánh chuối, bánh ngô, bánh khoai, bánh chưng chiên… Tôi vẫn cứ nhớ dáng người chừng mét bốn mấy của bà trên chiếc xe đạp mini mỗi buổi chiều co chân chở gánh hàng ra ngoài sân vận động Mỹ Đình.
Thời đó, sau SeaGames lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, khu vực quanh sân trở thành địa bàn kinh doanh của những người như bà Hoa. Họ túa ra những bãi cỏ, vỉa hè được lát đá, trồng cây chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng.
Mùa nào thức nấy. Mùa hè có trà đá, nhân trần, nước vối rồi vài thứ quả: cóc, ổi, xoài, dưa chuột… Sang thu có thêm sấu chín và đến đông, không thể thiếu vài con mực, cá chỉ vàng nướng uống với rượu nếp đục mốt của thời ấy. Ai thích ngồi trên vỉa hè lát đá. Muốn kín đáo và riêng tư hơn, trải chiếu trên những bãi cỏ xen với những bụi cây thiên thuế. Mùa hè nóng như thiêu trong những phòng trọ lợp bằng tôn sóng xi măng, chúng tôi ra sân Mỹ Đình hóng gió đến khuya, không muốn về.

Đường đi học có khi như thế này...

Ảnh Lưu Quang Phổ

3. Căn phòng trọ chưa đầy chục mét vuông, giá thuê những ngày đầu chỉ 200.000 đồng/tháng. Khách thuê có thể ở một mình nếu dư dả, cũng có thể ở 2, ở 3, thậm chí ở 4 người. Đơn giản, đó chỉ là nơi để về ngủ sau những ngày mài đũng quần trên giảng đường đại học. Ở trọ sướng hơn ký túc xá vì không phải ăn thứ cơm gạo ngâm không thể nở hơn nữa. Đám sinh viên đang tuổi lớn, ăn một phần cơm 3.000 đồng rồi cứ như chưa ăn gì.
Ra trọ, có thể mang gạo từ quê, rau củ, cá khô… Thức ăn có thể đạm bạc nhưng cơm không lo thiếu. Chiếc bếp dầu trở thành vật bất ly thân với mỗi phòng trọ. Đổ dầu, rút bấc, châm bếp mùi hôi khắp cả gian phòng nhưng chẳng gì tiết kiệm bằng. Sang hơn mới dám nấu bếp ga mini. Ấy vậy mà, phòng trọ của tôi trở thành chốn tụ tập của đám bạn thân 10 đứa chung lớp. Tháng nào cũng tụ tập, mỗi đứa góp 10.000 đồng là đã có những bữa tiệc linh đình.
Bữa, đứa bạn ở Hà Nội vào Sài Gòn công tác nhắc, chẳng bao giờ được ăn thứ lẩu cá hay nem rán ngon như thời ấy. Ừ thì, lâu lâu mới có một bữa ăn tươi, cái gì mà không ngon. Đôi khi, nhìn sang phòng bên các chị đã ra trường, đi làm có tiền kho nồi thịt với nước dừa tươi vàng sánh, béo ngậy chỉ dám nhìn rồi thòm thèm.
4. Cũng dễ đến gần 10 năm, từ ngày xa Hà Nội tôi không trở về xóm trọ cũ nhưng vẫn hỏi thăm về ông bà chủ nhà và hai đứa con nay đều yên bề gia thất. Mỗi đứa, được ông bà cắt đôi mảnh đất chia làm của hồi môn. Thỉnh thoảng, nhận tin ông hàng xóm qua đời vì ung thư hay bà nhà kế bên lên cơn hen cũng không trụ nổi, thấy man mác. Họ, và Hà Nội là một phần ký ức trong gần 10 năm thanh xuân của tôi. Đó là những năm tháng rực rỡ nhất. Nặng gánh vì bữa cơm đạm bạc và nỗi lo, học xong ra trường có ở lại được không.
Trang nhật ký, tôi ấp ủ viết riêng về từng gương mặt trong xóm trọ, giờ vẫn để trắng. Có lẽ, ký ức ấy nên được xếp vào một phần riêng và là bí mật của riêng tôi. Những Hường, Hội, Dũng, Hà, Dung, My, Hiền… liệu có ai vô tình đọc được những dòng này, chắc họ cũng nhớ xóm trọ nghèo và Hà Nội như tôi lắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.