Vì vậy, trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những sai lầm thường gặp và cách khắc phục để tối ưu việc sử dụng máy điều hòa sao cho hiệu quả để có thể tung các 'đòn hiểm' bắt sống những 'kẻ hủy diệt năng lượng điện' này.
Đối với máy điều hòa, chắc hẳn các bạn đều lầm tưởng rằng nhiệt độ càng thấp sẽ càng mát? Điều đó hoàn toàn sai, nếu giảm đi 1°C thì lượng điện tiêu thụ có thể tăng từ 7-10%, nhiệt độ tốt nhất là 26°C (không nên để nhiệt độ thấp hơn 25°C), mức gió sẽ chọn là mức 2. Bật như vậy sẽ tiết kiệm điện rất nhiều. Nếu muốn mát nhanh hãy chỉnh cánh quạt hướng lên trên, như vậy thì luồng khí lạnh đi lên rồi lại đi xuống sẽ khiến cho phòng của bạn được làm mát nhanh hơn.
Nếu phải đi ra ngoài trong thời gian ngắn, hãy tăng nhiệt độ lên để tiết kiệm điện, thay vì tắt đi. Vì khi tắt và khởi động lại, sẽ tốn gấp 3 lần năng lượng khi vận hành bình thường. Cũng như thói quen tắt máy điều hòa khi đủ mát đến khi bật trở lại sẽ hao tốn rất nhiều năng lượng, kéo theo hóa đơn của bạn cũng tăng đến đáng sợ.
Một mẹo nghe có vẻ khá ...dở hơi nhưng lại là "cứu cánh" cho ví tiền của nhà bạn đó là sử dụng điều hòa kết hợp với quạt. Cách này không chỉ tiết kiệm điện mà còn an toàn cho sức khỏe.
Thân nhiệt con người hạ xuống thấp khi bước vào giai đoạn ngủ sâu, nếu các bạn vẫn giữ 26°C sẽ rất dễ bị cảm lạnh nếu không đắp thêm chăn. Thông thường, sẽ rất ít người chú ý đến nút Sleep ở trên điều khiển điều hòa, đây là nút chế độ ngủ vào ban đêm.
Khi bật chế độ này thì nhiệt độ phòng sẽ thay đổi theo thời gian để phù hợp với môi trường giúp người sử dụng không bị cảm lạnh. Khi nhấn nút Sleep thì sau khoảng 30 phút -1 giờ thì nhiệt độ sẽ tự động tăng lên 1°C sau đó tiếp tục tăng lên 2°C và duy trì mức nhiệt độ đó cả đêm. Ví dụ khi bạn để 26°C thì sau 1 tiếng nó sẽ tự động tăng lên 27°C và sau 2 tiếng sẽ là 29°C và ở nhiệt độ đó cả đêm. Cân bằng nhiệt hơn với nhiệt độ môi trường.
Hãy ưu tiên dùng điều hòa có công nghệ Inverter, công nghệ này có nguyên lý vận hành giúp điều hòa hoạt động tiết kiệm điện hơn rất nhiều, đặc biệt khi bạn phải bật điều hòa suốt cả ngày, sẽ cực kỳ tiết kiệm điện.
Bí quyết sử dụng máy nước nóng sao cho “tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”
Cứ mỗi khi mùa đông đến thì trở rất lạnh, đặc biệt là ở miền Trung và miền Bắc. Vậy mà hóa đơn tiền điện các gia đình vẫn không thấy giảm chút nào. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tiêu thụ điện trong mùa đông vẫn không hề giảm, càng làm tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay thêm phức tạp.
Nếu bạn chưa biết lý do tại sao thì hãy nên chú ý đến chiếc bình nóng lạnh trong gia đình, vì đây là một thiết bị rất thiết yếu thường được sử dụng trong mùa lạnh, xem đã sử dụng đúng cách hay chưa?
Thực tế thì các thông số ghi trên máy đều là công suất tối đa của máy nước nóng, và không phải lúc nào máy cũng chạy với công suất tối đa, vì vậy mà lượng điện thực tế tiêu tốn cũng sẽ không nhiều như vậy. Trong bài viết này tôi sẽ bỏ túi cho các bạn một số cách sử dụng máy nước nóng sao cho tiết kiệm, đúng như câu nói: "Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”:
Trước tiên, nên bật máy nước nóng khoảng 10 -15 phút trước khi tắm để máy có thời gian vận hành. Tốt hơn là bật xong là tắm ngay. Đặc biệt không nên vừa bật vừa tắm, hạn chế nguy cơ điện giật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho gia đình. Bạn cũng không nên bật máy 24/24 bởi khi không có nhu cầu mà vẫn bật máy sẽ chỉ làm tốn điện mà máy phải hoạt động nhiều cũng không có lợi.
Một điều mà có lẽ người sử dụng các thiết bị điện nên biết là ngay cả khi đã tắt điện thiết bị mà vẫn còn điện nguồn - "cầu dao" thì thiết bị vẫn tiêu hao điện.
Lựa chọn dung tích phù hợp cho nhu cầu sử dụng cũng là một yếu tố cần thiết. Vì hầu hết khách hàng thường thích dung tích lớn để được thoải mái, nhưng điều này chính là nguyên nhân hóa tiền điện tăng và lãng phí năng lượng. Với mục đích tắm rửa, nếu nhà bạn có 1-2 thành viên thì bạn nên dùng máy có dung tích 15 - 20 lít, 3 - 4 thành viên thích hợp với máy 21 - 30 lít và trên 5 thành viên nên dùng máy có dung tích trên 30 lít.
Máy nước nóng dùng điện năng để làm nóng nước trong thời gian ngắn, vì vậy nước càng nóng, có nhiệt độ càng cao thì điện năng tiêu thụ cũng càng nhiều. Trong những trường hợp không cần thiết, bạn nên chỉnh nhiệt độ nước phù hợp để ít tiêu thụ điện năng.
Kiểm tra, bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ 1 tháng/lần để tránh hư hỏng thời gian dài dẫn tới hư hỏng nặng khó sửa chữa, và ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình sử dụng. Sử dụng bình nóng lạnh có thương hiệu uy tín và nên chọn các loại máy nóng lạnh dùng dòng chảy có lưu lượng thấp, sẽ làm nước nhanh nóng hơn, dẫn đến tiết kiệm điện nhờ tiết kiệm thời gian.
Ưu tiên các loại máy nước nóng năng lượng mặt trời. Các loại máy này phù hợp với mọi nguồn nước, thời gian làm nóng cực nhanh, giá cả phải chăng và đặc biệt là rất an toàn, phù hợp với tất cả các hộ gia đình.
Hãy bỏ túi ngay những chia sẻ trên của tôi để biết cách sử dụng máy điều hòa và máy nước nóng sao cho tiết kiệm điện, lại vừa hiệu quả nhất. Có như vậy chúng ta mới tung được đòn hiểm bắt bài những 'kẻ hủy diệt năng lượng điện' tại nhà để chúng phải ngoan ngoãn phục tùng.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)