Những chuyến nguồn của mẹ

19/07/2020 06:17 GMT+7

Làng Tây Yên của tôi cách chợ huyện không xa lắm nhưng đường đi bộ khoảng 10 cây số. Bởi quê xưa để xuống phố phải lội bộ qua đồng, qua suối, qua đồi, qua truông, qua mương…

Mẹ tôi hay đi chợ huyện nhiều không phải nhà dư dả mà để “đi nguồn”. Đi nguồn là cách gọi dân gian của quê tôi chỉ những người phụ nữ gánh những loại hàng hóa mua về, chế biến gánh lên vùng miền núi cách đó hàng chục cây số để bán hoặc trao đổi với những người dân trên làng, buôn. Hàng hóa ở đây là cá, mắm, muối, thực phẩm khác mua ở chợ, lên bán cho người “ở nguồn” hoặc đổi các loại trái cây, củ quả, gia cầm (gà, vịt…)… đem về bán lại.
Đi nguồn như vậy chủ yếu là “lấy công làm lời”. Ở quê, những lúc nông nhàn, vốn ít, ruộng đã vào hợp tác xã hay đất được nhập vào nông trường quốc doanh thì đi nguồn là một cách mưu sinh để cải thiện cuộc sống vốn khó khăn. Đi nguồn rất vất vả nên ít người đi. Trong làng chỉ có mẹ tôi và một số ít phụ nữ rủ nhau “trèo đèo, lội suối”. Mỗi chuyến đi nguồn phải dậy sớm lo hàng, đi sớm, tránh nắng. Phải tranh thủ sao cho kịp đến những nhà dân chưa đi làm, ghé bãi đất họp chợ khá sơ sài nhưng tập trung nhiều người hoặc rảo bước vào các nhà dân buổi trưa ở từng làng để giao những hàng đã dặn, nhắn gửi trước.
Đường đi nguồn từ làng Tây Yên lên Trà My có ngọn đèo Ba Hương mà mỗi chuyến mẹ tôi phải dốc sức rất nhiều. Đèo cao, dốc đứng trong khi quảy gánh nặng nhưng phải vừa cố giữ thăng bằng để nồi chè, trách cá, hũ mắm, chai tương… và các thứ khác không bị xô lệch, đổ hư, vừa bám chân trên những bậc đá hoặc mô đất trơn cả khi lên, khi xuống. Tên gọi Ba Hương nghe hay nhưng ai đi bộ qua cũng lè lưỡi, lắc đầu bởi độ dài của nó. Đi lên và xuống đều khó với thời gian đốt cháy hết ba cây hương (còn gọi là nhang).
Mỗi chiều về khi có chuyến đi nguồn, tôi thường chạy lên cánh đồng gần nhà vừa để đón mẹ vừa tranh thủ có được những loại trái cây để được ăn cho thỏa thích. Thực ra, chả phụ được gánh nặng gì nhưng chí ít cũng bê vác một cách vui vẻ trái mít hay xâu bắp, cái cân, can dầu phộng, chiếc bánh dầu, con gà… trong quang gánh của mẹ. Khi ấy, cũng vô tư nên chả hỏi mẹ câu gì như mệt không, chỉ biết vui khi đón mẹ về ngày dài, mẹ còng lưng gánh hàng mà không tiếng thở than.
Lớn dần lên, những con đường đã mở rộng, hàng hóa ở dưới miền xuôi gửi ngược lên và hàng trên nguồn gửi xuôi xuống qua những chuyến xe dù “cà rịch cà tang, cọc cạch” đã xuất hiện. Tôi bỗng nhớ cái sự buôn bán trao đổi ngày nào qua câu hát như: “Ai về nhắn với nậu nguồn. Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” như lời da diết ở hai miền xuôi ngược mà mẹ tôi là một phần trong hình ảnh đó.
Tuổi nhiều hơn, sức dần mỏi mệt không thể gánh hàng như xưa, mẹ tôi mới thôi đi nguồn. Nhưng có điều lạ, những người quen trên nguồn sau này đi xuống miệt dưới về chợ huyện, đôi lúc ghé qua thăm nhau, vẫn gửi chút quà trên núi xuống. Cái tình nghĩa qua buôn bán một thời cũng thắm đượm trong cách ứng xử.
Bây giờ, mẹ tôi đã già, xa quê, tuổi gần đất xa trời nhưng trí vẫn còn nhớ. Hỏi mẹ chuyện nguồn xưa, mẹ nheo mắt, nhăn trán cười bảo, không hiểu sao ngày xưa giỏi thế, đi không biết mệt mà có lời nhiều chi đâu. Mẹ nói không biết vì sao, nhưng trong thâm tâm tôi nhận biết được cái sự chịu đựng đến cùng của người phụ nữ miền Trung nhẫn nại. Một người mẹ đơn thân nuôi ba đứa con ăn học của những năm tháng “ăn cơm ghế khoai”, thay gạo bằng “bo bo” hằng ngày ngoài việc được phát lương thực, thực phẩm theo chế độ tem phiếu dựa trên công tính điểm thì đi nguồn là lối mưu sinh chống đói trước nhất. Mẹ đã chịu đựng được với những chuyến đi “lên rừng xuống biển, trèo núi lội non” cho anh em tôi có cái ăn, cái mặc, được đến trường đi học…
Mưu sinh đất phương Nam từ thuở xa quê, những dịp trở về thăm những người bà con tứ tán khắp vùng, nhiều thay đổi, tôi có dịp đi trên đường kênh rộng, chạy xe trên những con đường trải nhựa láng bóng, tôi cố hình dung về tuổi thơ qua những cánh đồng, những con truông hay nhìn lên phía đồi núi xa kia… Trên vùng từng là nguồn đó vẫn còn rừng núi nhưng không còn cảnh xa tít tắp, cánh đồng kia vẫn còn lúa xanh nhưng bây giờ đã nhỏ lại dần trong tầm mắt, người qua lại quá đông đúc với nhiều phương tiện… Cảnh vật đổi dời với bao thay đổi trong từng nơi nhà cửa đông đúc của làng ở xuôi, ở ngược… Những nẻo đường đến xứ “nậu nguồn” ở Quảng Nam dù xa, dù thay đổi nhưng trong tâm thức tôi vẫn hiện rõ dáng người mẹ của miền Trung tảo tần một thuở, gói gọn nguồn thương yêu, kính trọng trong năm tháng của đời người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.