“Nhắm mắt” đi liều
Ông Phan Ngọc Ánh (71 tuổi, ở thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú, H.Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, cầu dân sinh Bến Lội nối thôn Tú Phương và thôn Tú Nghĩa (xã Bình Tú) được xây dựng từ gần 20 năm trước, kinh phí do người dân địa phương đóng góp. Cầu dài hơn 40 m, rộng khoảng 1,2 m, là nơi hàng trăm người dân xã Bình Tú và một số xã lân cận như Bình Trung, Bình Hải, Bình Sa... lưu thông mỗi ngày.
Đến nay, cây cầu này đang trong tình trạng... chờ sập. Biết rõ “sức khỏe” cây cầu nhưng người dân không có sự lựa chọn nào khác nên mỗi ngày đành phải sử dụng. “Cầu không có lan can, lại hẹp nên nhiều người đã rơi xuống sông, bị thương. Cách đây mấy năm, một học sinh lớp 7 khi đạp xe qua cầu không may rơi xuống và bị đuối nước”, ông Ánh nói.
Bà Phan Thị Nhung (54 tuổi, ở thôn Tú Nghĩa) cũng than phiền về chuyện cầu hẹp, chỉ đủ cho một chiếc xe máy chạy qua. Mỗi buổi chiều, khi người dân đi làm về đông, mọi người đành phải ráng chờ vì không dám tranh nhau qua cầu. “Cầu rung cứ như... đưa võng. Mà có cả trăm học sinh qua lại mỗi ngày. Chúng tôi phải nín thở!”, bà Nhung ngao ngán cho biết.
|
Năm sau mới xây cầu
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mặt cầu Bến Lội được xây dựng bằng cách ghép từng mảnh bê tông với nhau. Nhiều mảnh cũ bị hư hỏng đã được người dân “chắp vá” bằng cách đặt những mảnh bê tông mới thay thế. Các điểm trên bề mặt cầu nứt rộng được “nhét” chèn bằng những thanh gỗ. Một số mảnh bê tông vỡ gãy, những thanh sắt lòi ra, hướng lên trên trông rất nguy hiểm. Đặc biệt, nhiều trụ cầu bị nứt gãy, hai đầu mố cầu cũng đã sụt lún...
Ông Nguyễn Đình Yến, Chủ tịch UBND xã Bình Tú, nhìn nhận tình trạng xuống cấp của cầu Bến Lội và chuyện lưu thông của người dân vô cùng khó khăn. Vào mùa mưa lũ, cầu thường xuyên bị ngập, lưu thông ách tắc. Ông Yến cũng cho rằng cầu xuống cấp nhanh chóng có lý do xe lôi chở cát, sạn thường xuyên qua lại. “Hằng năm, chính quyền xã đều trích kinh phí cùng với nguồn đóng góp của người dân để sửa chữa những đoạn hư hỏng. Hiện tại, huyện đã có chủ trương phân bổ khoảng 5 - 7 tỉ đồng để xây cầu mới”, ông Yến nói.
Như vậy, người dân phải “nín thở” qua cầu thêm một thời gian nữa, vì theo dự kiến đến năm 2020 nguồn vốn xây cầu mới được phân bổ.
Bình luận (0)