Hơn 3 tháng qua, chị Đại Thị Tú Loan (36 tuổi, quê An Giang), chị Quách Thị Kim Loan (33 tuổi, quê Tây Ninh) và chị Trương Thị Thu Trang (31 tuổi, quê Sóc Trăng) cùng 3 con trai đều bệnh ung thư đã đùm bọc nhau trong căn nhà trọ ở ấp 3B, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM.
Gia đình đặc biệt
Ghé căn trọ gặp được chị Trang và chị Kim Loan, còn chị Tú Loan đang ở Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM điều trị định kỳ cho con trai 15 tháng tuổi bị ung thư gan. 3 người mẹ xa lạ và 3 đứa trẻ quen nhau ở một nơi chẳng ai muốn - BV. Vì dịch Covid-19, họ kẹt lại TP.HCM với muôn vàn nỗi lo: Covid-19, bệnh của con, cơm, áo, gạo, tiền, chỗ ở… May được một người phụ nữ cũng có con đang điều trị ung thư cùng BV giúp đỡ chỗ ở, họ về sống ở đây.
Thấy mẹ Trang xúc động, Trọng Nhân hiểu chuyện lau nước mắt cho mẹ |
CAO AN BIÊN |
Cầm xấp hồ sơ bệnh án của con là bé Nguyễn Trọng Nhân (6 tuổi), chị Trang kể bé bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ, đầu năm nay phát hiện thêm bệnh bạch cầu dạng nguyên bào lympho (một dạng ung thư máu). Ban đầu điều trị, Nhân phải ở BV suốt 2 tháng liền. Sau đó, 2 mẹ con hay đi đi về về giữa Sóc Trăng - TP.HCM. Nhờ có bảo hiểm y tế, mỗi lần đi khám chị tốn chừng 3 - 4 triệu đồng tính luôn tiền ăn uống, xe cộ, nhưng cũng là chi phí rất lớn với gia đình.
Chồng chị, anh Nguyễn Trung Kiên (46 tuổi), ở quê cật lực làm việc để có tiền chạy chữa cho con. Nói đến đây, chị Trang không cầm được nước mắt. Thấy mẹ khóc, Trọng Nhân lấy khăn giấy lau nước mắt cho mẹ.
Chị Kim Loan và bé Tín |
Chị Trang tâm sự giờ đây cả 6 người đều coi nhau như người một nhà. “May là dịch này chồng tôi vẫn còn đi làm được, sức khỏe con tôi đỡ hơn rồi. Chứ nhà chị Tú Loan hai vợ chồng đều không có việc, khổ lắm. Có lúc chỉ nghĩ quẩn muốn dẫn con về quê, nhưng chúng tôi khuyên, động viên hai mẹ con trụ đến cùng”, chị Trang kể.
Chị Tú Loan kể phát hiện bệnh ung thư gan của con đầu năm nhưng nhà khó khăn nên theo hướng dẫn chị đồng ý hóa trị cho con. “Bác sĩ nói giờ cứ cho bé 10 toa thuốc hóa trị, sau đó tùy tình hình sức khỏe rồi tính bước tiếp theo, bây giờ là toa thuốc thứ 8 rồi. Mỗi lần như vậy nhìn con tôi cũng chỉ biết khóc”, chị kể và cho biết chị ở Sài Gòn chăm sóc con, còn chồng ở quê làm đủ thứ nghề, mượn nợ khắp nơi để con được sống. Mùa dịch này, hai vợ chồng không làm gì ra tiền nên khó khăn chồng chất. Những lúc tuyệt vọng, chị lên mạng xin sự giúp đỡ nhưng vì dịch Covid-19 nên cũng ít người đến xác minh, giúp đỡ...
Chị Tú Loan và con trai điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM |
NVCC |
Những ngày sống nhờ người dưng
Căn trọ của các chị với đủ các điều kiện sinh hoạt là nhà vợ chồng chị Hoàng Thị Mai (39 tuổi, ở đối diện) thuê, nhưng nay bỏ trống. Cùng có con bị ung thư, chị Mai đồng cảm giúp đỡ 3 chị và 3 bé nhỏ có chỗ ở miễn phí.
“Mình không giúp họ thì họ biết ở đâu, ở trọ hay khách sạn thì tiền đâu chịu thấu. Nhà tôi mở công ty may, dịch không làm gì được, nhà đó cũng không dùng thì cứ giúp thôi”, chị Mai nói và cho biết còn miễn phí tiền điện nước suốt 3 tháng qua, cũng như hỗ trợ về thực phẩm. Hễ khi nào nhà nấu món ngon là chị lại mang qua cho các mẹ, các bé tẩm bổ.
Chị Mai hỗ trợ 3 người mẹ chỗ ở, thực phẩm dùng trong 3 tháng qua |
CAO AN BIÊN |
Những ngày dịch giã vừa qua, từng bữa cơm của mấy mẹ con đều do hàng xóm và các nhà hảo tâm ghé ngang qua giúp đỡ, tiếp tế. Chị Kim Loan thôi chồng từ hồi con trai 1 tuổi. Tháng 7.2020, chị từ Tây Ninh lần đầu đưa con là Quách Huỳnh Hữu Tín (4 tuổi) bị ung thư máu lên TP.HCM điều trị. Lúc đầu, chị cứ nghĩ người ở TP rất bon chen, mạnh ai nấy sống…
“Tôi không ngờ ở Sài Gòn người ta bao dung, người ta nghĩa tình như vậy. Không có họ các chị em tôi, các cháu không thể nào trụ được đến lúc này. Mấy mẹ con là người dưng nước lã mà hàng xóm ở đây người ta cho đồ quá nhiều lần, đôi khi là bó rau thôi, nhưng tôi cũng thấy ấm lòng lắm”, chị xúc động.
Những người mẹ có 3 con nhỏ mắc ung thư đùm bọc nhau trong căn trọ giữa mùa dịch ở TP.HCM |
CAO AN BIÊN |
Anh Ngô Thanh Trường (38 tuổi, Q.7) cho biết nhờ người bạn mà anh biết được câu chuyện và càng xúc động hơn khi được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với 3 bà mẹ cùng các cháu nhỏ. “Tôi đã 2 lần đến để thăm hỏi, gửi nhu yếu phẩm, tiền mặt của bạn bè cũng như của mình để giúp đỡ hoàn cảnh này, mong giúp họ phần nào vượt qua lúc khó khăn. Nhìn họ thương lắm!”, anh tâm sự.
Chị Loan kể anh Trường là ân nhân mà cả nhà chị nhớ nhất, nếu không có anh mấy mẹ con mùa dịch cũng không biết xoay xở thế nào. Còn chị Tú Loan cho biết thêm thời gian qua, gia đình nhận được nhiều sự giúp đỡ từ láng giềng và chính quyền địa phương, chủ yếu là về thực phẩm. Có người chưa một lần gặp mặt, nhưng nghe chị kể vẫn chuyển khoản cho chị 50.000 đồng, 100.000 đồng khiến chị hết sức biết ơn. “Họ không quen biết mình, thậm chí không thể đến nhà xác minh do dịch, nhưng vẫn tin và giúp đỡ”, chị xúc động.
Bình luận (0)