Thuốc rê là thuốc xắt sợi từ những lá thuốc chất lượng kém, quấn bằng giấy mỏng để hút. Hết giấy mỏng thì quấn bằng giấy học trò. Để tiết kiệm, tờ giấy học trò được khéo léo tách ra làm hai, khó như “chẻ đôi” sợi tóc nhưng vẫn làm được.
Giấy học trò khan hiếm thì quấn bằng bất cứ thứ gì miễn được gọi là… giấy. Trò nào có cha, anh nghiện thuốc, lâu lâu vở bị xé vài ba trang là chuyện thường.
Thuốc rê khói như đám mây, mùi khét lẹt, là bạn của dân nghiện ở làng quê suốt những năm gian khó. Nên hồi đó có câu “ca” rằng: Hôn em khi tình đã mê/ Dù môi ám khói thuốc rê cũng chiều.
Đám cưới hồi đó phải thực hiện nếp sống “văn minh”. Nghĩa là phải tổ chức ở hội trường ủy ban xã, một anh/chị ở xã đoàn làm MC. Nói gì thì nói, đầu tiên phải có câu “được sự cho phép của đảng ủy, ủy ban, gia đình tổ chức…”. Xã đoàn đọc lý lịch trích ngang của cô dâu chú rể, “mô tả” quá trình tìm hiểu, yêu đương. Đại diện ủy ban phát biểu dặn dò vui duyên mới không quên nhiệm vụ, nhắn nhủ cặp uyên ương sống đẹp, nợ nước phải trên tình nhà.
Sau đó là ăn bánh, uống trà, liên hoan văn nghệ. Những bài thường hát (hát chay) là: Đất nước trọn niềm vui, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Thành phố hoa phượng đỏ… Cứ vài tiết mục ca nhạc thì có xen kẽ hát bài chòi hoặc ngâm thơ Tố Hữu.
|
Rôm rả nhất vẫn là phần nói về… áo quần. Người này săm soi người kia. Quần chưa rách gối, sờn mông, áo chưa… lộn cổ là còn ngon lắm.
Thợ may thời này mối chỉ đường kim tinh xảo hết chỗ chê. Lộn cổ áo để giấu chỗ sờn, mạn chỗ rách đầu gồi, vá chỗ lủng ở mông cứ gọi là vô cùng… thẩm mỹ.
Thời đó có câu: Đẹp trai thì mặc đẹp trai/Cơ quan không tiếp tóc dài quần loe. Nhiều anh tận dụng chút vải từ việc bóp quần loe (quần ống rộng thời hippy) để vá chỗ rách khéo đến mức nhìn cứ như… chưa bao giờ rách.
Tết năm 1976 và những năm sau đó đời sống vẫn khó khăn chồng chất. Thời bình, mạng lưới mậu dịch phát triển rầm rộ, các loại tem phiếu với đủ hạng mức ra đời. Cửa hàng chất đốt, cửa hàng ăn uống, quày thịt, dịch vụ xay bột, dịch vụ hớt tóc… mọc lên như nấm nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu thiết yếu.
Thiếu thốn, khổ cực nhưng tết đến cứ phải ăn tết. Dân thời bao cấp, ngày thường chạy ăn từng bữa nhưng vẫn cợt đùa tếu táo, chế lời hát thật vui. Miếng ăn phải tính toán thật “khoa học” để có thể “cho ngày nay, cho ngày mai, cho… hai ngày sau”.
Tết đến, phải nói là vắt giò lên cổ mà chạy. Mì tôm sao cho được vài gói, gạo khoảng 13 ký, thuốc lá không đầu lọc ráng kiếm cho được vài ba bao. Bột ngọt, tiêu, đường, sữa, mắm… mỗi loại một ít. Rượu ngũ gia bì, Lúa mới, Nàng hương mỗi thứ một chai là cái tết xôm tụ ngay. Nhà nào bí quá, mua “rượu cấp cứu” ở cửa hàng dược về pha với nước lã uống để có chút cảm giác… lâng lâng.
Hàng về cơ quan, món này thừa, món kia thiếu, người có nhu cầu này, người có nhu cầu khác nên phải họp đến hơn 0 giờ để phân phối. Người thời ấy “quan niệm”: Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi xe (đạp).
Chưa kể đến trường hợp tết nhất mà phải đi coi ké ti vi. Ngoài ti vi ra, còn có khối người mơ thêm tủ lạnh, hon đa (xe Honda - PV). Nên “dân gian” lại có câu: Ti vi tủ lạnh hon đa/ Có ba thứ ấy mới ra con người.
|
Ngày thường lầm lũi sao cũng được nhưng tết về là mọi người nháo nhào tem phiếu gạo đường. Người ta nhìn anh ăn tết thế nào thì “luận” ra ngay “đẳng cấp” của anh.
Thương nhất là suốt tháng chạp chạy sốt vó cho cái tết ra hồn mà người thời bao cấp vẫn có đủ thời gian tự trào: “Làm chủ không đủ tranh thủ làm thuê”.
Còn nhớ cái năm, cũng vào thời ấy, 30 tết, cháu gái tôi lượm đâu được mấy vỏ lon “cô ca”. Nó rủ anh nó bò ra… mài đầu lon vào thềm đá nhà tôi suốt nửa tiếng đồng hồ để dùng như một cái ly uống nước. Tôi cho hai đứa mấy cái ly nhựa. Tụi nó mừng rỡ khư khư ôm ly về nhà.
Không hơn gì tụi nó, tôi đi chặt một cành khô sau vườn, ngồi lọ mọ dán hoa mai giấy lên. Gần giao thừa, tôi chưng chậu mai ra giữa nhà. Mẹ và chị tôi khen nức nở. Còn tôi thì sướng rêm người vì đã “chế tạo” ra chậu mai tết chơi đến hết tháng ba.
Bình luận (0)