Những chàng trai kể chuyện đi khử khuẩn mùa dịch

Tấn Đạt
Tấn Đạt
22/07/2021 14:47 GMT+7

Dù mệt mỏi, vất vả đến nhức mình khi về đêm nhưng nhiều người trẻ cho hay họ vẫn cố gắng vác phun khử khuẩn phòng dịch Covid-19 khi có yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này.

Nguyễn Thanh Điềm, 23 tuổi, làm dân quân tự vệ tại Ban chỉ huy quân sự P.12, Q.3, TP.HCM, nhưng vẫn miệt mài đeo máy phun khử khuẩn loại 10 - 20 lít hơn một tháng qua để thực hiện khử khuẩn tại nhà của các trường hợp F0 và những khu vực phong tỏa.

Thanh Điềm chia sẻ bản thân tham gia đội khử khuẩn từ đợt dịch năm 2020, nhưng chủ yếu phun khử khuẩn tại các buổi họp hay những nơi tổ chức sự kiện. Từ đầu tháng 5, số ca nhiễm bắt đầu tăng và ngày càng phức tạp thì Điềm mới hiểu được ý nghĩa của công việc này và sự khốc liệt của dịch bệnh.

Dù đã thuần thục với công việc hơn một năm, nhưng khi bắt đầu trở lại nhiệm vụ phun khử khuẩn thì Điềm gặp không ít khó khăn. “Những ngày đầu thực hiện lại nhiệm vụ, khi về thì tôi bị căng cơ vai với ngực, giơ lên rất nhức. Đến tối mà còn đau quá thì lấy khăn nhúng nước ấm chêm vô cho đỡ. Nhưng làm khoảng 2 ngày sau thì quen thôi”, Điềm nói.

Điềm cao chưa đến 1,7 nhưng vẫn cố gắng khuân vác máy phun khử khuẩn

Ảnh: NVCC

Điềm cho hay công việc khử khuẩn này không có thời gian cố định, thường khi phát hiện trường hợp F0 hoặc tiến hành phong tỏa thì anh sẽ được điều xuống khu vực để khử khuẩn trước, chờ đội y tế xuống xử lý những khâu sau. Đôi khi anh phải khử khuẩn vào lúc khuya để đưa các trường hợp F0 đến nơi cách ly tập trung.

Anh chàng 23 tuổi kể: “Trước khi khử khuẩn, tôi thường kiểm tra thiết bị vì sử dụng Cloramin B để phun nên thường làm tắc ống dẫn. Khi có lệnh báo cần khử khuẩn thì tôi trang bị đồ bảo hộ và pha thuốc với tỷ lệ tùy thuộc vào đó là nơi phong tỏa có F0 hay là nơi tập trung đông người”.

Dù khó khăn, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ

Ảnh: NVCC

Theo Điềm, khó khăn của công việc này đầu tiên là mùi của Cloramin B nếu không quen thì dễ làm cho chóng mặt, nhức đầu. Đặc biệt là vào phun thuốc tại các khu nhà cũ, nhà đã xuống cấp nên việc mang theo bình thuốc để đi vào rất vướng víu và rất sợ té hay đồ đạc rơi vào người.

“Nhiều lúc phun vào buổi trưa thì vừa mặc đồ bảo hộ vừa phun thuốc trong khi nhà đóng kín cửa thì nghe mùi thuốc rất là khó chịu. Người phun thuốc sẽ phải tiếp xúc với nơi chứa mầm bệnh đầu tiên nên khá nguy hiểm”, anh kể lại.

Điềm hy vọng người dân luôn nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Ảnh: NVCC

“Với tôi những lần anh, em trong đội ngồi sinh hoạt với nhau sau những ngày cùng y tế xử lý các ổ dịch, hay những lần với cô chú hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch trong khu phố... là những kỷ niệm không giờ quên. Bên cạnh đó, tôi khá buồn khi có một trường hợp F0 vì trốn cách ly mà đã truyền nhiễm cho 2 đứa bé trong nhà. Từ việc này tôi thấy được là muốn chiến thắng được đại dịch, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng thì rất cần có ý thức của từng người dân để tránh những trường hợp đáng tiếc phải xảy ra”, Điềm chia sẻ.

Quân đội phun khử khuẩn “điểm nóng” Covid-19 Quốc Oai ở Hà Nội

Mỏi nhừ cả 2 vai và 2 chân

Giống như Điềm, Trịnh Mạnh Cường, 22 tuổi, là dân quân tự vệ ở Q.10, TP.HCM cho hay bản thân cũng tham gia công tác khử khuẩn tại các khu vực cách ly, phong tỏa, nơi lấy mẫu tập trung, cộng đồng… ở địa phương gần 1 tháng nay.

Với Cường, công việc này là “cũ người mới ta” nên không ít lần anh gặp trục trặc. Dù vậy, việc phun khử khuẩn trở nên dễ dàng khi Cường được các anh, chị bên Ủy ban và y tế hướng dẫn tận tình. Còn khó khăn thì máy phun khử khuẩn khá nặng, có những căn nhà to cao nên vác máy lên xuống khá vất vả, mỏi nhừ cả 2 vai và 2 chân. “Mỗi lần vác máy lên là buồn vì tôi nghĩ còn xịt nghĩa là còn dịch Covid-19”, Cường nói.

Cường thực hiện nhiệm vụ vào sáng ngày 22.7

Ảnh: NVCC

Mạnh Cường còn kể: “Từ khi dịch bùng phát, tôi đi làm nhiệm vụ này gần 10 lần rồi, thường kéo dài 20 phút cho mỗi đợt phun. Lần đầu tiên đi phun khử khuẩn thì khó khăn. Mọi người bật máy giúp mà cũng không biết chỗ xả khí, bấm hoài chẳng ra, rồi xịt lung tung. Khi đến các nơi có F0 ngoài sợ ra còn gặp khó khăn về địa hình. Lần kia đi đến căn nhà 4, 5 lầu mà nó không thông nhau. Trong khi đó, cầu thang chật, lại còn theo kiểu vòng xoắn. Lên xuống muốn xụi, xém trượt té nữa”.

Len lỏi từng góc nhà

Ảnh: NVCC

Không khác gì Điềm, Cường cũng đã xa gia đình mình hơn một tháng nay. Việc ăn, ở, ngủ đều diễn ra ở cơ quan làm việc. Dù đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, xét nghiệm liên tục đều cho ra kết quả âm tính, nhưng hai chàng trai 9x này vẫn không về nhà để đảm bảo an toàn cho người thân.

“Gia đình tôi ban đầu cũng sợ nhưng tôi cũng trấn an để cha mẹ yên tâm. Giờ thì cũng quen, đến tối gia đình tôi hay gọi hỏi thăm, nhắc nhở giữ gìn sức khoẻ”, Cường chia sẻ.

Cường mong đóng góp một chút sức nhỏ của mình cho công tác phòng, chống dịch

Ảnh: NVCC

“Mặc dù chỉ là dù phun khử khuẩn ở tuyến sau, nhưng khi tham gia công việc này tôi thấy được sự vất vả của anh chị y tế tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến khi hàng ngày phải tiếp nhận và xử lý hàng trăm ca bệnh. Khi tham gia vào nhiệm vụ này, tôi muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình cho công tác chống dịch của cả nước”, Cường tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.