Trước khi vụ bán độ ở Bacolod tại SEA Games 2005 nổ ra, Văn Quyến đã là cầu thủ mà danh tiếng và tai tiếng hầu như không tách rời.
Quyến nổi tiếng sớm, nhanh chóng có chỗ trên đội tuyển và được các cổ động viên yêu mến hết mức. Thế nhưng với các HLV, đặc biệt là thầy ngoại, Văn Quyến bị cho là học trò ngỗ ngược và không thể uốn nắn nên người.
Cả hai chuyên gia ngoại đầu những năm 2000 của bóng đá Việt Nam là Dido và Christian Letard đều từng đuổi Văn Quyến vì quá… lười biếng. HLV Dido còn mắng vào mặt Quyến là “tôi không muốn thấy mặt cậu nữa”. Đáp lại, Quyến thủng thẳng rời đội, thay vì nghe lời HLV và tiến bộ hơn.
Dù vậy, với HLV Nguyễn Thành Vinh, Văn Quyến thực tế là người rất cầu thị nếu được chỉ bảo nghiêm túc, nhắc nhở khôn khéo “lạt mềm buộc chặt”. Với cầu thủ bản năng cá tính mạnh như Quyến, mọi sự áp đặt đều phản tác dụng.
|
“Khi tôi còn dẫn dắt SLNA, Quyến tập luyện không chỉn chu lắm. Anh ta tập khá là nghiệp dư (nguyên văn “amateur”). Bây giờ cầu thủ tập luyện kiểu cày ải này kia, chứ Quyến ngày xưa rất khác. Anh ta tập không có gắng, lượng vận động không nhiều.
Tuy nhiên, Quyến rất cầu thị. Nếu được nhắc nhở, dạy bảo, anh ta sẽ tập nghiêm túc. Còn HLV mà cẩu thả, không để ý, Quyến có thể tập ‘chui’, ăn bớt khối lượng tập luyện.
Có lần Quyến đóng quảng cáo 3 ngày, tôi giao khối lượng tập cho anh ta. Quyến nói là đã hoàn thành, nhưng khi trở lại sân tập, anh ta mới thừa nhận mình chưa đạt phong độ như yêu cầu, phải tập thêm cái này, cái kia.
Quyến vẫn thực hiện, nhưng HLV không để ý thì anh ta sẽ “lách”. Quyến không lao động thực sự nghiêm túc, trái ngược với hình ảnh hiệu quả trên sân”, ông Vinh khẳng định.
|
HLV Alfred Riedl từng thành công khi thuần hóa được “ngựa chứng”, biến Văn Quyến thành viên ngọc sáng giá trong hành trình lấy huy chương bạc SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam, dù trước đó, suýt nữa ông đã loại bỏ cầu thủ của SLNA khỏi đội tuyển.
“Năm 2003, U.23 Việt Nam sang Áo tập huấn (quê hương của HLV Alfred Riedl - PV). Ông Riedl nói với tôi: “Anh Vinh à, anh nhắc cháu Quyến phải tập luyện thật nghiêm túc, phải cố gắng, nếu không xuống sân bay, tôi sẽ không cho Quyến đá SEA Games đâu”.
Ở Áo, Văn Quyến dễ dàng đi bóng xỏ háng cầu thủ nước ngoài trước sự thích thú của ông Riedl. Ông ấy mê động tác của Quyến lắm, các hậu vệ Tây mà còn bị vượt qua. Nhưng Quyến lại tập rất chểnh mảng. Thế là tôi gặp riêng Quyến và nói với cậu ta: “Nếu cháu còn tập luyện thế này, cháu không được đá SEA Games đâu, phải về CLB đấy”. Quyến hứa sẽ nghe lời, cố gắng để đá tốt SEA Games.
Và sau khi về Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn), cậu ta đá rất tích cực. Chính điều đó mang đến hiệu quả cao ở giải đấu tại Việt Nam năm đó”, ông Vinh khẳng định.
|
SEA Games 22 chứng kiến màn trình diễn chói sáng của Văn Quyến. Pha đi bóng vặn sườn cầu thủ Thái Lan và cứa bóng vào góc xa của Quyến là bàn thắng đẹp nhất giải.
Hay pha vô lê đập đất tuyệt đẹp ở phút bù giờ trận chung kết với người Thái của Quyến “béo” đã hồi sinh giấc mơ vàng của Việt Nam. Kỳ SEA Games rực rỡ giúp Quyến giành Quả bóng vàng ở tuổi 19, trước khi có vết trượt dài đau đớn trong sự nghiệp.
Theo ông Vinh, đó chỉ đơn giản là phút bốc đồng, nông nổi của tuổi trẻ. Các cầu thủ xưa kia thường không biết phải ứng xử với vinh quang hay sống thế nào cho đúng với cuộc sống của người nổi tiếng.
Vinh quang, phù hoa ập xuống quá nhanh, cộng với việc không có người chỉ bảo, định hướng kịp thời khiến Văn Quyến lạc lối và không bao giờ trở lại đỉnh cao.
|
Ông Vinh cảm xúc: “Nếu Quyến được chỉ bảo kịp thời, cậu ta sẽ hiểu ra vấn đề. Vì khán giả yêu mến Quyến quá, nên nhiều khi cậu ta chểnh mảng. Đó là tuổi trẻ, Quyến chưa hiểu mình cần làm gì để có danh tiếng. Nếu tập luyện tốt, đá tốt hơn thì lương cao hơn.
Tuy nhiên, lương cầu thủ thời điểm đầu những năm 2000 rất bình thường, không như bây giờ. Nếu như bây giờ, Quyến sẽ tốt hơn vì khi ấy đồng tiền đánh giá đúng năng lực cầu thủ, cậu ấy sẽ có động lực cố gắng”, ông Vinh tiếc nuối.
Cuộc đời này, đâu thể tóm gọn bởi những “nếu như"...
“Quyến thời điểm đó chơi bóng ở đâu là khán giả đến đông ở đó, dù là trận đấu hay buổi tập. Người ta rất thích xem những quả gắp bóng, kỹ thuật khống chế, kiểm soát bóng của Quyến. Thời đó SLNA rất được yêu mến, đến sân nào đá là khán giả đến đầy sân ấy.
Khán giả càng đông, SLNA đá càng sung và rất tự tin thi đấu. Dù CĐV gào thét, gây sức ép, nhưng cầu thủ ở dưới như Quyến, Công Vinh, Quốc Vượng, Hải Nam, Như Thuật... lại càng tự tin”, HLV Nguyễn Thành Vinh khẳng định.
Sự tự tin cho thấy chất ngông và khí chất hiếm thấy của Văn Quyến. Cộng với tài năng thiên bẩm, Quyến vẫn là một trong những tài năng đặc biệt nhất bóng đá Việt Nam từng sản sinh.
|
Bình luận (0)