Có nhà mà không được ở là nỗi bức xúc chung của nhiều hộ dân tại P.Lý Thái Tổ (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Kể từ khi khách sạn 26 Lý Thái Tổ đi vào thi công, 12 hộ dân xung quanh đã xuất hiện tình trạng nứt toác, sụt lún, khiến 26 nhân khẩu luôn sống trong thấp thỏm, lo lắng.
Là một trong những hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì ở sát vách công trình, ông Trần Quốc Vinh (64 tuổi, trú tại P.Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm) cho biết, từ tháng 10.2019, sau khi khách sạn 26 Lý Thái Tổ được đào móng để thi công, nhà ông và 11 hộ dân khác bắt đầu xuất hiện những vết nứt, từ nền cho đến tường, trần.
|
Đến khoảng tháng 5.2020, tình trạng nứt, lún diễn ra nghiêm trọng hơn. Nhiều bức tường xuất hiện vết nứt rộng tới gần 10 cm, vôi vữa bong tróc rơi như mưa; nền thì phồng rộp lên, nhà nghiêng hàng chục độ.
“Ngôi nhà của gia đình tôi được xây từ năm 1910. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây hơn 60 năm nay chưa thấy tình trạng này xảy ra bao giờ. Từ khi ngôi nhà bị ảnh hưởng, gia đình tôi luôn sống trong thấp thỏm, lo lắng, cuộc sống bị đảo lộn nhiều”, ông Vinh nói.
|
Theo ông Vinh, từ khi ngôi nhà bị nứt, lún, “chờ sập”, mọi hoạt động kinh doanh của gia đình ông phải tạm dừng, việc dạy học của ông cũng bị đình trệ vì không có địa điểm.
“Nhà tôi có truyền thống dạy học, tôi nhận dạy cho gần 10 cháu tới học và nghỉ trưa tại nhà. Nay nhà bị nứt, lún không còn không gian, nên lớp học phải đóng cửa, kinh doanh cũng trì trệ không biết tới khi nào”, ông Vinh nói.
|
Trước tình trạng này, gia đình ông Vinh và các hộ dân xung quanh đã làm đơn kiến nghị chính quyền vào cuộc giúp đỡ, đồng thời dọn ra ngoài ở, để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình.
Nhận được phản ánh của người dân, chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền cho dựng hệ thống khung sắt chống đỡ cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng để lên phương án giải quyết, đồng thời vận động người dân ra ngoài ở và hỗ trợ chi phí thuê nhà hàng tháng.
|
Theo ông Vinh, từ khi dọn ra ngoài trọ, hàng ngày ông và vợ vẫn về nhà để trông nom, đến chiều tối lại về phòng trọ nghỉ ngơi.
“Từ khi bên chủ đầu tư cho lắp kèo cột sắt khắp nhà, việc đi lại trong nhà gặp nhiều khó khăn, phải luồn chỗ nọ, lách chỗ kia thì làm sao mà ăn uống, ngủ nghỉ ở đây được. Khổ, có nhà mà không được ở, phải đi ở trọ”, ông Vinh thở dài, và mong muốn chính quyền có biện pháp để chủ đầu tư sớm sửa lại nhà ở cho gia đình ông và 11 hộ dân khác về hiện trạng ban đầu, để người dân an cư, lạc nghiệp.
|
Bà Trần Thị Thu (74 tuổi, chị gái ông Vinh) cho biết khoảng tháng 3.2020, nhà bà cũng xuất hiện tình trạng nứt toác, lún nghiêm trọng, và cũng được chủ đầu tư cho người sang “chống nạng”, gia cố cho căn nhà và hỗ trợ gia đình thuê ra ở trọ.
“Họ thường làm ban đêm, họ đào mà tôi nằm ở dưới nghe tiếng nứt rất sợ, vữa trần, tường thì rơi từng mảng, nên gia đình tôi ra ngoài ở. Ra ngoài có cái khó, phải chia ca ra ăn cơm không được sum vầy như trước, rồi tiền điện đắt hơn, bất tiện,... tôi mong chính quyền sớm có biện pháp để trả lại hiện trạng nhà cho người dân sinh sống đảm bảo, an toàn”, bà Thu đề nghị.
|
Sáng 16.7, trao đổi với Thanh Niên, đại diện tổ Thanh tra xây dựng P.Lý Thái Tổ cho biết, công trình khách sạn 26 Lý Thái Tổ được cấp phép xây dựng ngày 30.9.2019. Trong lúc công trình này thi công tầng hầm đã gây ảnh hưởng đến 12 hộ dân, 26 nhân khẩu lân cận.
Sau khi nhận phản ánh của người dân, Tổ Thanh tra xây dựng P.Lý Thái Tổ đã phối hợp với chủ đầu tư đi ghi nhận và lập biên bản hiện trạng đối với các hộ bị ảnh hưởng, đồng thời triển khai hệ thống giáo sắt chống đỡ, gia cố cho 2 hộ ông Vinh, bà Thu - là 2 hộ bị ảnh hưởng nặng nhất và hỗ trợ thuê trọ bên ngoài.
|
Ngoài ra, các bên đã thống nhất sau khi khách sạn thi công xong phần nóc tầng hầm, sẽ quay lại sửa chữa cho các hộ dân bị ảnh hưởng, sau đó mới được thi công trở lại.
“Chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở người dân phải cẩn thận, thường xuyên theo dõi ngôi nhà, nếu có vấn đề gì thì thông báo cho chính quyền, chủ đầu tư để sớm có biện pháp khắc phục”, vị đại diện nói.
Bình luận (0)