Những bức tranh vẽ từ trái tim dành tặng người tuyến đầu chống dịch

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/04/2020 13:10 GMT+7

350 bức tranh tái hiện lại những khoảnh khắc, hoạt động đầy xúc động của các y bác sĩ, bộ đội, công an, tình nguyện viên đang ở tuyến đầu chống dịch, khiến người xem xúc động.

 

Mỗi bức tranh góp 100.000 đồng vào quỹ chống dịch

Các tác phẩm hội họa này nằm trong chương trình vẽ ký họa “Chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19" do Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tổ chức.

Thạc sĩ Nguyễn Huy Văn, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ: "Trong những ngày dịch Covid-19 diễn ra, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều hình ảnh xúc động của các y bác sĩ, những tình nguyện viên, các anh bộ đội, công an... họ ngày đêm vất vả chống dịch ở tuyến đầu. Từ đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng sẽ vẽ lại những khoảnh khắc, hoạt động bình dị nhưng vô cùng ý nghĩa đó, như một sự tri ân. Không chỉ vậy,  một doanh nghiệp phối hợp với trường sẽ hỗ trợ mỗi bức tranh 100.000 đồng góp vào quỹ ủng hộ cùng cả nước phòng chống dịch" .

Tác phẩm của bạn Trần Minh Tuân ghi lại cảnh các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng nhau làm biểu tượng thả tim và thông báo đến các đồng nghiệp đang phải cách ly tại nhà: Chúng tôi vẫn ổn, hãy yên tâm

Theo thạc sĩ Văn, sau 15 ngày phát động, trường đã nhận được 350 bức vẽ từ sinh viên, giảng viên lẫn cựu sinh viên của trường. Tất cả đều được lấy cảm hứng từ những hình ảnh thật về những người ở tuyến đầu chống dịch trong kho tài liệu ảnh của Thành đoàn TP.HCM. Đó là một bà cụ 98 tuổi đã góp 1 kg gạo, 50 quả trứng cho quỹ phòng chống dịch Covid-19 của địa phương dù cuộc sống vô cùng khó khăn. Đó là một buổi lễ sinh nhật bất ngờ của các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai dành cho Huyền My, khi cô bé vừa tròn 18 tuổi. Hay hình ảnh tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh trên chuyến bay từ Frankfurt (Đức) về Việt Nam ngày 10.3 đang dỗ dành em bé 2 tháng tuổi quấy khóc vì nhớ mẹ...
"Mỗi bức ký họa đều là tình cảm của chúng tôi dành tặng những con người đang thầm lặng hy sinh, không quản khó khăn vất vả và sự hiểm nguy để đẩy lùi dịch Covid-19", thạc sĩ Nguyễn Huy Văn chia sẻ.

Những bức tranh làm cay khóe mắt

Mai Trương Quỳnh Vy, sinh viên năm nhất ngành Quy hoạch vùng và đô thị hệ chất lượng cao là tác giả của bức vẽ Sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau. Bức tranh này Vy lấy cảm hứng từ hình ảnh tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh dỗ em bé 2 tháng tuổi quấy khóc vì nhớ mẹ trên chuyến bay chở người Việt từ Đức về ngay trong thời điểm dịch đang lan rộng ở châu Âu.

Bức tranh vẽ bằng giấy thường nhưng rất đẹp của Quỳnh Vy

Vy bày tỏ: "Khi vào kho ảnh của Ban tổ chức lựa chọn một hình ảnh để vẽ, em thấy bức ảnh cô tiếp viên ẵm em bé. Em khá ngạc nhiên và không hiểu vì sao có bức ảnh đó. Em bèn lên mạng tra thử. Đọc lời tâm sự của cô tiếp viên với câu chuyện em thấy trái tim như hẫng đi vài nhịp, khóe mắt cay cay. Hình ảnh xúc động ấy đã thôi thúc em họa bức tranh này". 
"Có thể nó không hoàn hảo nhưng em mong góp một chút nhỏ nhoi, gửi đến mọi người thông điệp tốt đẹp: Đừng bi quan khi chúng ta vẫn còn hy vọng. Cuộc chiến này sẽ chẳng ai bị bỏ lại phía sau", Vy xúc động. Hiện Vy vẫn đang tiếp tục vẽ thêm một bức tranh để hy vọng đóng góp thêm vào quỹ chống dịch. 
Trong khi đó, Lê Bôi Phan là cựu sinh viên của trường và đang tu nghiệp tại Nhật, cũng đóng góp 3 bức tranh cho chương trình. Bức đầu Phan vẽ một bác sĩ đang ân cần hướng dẫn cậu bé sát khuẩn bằng dung dịch rửa tay, bức thứ 2 là về người thợ may đang miệt mài may khẩu trang tiếp tế cho đội ngũ y bác sĩ và bức tranh thứ 3  về cụ già 98 tuổi góp 1 kg gạo, 50 quả trứng cho quỹ phòng chống dịch. Theo Phan, đây là những bức hình mà bản thân mang lại nhiều cảm xúc nhất. Phan đã chọn trường phái ký họa phong cách Chibi Anime của Nhật.

Bức ký họa về bà cụ 98 tuổi của Lê Bôi Phan theo phong cách Chibi Anime của Nhật Bản

Chia sẻ với Thanh Niên, Phan cho biết: "Khi đọc về chương trình ký họa này, em thấy rất hay và ý nghĩa nên lập tức muốn tham gia. Em nghĩ mình không giúp được gì cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở quê nhà, nhưng mình có thể dùng ngòi bút để cổ vũ, động viên tinh thần cho những "chiến sĩ áo trắng" đang ngày đêm vất vả ở tuyến đầu. Em hy vọng các anh chị ấy sẽ có thêm động lực để tiếp tục vượt qua những khó khăn và mệt nhọc để hết mình vì đồng bào". 
Nguyễn Bá Diệp, sinh viên năm 3 ngành kiến trúc cảnh quan của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, lại chọn hình ảnh chị điều dưỡng viên ngủ thiếp trên bàn vì quá mệt mỏi. Diệp xúc động: "Trong lúc vào kho dữ liệu ảnh để xem, em thấy một bức chụp cảnh chị nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ đã ngủ thiếp đi trên bàn làm việc vì quá mệt mỏi do mấy ngày rồi không có ai thay ca. Em thấy rất đẹp và xúc động, nó khiến em có suy nghĩ nhất định mình phải vẽ bức này. Một phần là để cảm ơn công sức của những y bác sĩ đã dành toàn bộ thời gian và sức khỏe chiến đấu với Covid-19, một phần mong muốn truyền tải thông điệp đến cộng đồng với mong muốn mọi người cùng chung tay góp sức để đẩy lùi dịch bệnh".
Một số bức tranh khác trong chương trình:

Bức ký họa của Phùng Thị Thư vẽ về các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bình Thuận đang vui mừng vỡ oà cảm xúc khi bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng của bệnh viện có kết quả xét nghiệm âm tính ngày 6.4

Dương Thái Hưng tái hiện lại buổi sinh nhật đặc biệt của bệnh nhân Phạm Huyền My tại Bệnh viện Bạch Mai hôm 31.3 do các y bác sĩ bất ngờ tổ chức

Tranh của Lê Thị Thanh Nhàn là bức ký họa chân thực về đội ngũ y bác sĩ thời dịch. Họ tranh thủ chợp mắt trên ghế hay ăn vội bữa trưa để kịp thời chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân

Nguyễn Thị Mỹ Phượng lấy chủ đề về các chiến sĩ bộ đội biên phòng cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đốt lửa để xua tan cái lạnh trong lúc làm nhiệm vụ ngăn người dân xuất cảnh trái phép giữa dịch bệnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.